A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đào Nhật Tân: Nét văn hoá của Hà Nội

 

QPTĐ-Nhắc đến Tết cổ truyền của dân tộc, ngoài bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ thì còn có một thứ  nữa không thể thiếu được trong mỗi nếp nhà, khiến không gian của mỗi gia đình như bừng lên, ấm áp-Đó chính là đào Tết. Và nhắc đến đào thì không thể không nói tới đào Nhật Tân-thương hiệu nổi tiếng gắn liền với văn hoá của người Hà Nội.

 

 

Thương hiệu gắn liền với văn hoá 

 

Chúng tôi có mặt tại vườn đào Tuấn Việt, một trong những địa điểm trồng đào lớn nhất tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ hiện nay. Trao đổi với anh Trần Tuấn Việt (chủ vườn), chúng tôi được biết: Đào Nhật Tân từ lâu đã được nhiều người yêu thích và lựa chọn bởi bông to, dày cánh, nở rộ và hồng thắm. Khi thuận, hoa có tới 24 cánh, nở căng tràn, khoe sắc hồng, biểu tượng cho sự may mắn. Ngoài bích đào, hiện Nhật Tân còn có đào phai, đào trắng, tuỳ thuộc vào mục đích của người cấy ghép. Nghề trồng đào rất khó nói, kinh nghiệm chỉ chiếm 60%, còn lại là do yếu tố thời tiết chi phối. Không chỉ riêng gia đình anh, mà năm nay, làng đào Nhật Tân bị hỏng tới 1/3 gốc đào, riêng gia đình anh có khoảng 600 thì mất  200 gốc. Nguyên nhân bắt nguồn từ thời tiết không thuận lợi: Trái ngược với quy luật thông thường, mùa Đông năm ngoái trời nóng như mùa hè nên cây đào bật rất khoẻ, do đó đến ngoài Tết thì cây hết lực. Khi nhà vườn thu gom về, cây không thể lên được nên đành phải bỏ. Do đó, năm ngoái anh trồng thêm 200 gốc thì bù số lượng đã mất năm nay là vừa.

 

 

Anh Trần Tuấn Việt (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng đào.


Sinh ra và lớn lên tại Nhật Tân, có tới 20 năm kinh nghiệm làm nghề, anh Việt chia sẻ: Để trồng được cây đào đẹp, sắc thắm, trước tiên mình phải yêu và chăm sóc thật cẩn thận. Đầu tiên là khâu làm đất, phải pha đất sông hồng, phơi khô. Sau đó chọn giống tốt, cây khoẻ, rồi mới tới việc chăm bón, uốn nắn, sửa sang. Muốn hoa nở đúng dịp Tết, chủ vườn phải khoanh đào thông thường vào tháng 7, chậm nhất là tháng 8 âm lịch để cây tạm thời ngừng sự sinh trưởng, tập trung tích tụ sự tinh tuý của đất trời vào mắt đào. Tiếp đó, căn cứ vào giống đào, tiến hành tuốt lá (khoảng tháng 10 âm lịch), cho cây ra hoa. Trong quá trình khoanh và tuốt lá, vẫn phải chăm sóc đào, cho cây ăn đúng, đủ liều lượng chất dinh dưỡng, mới đảm bảo nở hoa đúng thời điểm, có sắc thắm hơn. Một cây đào bích đẹp trước tiên phải khoẻ, sau nữa phụ thuộc vào dáng, tay tán hài hoà, cân đối, các dăm đồng đều”.


Cũng theo anh Việt, nhu cầu “thưởng hoa” cũng rất đa dạng. Với cơ quan công sở, người ta thường chọn kiểu dáng cây thẳng, không cưa gốc, dáng vươn lên, dày mắt, nhiều hoa, lộc, tượng trưng cho việc làm ăn trong năm mới sung túc, phát triển. Còn các cá nhân thường thích chơi gốc, cây được uốn kỹ, hoa to, đẹp, thắm, đặc biệt phải có lộc trên cây.


Vườn gia đình anh, hiện cây đắt nhất khoảng 60 triệu, gốc to, lâu năm, có thế đặc biệt, số này không có nhiều tại làng.


Tìm hiểu chúng tôi được biết, đào Nhật Tân có nhiều loại nhưng trong đó có ba loại chính: Đào cổ, đào thế và đào cành. Đào cổ có hai dòng: Loại tạo từ cây nhỏ nguyên bản đến lớn; loại cấy ghép, thường được khai thác gốc từ trên rừng, sau đó cấy ghép giống đào Nhật Tân, khi các mắt ghép lớn thành cành, người trồng bắt đầu uốn, tạo dáng. Đào thế, gốc là đào bích nguyên thủy, không lai tạo, loại này  dễ cho người trồng định ngày nở hoa. Đào thế có dòng: Bon sai (5 tay), là những cây nhỏ, có thể trưng bày để ở bàn uống nước, hoặc nơi có diện tích hạn chế; đào to, hình tháp (hoặc gọi là đào tán thông) phục vụ cho dân công sở, thích hợp để ở những nơi rộng lớn. Đào cổ và đào thế phải chăm bón rất kỳ công, đòi hỏi người trồng phải cẩn thận, tỉ mỉ, bấm tỉa làm sao thật đẹp mắt. Ngoài các loại đào trên, hiện người dân Nhật Tân còn bắt đầu trồng thêm đào Thất thốn. Loại này đẹp bởi sự khác biệt ở gốc, răm cành nhưng trồng cũng rất khó, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hiện Nhật Tân đã có một số nhà lạnh, nóng, có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho cây.

 

Dân quân gắn bó với đào truyền thống


Đồng chí Trần Hải Hà, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Nhật Tân tâm sự với chúng tôi: Nhật Tân có nghề trồng đào từ rất lâu đời, thế nên cứ sinh ra và lớn lên tại đây, người dân lại tiếp nối nghề truyền thống. Hiện 100% dân quân phường đều gắn bó với cây đào. Thu nhập bình quân đầu người/năm từ cây đào khoảng 30 triệu đồng. Cây đào Nhật Tân không chỉ có tiếng vang trong nước mà đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, chủ yếu phục vụ kiều bào ta tại nước ngoài.

 

Để công nhận và gìn giữ thương hiệu làng nghề, phường đã làm thủ tục để Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể hoa đào Nhật Tân”, đồng thời tiến hành thành lập các hiệp hội làng nghề, do Sở Công thương Thành phố Hà Nội công nhận, qua đó tiếp tục thắp lửa, giữ gìn bản sắc truyền thống của địa phương. Riêng với lực lượng dân quân, ý thức cây đào vừa là nguồn thu nhập của gia đình nhưng còn là nét đẹp gắn liền với văn hoá của người Hà Nội nên một mặt, cán bộ, chiến sĩ dân quân không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, góp phần phát triển cây đào ngày một hiệu quả nhưng mặt khác không quên nhiệm vụ.

 

Khi có bất kỳ tình huống nào diễn ra trên địa bàn như: Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai, dông lốc…các anh đều có mặt kịp thời. Vào các dịp huấn luyện, hội thi, hội thao, cần phải huy động người trong thời gian dài ngày, mỗi cá nhân chủ động liên kết với các lực lượng tại địa phương, gia đình, sắp xếp công việc hợp lý; yên tâm công tác. Cũng nhờ vậy mà công tác quốc phòng, quân sự địa phương của phường luôn đạt kết quả cao; nhiều năm liền đạt Danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”; 80% cá nhân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Hiền Mĩ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ