A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa đổi Luật sĩ quan để khắc phục những bất cập và sự lãng phí nguồn nhân lực

QPTĐ-Luật Sĩ quan năm 1999 được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2000 và được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và năm 2014. Luật Sĩ quan có 7 chương, 51 điều, từ khi đi vào thực tiễn đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là “ngành lao động đặc biệt”.

 

 

  Huấn luyện chiến sĩ mới của Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301.


Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều Luật sĩ quan

        Bởi vì, theo như Luật Sĩ quan hiện hành, tại Điều 11 chỉ quy định 11 chức vụ cơ bản của sĩ quan là cấp trưởng, không quy định chức vụ cơ bản là cấp phó, nên chưa cụ thể hóa các chức danh, chức vụ theo Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị; chưa quy định đầy đủ các chức danh, chức vụ có thẩm quyền chỉ huy, quản lý trong Quân đội, nên chưa khẳng định được vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ của chức vụ có thẩm quyền và phân định quyền hạn cấp trên, cấp dưới trong chỉ huy, ra mệnh lệnh, chấp hành điều lệnh, điều lệ, kỷ luật Quân đội. Mặt khác, cũng không quy định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó nên việc xác định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý gặp khó khăn; chưa đồng bộ với cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng tại Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Điều 13 Luật sĩ quan quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan (cấp úy 46; Thiếu tá 48; Trung tá 51; Thượng tá 54; Đại tá nam 57, nữ 55 và cấp tướng nam 60, nữ 55), với quy định độ tuổi như này là chưa tận dụng được nguồn nhân lực có bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm, sức khỏe; chưa bảo đảm chế độ, chính sách cho một bộ phận sĩ quan khi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Huấn luyện chuyên ngành Đặc công, Tiểu đoàn 18 Đặc công Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Tại khoản 1 Điều 15 Luật Sĩ quan quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan, trong đó có sĩ quan cấp tướng; tuy nhiên, một số đơn vị đã có sự điều chỉnh, phát triển về quy mô tổ chức, biên chế, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và được điều chỉnh chức danh, chức vụ nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật; do đó, cần phải rà soát, bổ sung, điều chỉnh, bảo đảm cân đối giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, thể hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Cụ thể là, tại Khoản 4 Điều 15 quy định, cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; tuy nhiên, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, điều chỉnh tổ chức Quân đội, một số đơn vị không thay đổi về tên gọi, nhưng có sự điều chỉnh, phát triển về quy mô, tổ chức, biên chế và bổ sung chức năng, nhiệm vụ đã gặp vướng mắc trong đề nghị cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan là cấp tướng, do chưa có sự thống nhất cách hiểu để các đơn vị này được xem là “đơn vị thành lập mới”, nên không thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại khoản 4 nêu trên.Cùng với đó, một số nội dung của Luật chưa giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, như tiêu chí, tiêu chuẩn được xét thăng quân hàm vượt bậc và thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn, phong quân hàm sĩ quan dự bị; một số chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương... quy định chưa cụ thể nên hiệu quả triển khai thực hiện Luật chưa cao.

Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật sửa đổi, sung một số điều của Luật Sĩ quan là cần thiết.

 

 

Thực binh chiến đấu trong diễn tập Khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội HN-24.

 

Những điểm mới trong Luật sĩ quan sửa đổi, bổ sung

Bố cục của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 2 điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2008/QH12 và Luật số 72/2014/QH13 và Điều 2. Hiệu lực thi hành. Cụ thể là, nội dung sửa đổi, bổ sung tại 13 điều và thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại 05 điều, gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan (Điều 11); sửa đổi, bổ sung quy định tuổi phục vụ của sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị (Điều 13 và Điều 38); sửa đổi, bổ sung quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan là cấp tướng, cấp tá, cấp úy (Điều 15) và sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách của sĩ quan như: Tiêu chí, tiêu chuẩn xét thăng quân hàm sĩ quan vượt bậc và thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn (Điều 17, Điều 18); thanh toán tiền cho những ngày không nghỉ phép (Điều 32); chăm sóc sức khỏe đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ (Điều 33); điều kiện nghỉ hưu đối với đối tượng hết tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất (Điều 36); chế độ an điều dưỡng, chăm sóc khi mắc bệnh hiểm nghèo, chế độ thông tin, hỗ trợ tang lễ khi từ trần đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ (Điều 37); phong quân hàm sĩ quan dự bị (Điều 41); trách nhiệm của Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương trong bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội (Điều 46, Điều 47).

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Công binh 544, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hành dò, gỡ và khắc phục vật cản trong đêm.

Trong đó nổi bật là, tại Điều 11 Luật Sĩ quan; bổ sung thêm 6 chức vụ cơ bản của sĩ quan là cấp phó, tăng từ 11 lên 17 nhóm chức vụ cơ bản của sĩ quan. Đây chính là giải pháp để khắc phục bất cập trong xây dựng thang bảng lương theo vị trí, việc làm. Vì nếu theo Luật hiện hành, 11 chức vụ cơ bản của sĩ quan (đều là cấp trưởng) thì không phân biệt được lương cấp trên, cấp dưới, không bảo đảm trả lương theo vị trí, việc làm. Do đó, việc phân thành 17 nhóm chức vụ cơ bản của sĩ quan là phân thành 17 nhóm vị trí, việc làm cơ bản, bảo đảm thuận tiện trong quá trình thực hiện; khẳng định được vị trí, vai trò, chức trách của các chức vụ, phân định rõ quyền hạn cấp trên, cấp dưới.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Gia Lâm thực hành

 đánh địch tiến công hỏa lực vào địa bàn trong diễn tập khu vực phòng thủ huyện.

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung chức vụ cơ bản của sĩ quan, đó là  nâng thời hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan từ 1 tuổi đến 5 tuổi. Cụ thể đề xuất hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm: Cấp úy: 50; Thiếu tá: 52; Trung tá: 54; Thượng tá: 56; Đại tá: 58; Cấp Tướng: 60. Khi Quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ tại quy định trên. Quy định này vừa bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, vừa phù hợp với đặc thù của Quân đội. Bởi vì, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%. Nếu theo luật hiện hành, sĩ quan phải nghỉ hưu khi chưa đủ 35 năm đóng bảo hiểm nên không được nhận đủ 75% lương. Vì vậy, việc nâng tuổi phục vụ tại ngũ sẽ bảo đảm cho sĩ quan cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%, thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội, cũng như tận dụng được thời gian, kinh nghiệm công tác của sĩ quan. Cùng với việc tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan thì việc tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị cấp tá, cấp úy từ 1 đến 2 tuổi trong dự thảo luật lần này cũng là cần thiết; nhằm giữ gìn, phát huy được đội ngũ sĩ quan có năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh khi được sắp xếp vào các vị trí dự bị động viên, cũng như tiết kiệm được ngân sách đào tạo bổ sung vào nguồn sĩ quan dự bị thay thế các sĩ quan dự bị hết tuổi phải giải ngạch.

Đặc biệt, dự thảo Luật Sĩ quan sửa đổi, bổ sung lần này cũng quy định rõ về về tiêu chí, tiêu chuẩn được xét thăng quân hàm vượt bậc và nâng lương sĩ quan trước thời hạn; một số chế độ, chính sách đất ở, nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ được thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Phút giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam được thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam, xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Việc hoàn thiện Luật Sĩ quan đóng vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ sĩ quan và việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài vào phục vụ Quân đội, cũng như khắc phục được những bất cập hạn chế hiện nay.

Nguyễn Văn Tuân

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội