A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những “bông hồng” gìn giữ hòa bình tại Abyei

QPTĐ-Hơn 8 tháng tập trung huấn luyện tiền triển khai cùng 15 tháng phục vụ tại đất nước Nam Sudan xa xôi là khoảng thời gian không dài cũng không ngắn, nhưng đó lại là một hành trình ý nghĩa đối với 6 nữ quân nhân của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thuộc Đội Công binh số 1 tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như phải xa gia đình, công tác trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn… nhưng các chị đã luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần lan tỏa hình ảnh, truyền thống Thủ đô anh hùng, nét đẹp văn hóa “Người chiến sĩ Thủ đô”, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”  đến với bạn bè quốc tế.

Hết mình vì sứ mệnh cao cả

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chúc mừng các nữ quân nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Buổi gặp mặt 6 nữ quân nhân của Bộ Tư lệnh Thủ đô thuộc Đội Công binh số 1 tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA diễn ra trong không khí vui tươi, ấm áp. Sau 18 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan, dường như trông ai cũng trở nên rắn rỏi, mạnh mẽ hơn. Nhớ lại khoảng thời gian quyết định giữa việc đăng ký lên đường thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình hay tiếp tục ở lại đơn vị công tác, Đại úy QNCN Lưu Thị Ánh cho biết: Khoảng thời gian suy nghĩ và quyết định chỉ có vỏn vẹn 3 ngày, trong 3 ngày đó, tôi đã phải đấu tranh rất nhiều bởi vì con còn nhỏ (mới 3 tháng tuổi), chồng thì công tác cùng ngành nên công việc cũng tương đối bận bịu, bố mẹ 2 bên cũng can ngăn nhiều vì sợ vất vả, nguy hiểm; tuy nhiên được sự động viên của chồng cùng với mong muốn được đóng góp, cống hiến của bản thân, tôi lựa chọn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy đây là một lựa chọn đúng đắn.

Khác với hoàn cảnh của Đại úy QNCN Lưu Thị Ánh, Trung tá QNCN Nghiêm Thị Minh Hải lại không có được nguồn động viên to lớn từ người chồng, chị là trụ cột, nguồn thu nhập chính nuôi 2 con ăn học. Khi được hỏi tại sao lại quyết định tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, để lại 2 con ở nhà cho người thân chăm sóc, chị Hải cho biết: Khi được xem những hình ảnh về đất nước Nam Sudan trên truyền hình, trông thấy người dân đói khổ, đặc biệt là các em bé, tôi cảm thấy rất xúc động, muốn được làm gì đó để có thể giúp đỡ họ, cho nên khi có cơ hội, tôi đã không chút suy nghĩ, đăng kí và chỉ mong muốn có thể đến đó nhanh nhất, làm được những điều mình mong muốn. Cùng với đó bản thân là một người lính, tôi luôn đề cao tính tự lập, do đó, thời gian vắng nhà là điều kiện tốt để rèn luyện cho con của tôi có được sự tự lập, bản lĩnh vững vàng cho cuộc sống sau này.
Trao tặng thuốc và vật tư y tế cho bệnh viện thuộc thị trấn ABYEI.

Bên cạnh những người đã có gia đình, chúng tôi còn được trò chuyện với một nữ quân nhân còn rất trẻ, đó là Trung úy QNCN Vũ Phương Uyên. Sinh năm 1997, nhưng Uyên đã có cho mình một tinh thần, suy nghĩ rất chín chắn, lý do em tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình rất đơn giản, đó là không muốn tuổi thanh xuân của mình trôi qua êm đềm mà phải thực sự có ý nghĩa. Ngay từ đợt đầu tiên tuyển chọn, Uyên đã xung phong đăng ký nhưng do dịch Covid-19 bùng phát, chuyến công tác đó tạm thời bị dừng lại và đến ngày hôm nay, em đã hoàn thành được ước nguyện của mình. Uyên cho biết: Được tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan đối với tôi là một điều vô cùng ý nghĩa, khiến cho tôi nhận ra được nhiều giá trị quý báu trong cuộc sống. Cảm giác được giúp đỡ một ai đó thật sự là hạnh phúc. Nếu như có cơ hội, tôi nhất định sẽ  đăng ký và tiếp tục lên đường để có thể đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới.

Tuy mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng 6 nữ quân nhân của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phát huy tốt những giá trị quý báu của “Bộ đội Cụ Hồ”, đó là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cống hiến, sẵn sàng hy sinh những lợi ích cá nhân vì một mục tiêu, lý tưởng cao cả.

Vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Tích cực tham gia hoạt động tổng dọn vệ sinh môi trường.

Những ngày đầu mới đến căn cứ Highway (nơi Đội Công binh số 1 đóng quân), các nữ quân nhân của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội không khỏi cảm thấy “sốc” trước điều kiện cơ sở vật chất tại đây, Thiếu tá QNCN Phạm Thị Nhuần cho biết: Highway là căn cứ mà lực lượng Gìn giữ hòa bình của Ethiopia đã rút về nước từ lâu, chỉ còn lại một số người của lực lượng Ấn Độ trông coi, mà theo đánh giá của Liên hợp quốc thì khu doanh trại xây dựng đã lâu, không thể sử dụng cho người ở, nhưng Đội Công binh Việt Nam vẫn quyết tâm nhận và triển khai lực lượng tiếp nhận. Thời điểm này đang vào mùa mưa, đường đi tới căn cứ bằng đất nên việc đi lại rất vất vả. Khi đến nơi, mặc dù được ưu tiên bố trí sử dụng phòng ở tốt nhất trong khu nhưng giấy rác, chai lọ, gỗ mục… rải khắp sàn nhà, mạng nhện chăng kín trần, một mùi hôi nồng khen khét, ẩm thấp xộc vào mũi… Xác định trước ở nơi xa xôi này sẽ rất khó khăn, thiếu thốn và cả những hiểm nguy tiềm ẩn, nên chả kịp suy nghĩ chúng tôi vội vàng đi tìm một số thanh gỗ ở xung quanh gạt tạm rác gọn vào một chỗ, kéo vali hành lý vào phòng và vội vàng xuống bếp chuẩn bị bữa cơm trưa cho bộ đội.

Nói về những kỉ niệm trong lần đầu tiên đến với căn cứ, Thiếu tá QNCN Phạm Thị Nhuần cho biết thêm: Bữa cơm đầu tiên tôi nấu cho anh em là một kỷ niệm đáng nhớ vì mọi thứ đều hết sức thiếu thốn, từ dụng cụ nấu ăn cho đến nguồn nước. Chị em vừa làm vừa tự khắc phục để đem đến cho mọi người bữa ăn ngon miệng sau những giờ công tác vất vả. Đêm đầu tiên ở Highway tuy mệt mỏi, trời đã dịu mát dần nhưng trong lòng tôi thao thức mãi không ngủ được. Tiếng những con côn trùng, tiếng dế, tiếng ếch kêu trong màn đêm làm tôi nhớ nhà cồn cào... giờ này ở Việt Nam mọi người đã thức dậy chuẩn bị cho ngày mới, trẻ em được bố mẹ gọi dậy chuẩn bị ăn uống, mặc đẹp tới trường nhưng nhiều em vẫn còn nhũng nhiễu trong vòng tay bố mẹ chưa muốn dậy... Nghĩ đến cảnh sinh hoạt trên đường buổi sáng của người dân nơi đây tôi thầm nghĩ những khó khăn, vất vả, thiếu thốn trong điều kiện làm nhiệm vụ xa Tổ quốc cũng chưa đáng là gì so với những khó khăn, thiệt thòi và đói nghèo của người dân nơi đây. Bản thân tự nhủ, trong hoàn cảnh nào cũng giữ vững quyết tâm, tinh thần người chiến sĩ cách mạng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và sẵn sàng tham gia giúp đỡ góp phần mang lại ấm no, hạnh phúc cho những người dân nơi đây.

Không chỉ gặp khó khăn về điều kiện sinh hoạt, công tác, các nữ quân nhân còn gặp những rào cản khác như điều kiện thời tiết, khí hậu, bệnh dịch… Đó là cái nắng nóng có khi lên đến hơn 40 độ C đặc trưng của châu Phi, những loại côn trùng mà vết cắn sẽ khiến con người đau nhức đến vài ngày hay dịch bệnh sốt rét và đặc biệt là những mối nguy hiểm đến thân thể, tính mạng luôn rình rập. Trải qua những khó khăn như vậy, đối với nam giới đã khó, đối với nữ giới thì lại càng khó hơn nhưng các chị đã biết cách để vượt qua; sau mỗi thử thách, các chị lại càng trở nên vững vàng hơn, tự tin nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Lan tỏa hình ảnh đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”

Vui chơi cùng các em nhỏ của địa phương.

Là một đất nước nghèo nàn, lạc hậu lại đang có những bất ổn về chính trị cho nên cuộc sống người dân Nam Sudan rất khổ cực và thiếu thốn đủ thứ. Do đó việc giúp đỡ, cải thiện đời sống cho nhân dân cũng được lực lượng Gìn giữ hòa bình của Việt Nam quan tâm, triển khai thực hiện. Nổi bật trong số đó là hoạt động tặng quà và các trang bị y tế cho bệnh viện của địa phương. Chia sẻ về một lần tham gia hoạt động này tại bệnh viên thị trấn ABYEI, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Hải Liên cho biết: Khi chúng tôi đến, ngài thị trưởng, đại diện của chính quyền địa phương cùng ban lãnh đạo bệnh viện đã ra đón tiếp nồng nhiệt. Rất nhanh chóng, mọi người tiến hành vận chuyển các mặt hàng xuống sân và trao tặng cho bệnh viện. Điều khiến tôi cảm thấy ấn tượng nhất đó chính là những ánh mắt thân thương, trìu mến, những cái bắt tay thật chặt cùng câu nói  “Thank you” liên tục được phát ra. Có thể tuy khác nhau về màu da, về ngôn ngữ hay, văn hóa dân tộc, nhưng giữa chúng tôi và người dân nơi đây dường như tồn tại thứ tình cảm gắn kết mãnh liệt khó tả. Số thuốc và thiết bị y tế mà đội Công binh ủng hộ có lẽ không thấm vào đâu nhưng cũng san sẻ với người dân nơi đây một phần nào trong những khó khăn thiếu thốn mà họ đã phải trải qua.

Cùng với đó, các nữ quân nhân của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cũng đã tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người dân địa phương như: Hướng dẫn các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe; tặng quà, nhu yếu phẩm; tổ chức vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh…Điều này không chỉ giúp cho cảnh quan, môi trường xung quanh doanh trại đóng quân trở nên sạch đẹp mà còn khiến cho người dân địa phương cảm thấy yêu mến, quý trọng bộ đội Việt Nam; những trở ngại, khoảng cách xa lạ dần được gỡ bỏ, thay vào đó là sự thân thiện, hòa đồng đến từ 2 phía. Đại úy QNCN Lưu Thị Ánh cho biết: Nhìn những đứa trẻ chỉ trạc tuổi con mình sinh sống trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Dó đó, vào những ngày nghỉ, chúng tôi thường xuyên ra chơi, tặng quà và dạy các em nhỏ những bài hát thiếu nhi của trẻ con Việt Nam. Nhìn những chiếc miệng bé xinh ngân nga từng giai điệu theo phát âm lơ lớ tiếng Việt, tất cả chị em trong đoàn đều cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Hy vọng những bài hát đó sẽ theo các em đi suốt cuộc đời để luôn nhớ về chúng tôi, những người bộ đội Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình tại đất nước của các em.

Có thể nói, 15 tháng phục vụ tại đất nước Nam Sudan xa xôi sẽ là một kỷ niệm khó phai đối với 6 “bông hồng” của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; các chị đã góp phần lan tỏa hình ảnh, truyền thống Thủ đô anh hùng, nét đẹp văn hóa “Người chiến sĩ Thủ đô”, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đến với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, các chị cũng là những người đi đầu, tạo động lực to lớn, thúc đẩy các cán bộ, nhân viên của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp bước, xung kích tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Phạm Luân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ