A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

QPTĐ-Để phục vụ việc phối hợp giữa UBND Thành phố với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, chiều 18-12, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc họp trao đổi, thống nhất về định hướng tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, các điều 27, 28 và một số quy định liên quan tại Điều 42, 44, 45 dự thảo Luật. Dự hội nghị có đại biểu lãnh đạo Bộ Tư pháp; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo một số sở, ngành của Thành phố. Đồng chí Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong các điều 42, 44, 45 của dự thảo Luật Thủ đô cho phép cơ sở khám, chữa bệnh công lập của thành phố Hà Nội được sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong mua sắm, sửa chữa để duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế phát triển y học gia đình; phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện; quy định UBND thành phố  Hà Nội quyết định việc sử dụng kinh phí bảo hiểm y tế trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được giao dự toán để chi trả dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Tuy nhiên khó khăn của ngành y tế Thủ đô đang gặp phải là, các trạm y tế gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, như thiếu bác sĩ có chất lượng phù hợp làm việc trực tiếp tại trạm y tế, nhất là trạm y tế xã; các dịch vụ chuyên sâu tại trạm y tế chưa thể thanh toán bằng bảo hiểm y tế; số lượng cơ sở hành nghề y tư nhân thực hành nguyên lý y học gia đình còn khá hạn chế. 

 
Đại biểu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Phát biểu định hướng thảo luận, đồng chí Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội đề nghị các đại biểu làm rõ những vấn đề trong Luật đã xác định, xây dựng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cao thì có gì khác với cơ sở khám bệnh bình thường, cần có cơ chế gì? Nếu lập bác sĩ gia đình thì lực lượng y tế cơ sở tham gia, hay thu hút lực lượng tư nhân; hiện nay nhiều đại biểu băn khoăn đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu, nên mới có hiện tượng khám vượt tuyến gây quá tải với tuyến trên, vậy cần những chính sách cơ chế gì để bổ sung vào dự thảo Luật.

Các ý kiến phát biểu tham luận.

Sau khi nghe Sở y tế và Sở Tư pháp Thành phố trình bày báo cáo đề xuất, hội nghị đã có 7 ý kiến tham luận, trong đó tập trung làm rõ các vấn đề, như: Phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe nhân dân; chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; quản lý tài sản công; thu hút nhà đầu tư chiến lược; cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt là những vấn đề chưa có trong dự thảo luật, cũng như những vấn đề còn chồng chéo giữa dự thảo Luật Thủ đô với các bộ luật khác, góp phần xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại. Tại Hội nghị, UBND Thành phố, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Bộ Tư pháp đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý  dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo đề xuất của các đại biểu và sẽ hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới xem xét để trình Quốc hội thông qua.

Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ