Hà Nội hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững
QPTĐ-Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể, hướng đến phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Những thuận lợi trong phát triển nông nghiệp hiện đại
.jpg)
Mô hình trồng rau tại HTX sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng).
Hà Nội đang tập trung đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị qua việc hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng sản xuất tập trung, an toàn, phát triển sản phẩm chủ lực… thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Các chuỗi liên kết và thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực cũng được xây dựng để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nói về tiềm năng xuất khẩu nông sản của Hà Nội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản Hà Nội, ông Hà Tiến Nghi cho biết: Thành phố có hơn 13.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó có trên 1.700 cơ sở chế biến và hơn 250 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Thành phố cũng đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 4 cơ sở đóng gói với công suất 30-50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu, trong đó 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 8 mã số cấp cho vùng trồng nhãn. Đánh giá và xếp hạng sản phẩm cũng đã được Thành phố thực hiện đối với nhiều sản phẩm, trong đó có những sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu: 1.649 sản phẩm đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó có 20 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu, 1.089 sản phẩm đạt 4 sao, 534 sản phẩm đạt 3 sao, trong đó có 1.071 các sản phẩm thực phẩm được công nhận OCOP. Một số sản phẩm nông sản của Hà Nội có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước như: Nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai) xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ) xuất khẩu đi Đức; rau Văn Đức (Gia Lâm) xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc…
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) là một trong 30 dự án nông nghiệp xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý-Đặng Thị Cuối cho biết: Hợp tác xã thực hiện nghiêm ngặt theo đúng nguyên tắc “5 không” (không sử dụng thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, giống biến đổi gen). Về đất trồng, toàn bộ diện tích trong nhà màng chúng tôi không lên luống, sau khi thu hoạch hết một lứa rau, sẽ sử dụng đèn khò phun lửa đốt đất để diệt cỏ dại, các loại sâu bọ, vị khuẩn còn lại trên đất. Sau đó, đất được đánh tơi và bổ sung phân bón hữu cơ với lượng được tính toán kỹ lưỡng, vừa đủ cho thời gian sinh trưởng của từng lứa rau tiếp theo. Điểm đặc biệt là từ khi gieo giống, ô nhà màng sẽ được đóng cửa, chỉ tưới nước đều đặn cho đến khi thu hoạch mới mở cửa trở lại. Việc áp dụng mô hình trồng rau trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi ngày Hợp tác xã thu hoạch từ 2 đến 4 tấn rau xanh cung cấp cho nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, trường mầm non trên địa bàn huyện Đan Phượng…
Còn tại huyện Mê Linh, đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, như: Vùng trồng rau an toàn 3.600ha, vùng trồng hoa cây cảnh 2.000ha… từng bước hình thành nền nông nghiệp hàng hóa mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Tiêu biểu như trang trại của ông Nguyễn Tiến Dũng (xã Đại Thịnh) với quy mô 4.000m2 trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao, cho doanh thu gần 18 tỷ đồng/năm.
Hiệu quả kinh tế rõ rệt

Bưởi Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao.