Phát huy giá trị văn hóa nghìn năm Thăng Long-Hà Nội
QPTĐ-Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng thể hiện rõ quan điểm về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển. Theo đó, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển văn hóa-nền tảng tinh thần của xã hội phải kết hợp chặt chẽ và tương xứng với phát triển kinh tế là trung tâm và xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt. Phải phát triển đồng thời cả kinh tế, văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa cùng với xây dựng một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”-tạo nguồn sức mạnh nội lực vững chắc để đưa đất nước phát triển toàn diện, bền vững.
Có thể nói, văn hóa Hà Nội được hình thành từ khi Vua Lý Công Uẩn lấy Thăng Long làm nơi định đô, kết hợp từ văn hóa bản địa với văn hóa các vùng miền theo người dân các nơi mang về, được tiếp thu, tiếp biến tạo ra bản sắc riêng, mang đậm chất Kinh kỳ. Sau này, nét văn hóa đó được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiếp tục được phát huy trong cuộc sống hiện nay. Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, văn hóa Thăng Long kết hợp với văn hóa xứ Đoài tạo ra tính đa dạng, xong vẫn giữ được đặc trưng riêng. Văn hóa Thăng Long vẫn tiếp tục được gìn giữ, phát huy.
Trình diễn áo dài trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.
Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố khẳng định: Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Các di sản văn hóa vật thể với 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản tư liệu thế giới, 16 di tích quốc gia đặc biệt cùng hàng nghìn di tích cấp quốc gia và di tích cấp Thành phố. Hà Nội cũng là địa phương nắm giữ số lượng di sản văn hóa phi vật thể lớn, tới 1.793 di sản, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 16 di sản thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản vật thể, phi vật thể luôn được Thành phố bảo tồn, phát huy tốt các giá trị trong những qua. Trong giai đoạn 2016-2020, 431 di tích xuống cấp được Thành phố đầu tư kinh phí, tu bổ để gìn giữ các giá trị trân quý cho các thế hệ sau.
“Không thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Nét thanh lịch truyền thống đó được coi là giá trị nhân văn và là niềm tự hào của bao người Hà Nội. Để tạo nếp sống văn hóa mới trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống, thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình văn hóa, các phong trào văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Ngoài các mô hình: Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, nhiều nơi còn thực hiện phong trào làm sạch ngõ xóm vào sáng thứ 7, hình thành con đường bích họa, con đường nở hoa... Cũng để định hướng các chuẩn mực ứng xử, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phù hợp với tình hình mới, hơn 3 năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc Ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc Ứng xử nơi công cộng. Từ khi ra đời, hai bộ Quy tắc ứng xử đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.
Cùng với đó, chiến lược, tầm nhìn phát triển, sáng tạo các giá trị văn hóa mới nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội được quan tâm, xây dựng phù hợp với xu thế của thời đại. Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO-Một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng một thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô. Hà Nội cũng tổ chức, khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố Bích họa Phùng Hưng, phố Sách Hà Nội…) được dư luận xã hội và nhân dân đánh giá cao, trở thành sản phẩm văn hóa-du lịch nổi bật.
Bên cạnh những thành tựu to lớn trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa nghìn năm văn hiến, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề phức tạp mới. Tác động và ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường; tư tưởng thực dụng, coi giá trị đồng tiền cao hơn giá trị nhân văn, đạo đức, đã và đang làm tha hóa một bộ phận người dân. Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” là lời cảnh báo hoàn toàn có căn cứ. Những biểu hiện sa sút ấy thể hiện từ trong tư tưởng, sự dao động về mục tiêu, lý tưởng, trong giao tiếp, ứng xử, tác phong, ăn mặc, nói năng, ý thức tham gia giao thông, giữ gìn vệ sinh, môi trường, đặc biệt là tệ nạn tham nhũng, lãng phí diễn ra đáng báo động.
Chính vì vậy, để Thủ đô phát triển thật sự bền vững, rất cần một tầm nhìn lâu dài, tổng thể, bao quát nhiều mặt, toàn diện; một cách tiếp cận hệ thống để vừa khai thác, phát huy giá trị văn hóa nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, vừa tiếp thu chọn lọc những giá trị văn hóa của thời đại như Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Hà Nội xác định: “…Phát huy các giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tự lực, tự cường, niềm tin, ý chí và khát vọng vươn lên; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô”.
Đức Minh