A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiên quyết chống buôn lậu, gian lận thương mại

 

QPTĐ-Thông tin về kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2020, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị (QLTT) trường khẳng định: Tính đến ngày 14-12-2020, Cục đã kiểm tra 5.771 vụ về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; xử lý 5.616 vụ, với tổng số tiền trên 133 tỷ đồng. Riêng trong tháng cao điểm Tết (từ ngày 15-11 đến 15-12-2020), lực lượng quản lý thị trường đã tổng kiểm tra 793 vụ, xử lý 677 vụ với số tiền xử lý hơn 9,1 tỷ đồng. 

Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin tại buổi Giao ban báo chí.

Theo đó, tại buổi Giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 29-12, ông Trần Việt Hùng thông tin chung về kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2020 và triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020; dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Trong đợt cao điểm triển khai công tác kiểm tra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Cục tập trung chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để đối với các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt chú trọng mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thịt nhập khẩu, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu và các hành vi gian lận thương mại khác trên địa bàn Thành phố. Thông qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các tình huống lợi dụng tình hình cung ứng, tiêu dùng trên thị trường tăng vào dịp lễ, tết để gây bất ổn thị trường, thu lợi bất chính, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng…,  góp phần ổn định tình hình, giá cả thị trường và đảm bảo cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 được thuận lợi, an toàn, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng Thủ đô.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội chủ động phân công cán bộ, công chức quản lý địa bàn, lĩnh vực nắm bắt diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả các mặt hàng phục vụ, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết; kịp thời phát hiện, xử lý khi xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu hàng, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để tăng giá thu lời bất chính, kiểm soát không để giá cả tăng đột biến. Đặc biệt, Cục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết; kết hợp công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho người dân hiểu, hạn chế đi lại, tập trung đông người để mua sắm hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Điều đáng nói, riêng trong dịp Tết Nguyên đán, đơn vị kiên quyết không để tình trạng bày bán công khai rượu không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng cấm, hàng lậu. Không để xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, phức tạp do ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, tiêu dùng rượu không rõ nguồn gốc gây hậu quả nghiêm trọng.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nhận định, cuối năm hoạt động kinh doanh thương mại, hàng hóa phục vụ Tết có nhiều diễn biến sôi động. Một số mặt hàng dự báo có biến động về giá do nhu cầu tiêu dùng tăng cao như thực phẩm tươi sống, đông lạnh; hoạt động vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... dự báo tiềm ẩn nguy cơ cao. Các đối tượng vi phạm lợi dụng tình hình thị trường có nhiều biến động để gia tăng các hoạt động buôn lậu.

Để đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa cuối năm, đơn vị xác định nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp với công tác tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Đặc biệt, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp tết để tạo khan hiếm, đầu cơ găm hàng, tăng giá thu lợi bất hợp pháp…

Liên quan đến câu hỏi của các cơ quan báo chí xoay quanh việc kiểm tra, xử lý việc chặt đào rừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho rằng: Trước tiên cần tuyên truyền cho người dân không chặt, buôn bán và sử dụng đào rừng. Đào rừng là trồng trên rừng, phải xuất phát từ rừng, vì thế chính quyền địa phương phải đi trước, thực hiện công tác tuyên truyền với người dân vùng có rừng, vùng miền núi…

Cát Tường-Văn Thể


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ