A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 307

Gặp mặt kỷ niệm 45 năm ngày xuất quân lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia

QPTĐ-Ngày 17-12, tại Hà Nội, Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 307, Quân khu 5 gặp mặt các thế hệ nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 45 năm ngày xuất quân lên đường làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia. Đến dự có Thượng tướng Bế Xuân Trường, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam; Đại tá Đào Văn Nhận, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu dự buổi gặp mặt

Tại buổi gặp mặt, các CCB Sư đoàn 307 đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc về một thời chiến đấu, hy sinh, nhiều người đã bỏ lại một phần xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Cuối năm 1977, đầu năm 1978, tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary (Campuchia) đẩy mạnh hoạt động lấn chiếm, bắn giết dã man đồng bào ta ở biên giới Tây Nam, xâm phạm nghiêm trọng lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ngày 30-7-1978, Sư đoàn 307, Quân khu 5 được thành lập. Ngay sau khi ra đời, Sư đoàn đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tăng cường huấn luyện, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế và quyết tâm chiến đấu.

Đại tá Đào Văn Nhận, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng hoa chúc mừng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Chỉnh, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn cho biết: Cuộc tổng tiến công được hình thành trên 3 hướng chính. Sư đoàn 307 của mặt trận 579 Quân Khu 5 tác chiến trên vùng Đông Bắc Campuchia. Đúng ngày 25/12/1979, Lễ xuất quân và lệnh nổ súng trên mặt trận 579 bắt đầu. Cùng với các sư đoàn chủ lực của mặt trận như: Sư đoàn 309, Sư đoàn 315…, Sư đoàn 307 là đơn vị chủ công của mặt trận đã tiến công như vũ bão, tấn công vào Quân khu Đông Bắc của địch ở Stungtreng. Tiếp đó, Sư đoàn vượt sông Mê Koong giải phóng tỉnh Viêng Say và Prech Vihear. Những địa danh thân thuộc như: Thị trấn Chép, thị trấn Choan Ksam, thị xã Tà Beng, ngôi đền huyền thoại Preah Vihear nằm trên dãy núi Đăng Rếch giữa biên giới Campuchia và Thái Lan sẽ theo các cựu chiến binh Sư đoàn đến hết cuộc đời. Hơn 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 307 nói riêng và quân tình nguyện Việt Nam trên các mặt trận 579, 479, 979 đã ngã xuống hoặc bị thương tật suốt đời. Nhiều trận đánh oai hùng, những ngày ăn bo bo nhường gạo cho dân nước bạn, cả những trận đánh chưa thành công ở điểm cao 547 mãi mãi là những kỷ niệm sâu sắc trong đời chiến binh. Chính sự hy sinh cao cả của đồng đội đã góp phần xây dựng nên tình đoàn kết giữa quân đội 2 nước và tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam và Campuchia. Với những thành tích và chiến công xuất sắc, Sư đoàn đã vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tiết mục văn nghệ chào mừng.

Trở về đời thường, các cựu chiến binh Sư đoàn 307 luôn phát huy truyền thống, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, tích cực lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, động viên gia đình, con cháu chấp hành tốt chủ trương chính sách, pháp luật của nhà nước và quy định của địa phương. Những năm gần đây, các cựu chiến binh Sư đoàn 307 ở các địa phương đã thành lập các ban liên lạc bạn chiến đấu của Sư đoàn để tập hợp đoàn kết các cựu chiến binh của Sư đoàn trong một tổ chức xã hội tự nguyện, với tinh thần tất cả vì nghĩa tình đồng đội để giúp nhau vượt qua mọi khó khăn, vượt lên xóa đói, giảm nghèo, giúp con em của cựu chiến binh có công ăn, việc làm… Đặc biệt, nhiều nơi, các cựu chiến binh đã thu thập thông tin liệt sĩ, tổ chức những chuyến sang vùng đơn vị đã tác chiến tìm hài cốt đồng đội, đưa hàng trăm hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trên đất nước Campuchia về với gia đình, quê hương; tổ chức lễ cầu siêu cho đồng đội…, góp phần xoa dịu nỗi đau cho thân nhân các liệt sĩ.

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ