A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mục tiêu và tầm nhìn của thành phố Hà Nội

QPTĐ-Trong nội dung Thông báo số 2812-TB/BCSĐ-TU ngày 17-8-2020 của Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương và Thành ủy Hà Nội về “Kết luận Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Công thương” vừa qua ghi rõ, phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội cơ bản trở thành Thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thành phố công nghiệp hiện đại; phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, làm cơ sở phát triển kinh tế tri thức. 

Theo đó, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội trở thành Thành phố công nghiệp phát triển hiện đại của khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghệ thông tin của cả nước...

Bộ Công thương sẽ tăng cường phối hợp, hỗ trợ để đến năm 2025, xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Thành phố thiết lập, củng cố và phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững; khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại, lợi thế địa kinh tế thông qua phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics cung ứng các dịch vụ hỗ trợ cho thương mại; tạo đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và đời sống nhân dân.

Mục tiêu và tầm nhìn trong Thông báo số 2812-TB/BCSĐ-TU cũng đã thể hiện tinh thần mục tiêu tổng quát của Thủ đô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã đề ra là xây dựng Thủ đô Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế trung tâm chính trị, hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, giao dịch quốc tế, kinh tế, tài chính, dịch vụ, thương mại và du lịch; là Thành phố thông minh, sáng tạo, đầu tàu, động lực về phát triển kinh tế-xã hội của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước… 

Đặc biệt, quyết tâm phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hà Nội cơ bản hoàn thành các tiêu chí công nghiệp hóa-hiện đại hóa; đến năm 2030, trở thành Thành phố công nghiệp hóa-hiện đại hóa hoàn chỉnh; đến năm 2045, trở thành thành phố phát triển, theo hướng văn minh, hiện đại; là một trong những địa phương đi đầu và về đích sớm, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đề ra. 

Phát biểu tại Hội nghị “Hà Nội 2020 -Hợp tác Đầu tư và Phát triển” được tổ chức vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với vị thế mới của mình, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1.000 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc. “Vì vậy, Hà Nội không đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước, phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố  khác trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur, Thượng Hải…”

Đó là mục tiêu và tầm nhìn hiện thực của Thủ đô Hà Nội.

Hữu Văn 
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ