A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Bắt” B-52 trong nhiễu

 

QPTĐ- Mỹ có “vỏ quýt dày” thì Việt Nam có “móng tay nhọn”. Cùng với vũ khí và kỹ thuật hiện đại của Liên Xô, trái tim, khối óc và bàn tay của các chiến sĩ Việt Nam đã trị được các loại vũ khí rất hiện đại, với những thủ đoạn kỹ-chiến thuật rất tinh vi và nguy hiểm của kẻ thù.

 

 

                                                                    Xác chiếc máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi ngày 22/12/1972.                                                                   

                                                                              Ảnh: TTXVN

 

Mỗi một kinh nghiệm chống nhiễu thành công và không thành công của Hà Nội-kể từ năm 1966-đều được Quân chủng Phòng không-Không quân phổ biến ngay cho các đơn vị phòng không, không quân toàn miền Bắc vận dụng. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng cho việc xuất hiện hàng loạt chiến công xuất sắc, trong đó có những chiến công bắn rơi pháo đài bay Mỹ trên các chiến trường như: Ngày 17/9/1967, Trung đoàn Tên lửa H38, trên đất thép Vĩnh Linh, bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên. Ngày 18/3/1971, Trung đoàn H37 bắn rơi một B-52 trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Ngày 2/4/1972, Trung đoàn H36 bắn rơi chiếc B-52 trong Chiến dịch Quảng Trị…

 

 

Tài liệu Cách đánh B-52 trưng bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân.

 


Mỗi một chiến công nói trên là kết quả của biết bao sức lực, mồ hôi và xương máu, tuy chưa hạ được B-52 rơi tại chỗ, nhưng đều mang ý nghĩa bài học kinh nghiệm rất có giá trị, cả lý thuyết lẫn thực hành, góp phần rất quan trọng vào việc hoàn thiện cách đánh B-52 sau này.


Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không-Không quân đã cử những đoàn cán bộ giỏi lặn lội vào các chiến trường ác liệt nhất: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, Đường Trường Sơn, đến với các trận địa ra đa, tên lửa, vào buồng máy ngồi cạnh các trắc thủ, sĩ quan điều khiển để cùng nghiên cứu nhiễu trên “thực địa”. Các dạng nhiễu khác nhau hiện ra trên màn hiện sóng được các anh vẽ lại trên “giấy trắng mực đen”. Có khi hình ảnh diễn biến của những trận đánh B-52 thể hiện trên màn huỳnh quang còn được ghi lại bằng quay phim, chụp ảnh. Trong lịch sử chiến đấu của bộ đội Phòng không-Không quân những hình vẽ, những tấm ảnh (được đóng thành tập album”, những thước phim về các dạng nhiễu nói trên là những di sản hết sức quý báu.


Tất cả những điều rút ra từ thực tế chiến trường về cách đánh máy bay các loại của địch đã được cơ quan tham mưu Quân chủng đem ra phân tích, tổng kết lại, viết thành tài liệu, những tài liệu thực sự trở thành “cẩm nang” cho bộ đội Phòng không-Không quân ta hồi ấy.


Trong Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, máy bay Mỹ đủ loại: Chiến lược, chiến thuật, tốp nhỏ, tốp lớn, bay thấp, bay cao…tất cả đi trong màn nhiễu, đã bị các đơn vị ra đa ta phát hiện với tỉ lệ rất cao (93% B-52 và 86% F111…). Đó là nhờ, ngoài thế bố trí trận địa khôn khéo, bộ đội ra-đa còn được huấn luyện kỹ càng theo cuốn cẩm nang “Quy trình bắt B-52 trong nhiễu”.


Về cuốn Cẩm nang bìa đỏ “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa”, cuốn sách chỉ dày 30 trang đánh máy, nhưng nó là kết quả của cả một quá trình xây dựng hết sức gian khổ, công phu, mà những nét đầu tiên đã được phác thảo ngay từ giữa chiến trường máu lửa Vĩnh Linh và Hà Nội năm 1967…Chính nhờ cuốn Cẩm nang bìa đỏ mà đêm 22/11/1972, Trung đoàn tên lửa H63 ở Nghệ An đã khắc phục được nhiễu, bắn hạ một chiếc B-52, rơi ở Na-khon Pha-nom (Thái Lan). Đây là lần đầu tiên B-52 Mỹ bị phơi xác giữa ban ngày ban mặt và cũng là lần đầu tiên Mỹ chịu thừa nhận B-52 của họ bị tên lửa Sam 2 Bắc Việt bắn rơi.


Thực tế cho thấy, trong Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, có những đơn vị tuy chưa một lần “chạm trán” với B-52 như Trung đoàn H57, Trung đoàn H61, nhưng bước vào Chiến dịch, nhờ vận dụng tốt cách đánh của cuốn “Cẩm nang bìa đỏ”, cộng thêm kinh nghiệm đánh máy bay chiến thuật của bản thân đơn vị trước đây, đã đánh rất giỏi, bắn rất trúng, hạ rất nhiều pháo đài bay, đặc biệt có nhiều chiếc rơi tại chỗ…
Với ý chí kiên cường và đầu óc sáng tạo, chúng ta đã thắng được thủ đoạn gây nhiễu điện tử, chỗ mạnh đáng gờm nhất của không quân Mỹ.


(Theo cuốn sách “Điện Biên Phủ trên không”-Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ