A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Địa đạo Nam Hồng - Nơi lưu giữ những chiến công oanh liệt

QPTĐ-Là một trong những địa đạo đầu tiên của Việt Nam, địa đạo Nam Hồng, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, là địa đạo duy nhất có tại miền Bắc, thể hiện nghệ thuật quân sự rất đặc trưng, độc đáo của chiến tranh du kích vùng Đồng bằng Bắc bộ châu thổ sông Hồng. Địa đạo là chứng tích lịch sử hào hùng, thể hiện tài năng, trí tuệ sáng tạo của quân và dân Đông Anh nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Địa đạo được xây dựng theo hình vòm cung.

Đến thôn Vệ, xã Nam Hồng, chúng tôi đã được các “bô lão” trong làng kể cho nghe về quá trình xây dựng địa đạo. Đó là, ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946, công tác xây dựng làng xã chiến đấu đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Nhân dân đã trồng tre, chặt cây làm cổng dong ở ngoài đồng để rào làng. Đồng thời, đào sâu từng hố giữa đường, đắp ụ chắn từng khúc, đóng cọc lớn cản xe tăng, cải tạo các con đường thẳng thành đường ngoằn ngoèo để thuận tiện cho cách đánh du kích. Thời điểm này, hầm bí mật và hệ thống địa đạo chưa hình thành rõ nét. Bước sang thời kỳ địch tạm chiến năm 1947, các cơ quan đầu não và cơ sở cách mạng của Trung ương Đảng chuyển dần về các vùng ven ngoại thành hoạt động bí mật, huyện Đông Anh được Trung ương chọn xây dựng “an toàn khu” trong kháng chiến. Khi phát hiện nơi hoạt động bí mật của nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ… trên mảnh đất Nam Hồng, huyện Đông Anh, thực dân Pháp đã không ngừng tăng cường các hoạt động càn quét, khủng bố hòng bóp nghẹt các phong trào cách mạng trên địa bàn huyện.

Trước tình hình đó, ngày 4/1/1947 Đội du kích xã được thành lập, để đảm bảo bí mật, an toàn cho cơ sở cách mạng và các đồng chí lãnh đạo của Trung ương, nhân dân và đội du kích đã tích cực “bám đất, giữ làng” vừa kháng chiến, vừa sản xuất. Đồng thời, chính quyền và nhân dân xã Nam Hồng đã đề ra phương án đào đường hầm nối liền các thôn xóm với nhau một cách liên hoàn và tổ chức thành từng cụm chiến đấu, hình thành nên hệ thống địa đạo trong lòng đất để phục vụ kháng chiến lâu dài. Với cách làm, từng gia đình, thôn xóm nhận phần đất khoán riêng, vừa sản xuất, vừa tranh thủ đào đường hầm. Bằng cách làm đơn giản, một người sử dụng cuốc ngắn đào đất xúc vào rổ, buộc dây thừng cho người đứng trên miệng đường hầm kéo lên, dần tạo nên những con đường sâu trong lòng đất. Chỉ sau khoảng 1 năm, đến đầu năm 1948, quân và dân Nam Hồng đã đào đắp được hàng vạn mét khối đất, đá, hào lũy để xây dựng nên một làng kháng chiến liên hoàn với quy mô toàn xã, liên xã dài tới gần 11km. Địa đạo có 465 hầm bí mật, 2.680 hố chiến đấu, hơn 8.000m thành luỹ và hơn 600 cổng dong, tạo nên làng kháng chiến liên hoàn toàn xã, trở thành pháo đài phòng ngự kiên cường, đánh địch hiệu quả.

Địa đạo gắn biển di tích lưu giữ những chiến công oanh liệt của quân và dân xã Nam Hồng.

Điểm khác biệt, độc đáo của địa đạo Nam Hồng so với các địa đạo như Củ Chi, Phú Thọ Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh), địa đạo Long Phước (Bà Rịa - Vũng Tàu), là các hầm bí mật của từng gia đình được nối liền với đường hầm chung của toàn thôn, thành một mạng lưới địa đạo giao thông ngầm bí mật, liên hoàn trong lòng đất với hình xương cá, có trục chính kết nối với các nhánh thành một cụm chiến đấu vững chắc, tạo thành trận địa nhiều lớp, nhiều tầng.

Qua thực tế chiến đấu, các hầm bí mật trong địa đạo ngày càng được cải tiến tốt hơn. Nắp hầm có thể tự động đóng không cần người ở trên đậy nắp và ngụy trang. Dưới hầm không chỉ có một ngăn mà ít nhất có hai ngăn để đảm bảo an toàn nếu địch phát hiện. Cùng với đó, nhân dân còn làm thêm hầm chứa lương thực, của cải để phòng chống địch cướp phá, trở thành kho ngầm nuôi sống quân và dân vượt qua những ngày khó khăn. Địa đạo kết hợp cùng với hệ thống giao thông hào, lũy tre, thành lũy trên mặt đất đã ngăn chặn bước tiến của địch hiệu quả, tạo ra lối di chuyển thuận lợi, bí mật giúp nhân dân bảo toàn được lực lượng. Vì vậy, Nam Hồng trở thành “cái gai” nhọn thọc sâu sát nách thủ phủ của địch tại Thủ đô. Do có vị trí đặc biệt như vậy, nên Nam Hồng luôn là địa điểm chiến lược đặc biệt then chốt, chiến trường ác liệt đối với cả ta và địch. Ta kiên quyết giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích để tiêu hao quấy rối địch; địch cũng luôn mong muốn đánh bật được lực lượng của ta, để bình định và lập chính quyền của chúng.

Cửa hầm bí mật của từng gia đình đều được liên kết với địa đạo bảo đảm thuận tiện cho quá trình cơ động tránh những đợt càn quét, khủng bố của địch.

Cho nên, thực dân Pháp đã tăng cường càn quét, khủng bố đẫm máu trên địa bàn xã. Để đối phó với chiến tranh phá hoại của địch, quán triệt quan điểm toàn dân, toàn diện của cuộc kháng chiến với khẩu hiệu: “Mỗi thôn là một pháo đài, mỗi nhà là một tổ tác chiến, mỗi người là một chiến sĩ”. Quân và dân Nam Hồng không phân biệt trẻ già, trai gái đều tích cực tham gia tạo dựng nên một làng kháng chiến, một khu du kích anh hùng, nên chỉ trong một thời gian ngắn xây dựng làng chiến đấu, ngoài địa đạo, nhân dân đã làm được 380 ụ tác chiến, sửa chữa và phát triển thêm 7km đường hào, củng cố và đắp mới 29.570m thành lũy nhiều tầng. Mỗi gia đình đều có từ một đến hai hầm tránh đại bác và cất giấu đồ đạc.

 Di tích địa đạo trở thành địa chỉ đỏ trong tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nam Hồng trở thành chiến trường ác liệt, bị địch càn quét tới 244 lần, đốt 2.047 nóc nhà, cướp 346 tấn thóc, 77 trâu bò, 1.020 lợn, cả xã không còn một ngôi nhà nguyên vẹn và có tới hơn 100 liệt sĩ. Tuy gian khổ khó khăn nhưng quân dân Nam Hồng đã làm nên những kỳ tích oai hùng với 308 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 354 tên địch, làm bị thương 153 tên, bắt sống 135 tên; thu 72 súng trường và nhiều vũ khí quân dụng khác. Nói về địa đạo Nam Hồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi nhận xét về di tích này như sau: “Nam Hồng là một làng kháng chiến có thành tích chiến đấu oanh liệt. Những ngày đầu miền Bắc được giải phóng trở về Hà Nội tôi đã vài lần đến thăm Nam Hồng, tôi thấy tinh thần hy sinh cũng như những chiến công và thành tích không kém gì Nguyên Xá (xã anh hùng ở Thái Bình) tôi cũng đã mấy lần về thăm”. Trong kháng chiến chống Pháp, địa đạo Nam Hồng đã góp phần cùng với quân dân Thủ đô Hà Nội làm nên trang sử vẻ vang của cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Nam Hồng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang và địa đạo được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích cách mạng kháng chiến năm 1996, được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển di tích cách mạng kháng chiến năm 2006. Hiện nay, địa đạo Nam Hồng không chỉ là nơi lưu lại những chiến công oanh liệt của lớp cha anh, một thời đã không tiếc máu xương, hy sinh thân mình cho “đất nước được nở hoa độc lập”, mà còn là “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ của Thủ đô Hà Nội và cả nước hôm nay.

Nguyễn Văn Tuân

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ