A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những chuyện kỳ thú về trâu

 

QPTĐ-Gần gũi, gắn bó, thân thiết, quen thuộc, bạn tốt, cộng sự đắc lực… là những từ ngữ mà người ta thường dùng để nói về mối quan hệ giữa con trâu và người nông dân Việt Nam. Trâu cần mẫn siêng năng, gắn bó với những cánh đồng, thửa ruộng, vườn tược đồi nương, làm cho đất hoang cỗi cằn thành phì nhiêu màu mỡ, làm cho đồng trống đồi trọc hóa xanh tươi ngạt ngào… Nhân năm Tân Sửu 2021, chúng ta hãy cùng lướt qua một thế giới nho nhỏ dành riêng cho “gia tộc” trâu, để biết thêm một số điều kỳ lạ, lý thú liên quan đến trâu.

Trâu tuổi thơ

Đua trâu “Công thức 1”: Tại một ngôi làng Vihear Suor cách Thủ đô Phnom Penh của Campuchia trên 20 dặm về phía Đông Bắc, vào tháng 9-2008, người dân đã tổ chức một cuộc đua trâu “Công thức 1” (Formula One), còn được gọi là “Lễ hội đua trâu P’chum Ben”, rất sôi nổi và vui nhộn. Cuộc đua gồm 28 cặp người-trâu khỏe nhất, lực lưỡng nhất vùng, tranh tài trên đường đua đầy bùn sình với sự cổ vũ của hàng nghìn khán giả. Dân làng đều mong ước, khấn cầu đàn ông, trai tráng, và những con trâu trong vùng đều luôn dồi dào sức lực qua lễ hội này. Cuộc đua trâu “công thức 1” sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9 dương lịch hàng năm.

Du lịch bằng xe trâu: Sáng kiến cho ngành du lịch này không phải ở một quốc gia xa lắc lạ lẫm nào, mà ở ngay tại… Việt Nam. Do nhận thấy du khách bốn phương xưa nay đến thăm làng mình theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, không nắm bắt kịp những điều hay, những cái đẹp đang diễn ra nên ngành du lịch Hà Nội nghĩ ra phương cách dùng xe trâu đưa khách đi tham quan làng gốm Bát Tràng. Trâu đi đủng đỉnh nên xe lăn rất chậm, giúp du khách có thể nhìn ngắm cuộc sống sinh động của dân làng gốm nổi tiếng hiện ra chầm chậm trước mắt. Mỗi giờ ngồi trên xe trâu lòng vòng vào thế giới gốm, du khách chỉ tốn 45.000-50.000 đồng!

Trâu, bò luôn nhìn về một hướng: Các nhà khoa học Đức đã tiến hành nghiên cứu gia súc để tìm hiểu xem chúng có khả năng định hướng dựa vào từ trường trái đất hay không. Họ đã thu thập hình ảnh của 8.510 con trâu và bò ở đủ tư thế tại 308 đồng cỏ trên khắp hành tinh thông qua Google Earth, và đi đến kết luận là trâu bò luôn có xu hướng đứng theo trục Bắc-Nam, thường quay đầu nhìn về cùng một hướng. Vì vậy, nếu chẳng may bị lạc ở nông thôn mà không có la bàn mang theo, bạn chớ vội hoảng hốt, mà hãy nhìn cho kỹ mấy con trâu, hoặc bò để có thể xác định được phương hướng.
Giống trâu vô tính: Giống trâu vô tính đầu tiên của thế giới đã được các nhà khoa học Philippines lai tạo thành công vào tháng 9-2007. Đến đầu năm 2008, họ lại bắt tay vào lai tạo được một giống trâu “siêu chủng” cho nhiều sữa, đặt tên cho giống trâu này là Gloxy, theo tên của Tổng thống Gloria Maccapagal Arroyo.

Giống trâu giữ kỷ lục cho sữa: Kỷ lục cho sữa nhiều nhất thế giới thuộc về giống trâu Murrah ở Ấn Độ từ nhiều năm qua. Ấn Độ là nước có sản lượng sữa trâu lớn nhất thế giới, mỗi năm đạt 30 triệu tấn, phần còn lại của thế giới chỉ bằng phân nửa số đó. Một con trâu Murrah ở Ấn Độ có thể cho đến 3.000 lít sữa/năm. Các nhà khoa học Ấn Độ cũng đã lai tạo được một giống trâu siêu chủng đặt tên là Nili-Ravi.

Chiếc xe trâu độc đáo: Một chiếc xe máy hiệu DH đời 88 cũ rích đã được “phù phép” thành một chiếc xe có hình dáng con trâu, toàn bộ khung đều chế tác từ… gỗ, đó là tác phẩm đạt kỷ lục độc đáo của một chàng trai trẻ tên Trần Văn Đỉnh (sinh năm 1984) ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chiếc xe trâu dài gần 2m, tốc độ tối đa 120km/h, vận hành tốt, màu đỏ tự nhiên của gỗ bóng loáng, chỉ có máy và phuộc nhún là bằng kim loại, đã được “nhà sáng chế” cưỡi đi khắp TP. Hồ Chí Minh, rồi có mặt ở Vũng Tàu, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội… “Kỷ lục gia” trẻ tuổi nhất Việt Nam này đã phải tốn trên 30 triệu đồng để mua nguyên liệu thực hiện tác phẩm “Xe trâu”, chưa kể công cán và chi phí đi lại săn lùng linh kiện phụ tùng bằng gỗ theo ý muốn.

Chọi trâu trong tranh dân gian Việt Nam.

Trâu con 3 sừng và nghé 3 đầu: Đang sở hữu một bộ sưu tập “quái thú” độc nhất vô nhị ở Việt Nam và có thể là của cả thế giới, đó là anh Vũ Hải Nam ở phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Trong bộ sưu tập của anh Nam, ngoài heo 2 mõm, heo 8 chân 2 đuôi, bò 6 chân, chó 3 chân, rắn 2 đầu, gà 4 chân, heo có vòi voi… còn có một con nghé đã chết có đến 2 đầu mà anh phải mua với giá gần 30 triệu đồng, và một con nghé 3 sừng còn sống. Bên Trung Quốc cũng đã từng có một con nghé 3 đầu nổi đình nổi đám trên mạng, thu hút nhiều người hiếu kỳ đến xem.

Trâu 8 chân: Bên bờ ngọn thác Niagara nổi tiếng của Canada, có một Viện Bảo tàng rất độc đáo, lạ lẫm từ bên ngoài đến bên trong, mang một cái tên cũng rất lạ lùng: “Believe it or not”. Ngay tại phòng bán vé, như muốn quảng cáo cho Bảo tàng một cách thật ấn tượng, người ta đã trưng bày một con trâu có 8 chân rất lớn đã được phơi khô sấy ướp rồi nhồi bông, đứng trố mắt nhìn khách. Đó là loài “Trâu rừng Bắc Mỹ”, đang giữ kỷ lục là động vật lớn nhất vùng này, với trọng lượng 1 tấn.

Vận động viên trâu đa năng nhất: Chẳng phải trâu nào xa lạ, mà chính là chú “Trâu Vàng” của SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam. “Trâu Vàng” đã hạ gục các đối thủ “Long Lân Quy Phụng”, để giành quyền hóa thân làm “linh vật” cho kỳ “Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 22-Việt Nam 2003”. Sau đó, chú trâu đa năng nhà ta liền xuất hiện trên tất cả các môn thi đấu và đã mang đến nhiều may mắn cho nước chủ nhà.

Trẻ chăn trâu thành tiến sĩ: Đó là Tiến sĩ Huỳnh Phước Đường nổi tiếng ở Mỹ, sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hội An-Quảng Nam. Thuở bé là trẻ chăn trâu, bị giẫm phải mìn mất 2 chân năm 11 tuổi, sau đó ông được một người Mỹ nhận làm con nuôi mang qua Mỹ vào năm 1975. Sẵn tư chất thông minh, lại nỗ lực chuyên cần học hành, học vượt qua các cấp rất nhanh, rồi anh theo khoa Công nghệ sinh học, lúc nào cũng là sinh viên ưu tú, và đỗ tiến sĩ ngành Sinh hóa-Thần kinh, trở thành Giáo sư Đại học UCLA California. Anh đã trở về Việt Nam thăm quê cũ, tổ chức và tham gia những việc làm từ thiện rất nhiệt tình trong các năm qua.

Trâu rừng khổng lồ: Các nhà nghiên cứu động vật hàng đầu của Việt Nam phải một phen sửng sốt khi chứng kiến một cặp sừng khổng lồ được phát hiện tại khu rừng nguyên sinh thuộc tỉnh Thanh Hóa. Cặp sừng đo được chiều dài là 2,18m nếu đo bằng thước dây đặt lượn theo 2 nhánh sừng cong. Còn nếu đặt căng thước dây nối hai chóp sừng thì hơn 1,8m. Các nhà chuyên môn cho rằng, đây là cặp sừng của một con trâu rừng khổng lồ, chưa từng thấy bao giờ, cũng không ngờ là có ở rừng nước ta, và họ sẽ xúc tiến ngay công tác truy tìm điều tra, nghiên cứu cho rõ ràng nguồn gốc của loài động vật quý hiếm này.

Cao Văn Quyền


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ