A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12.1972 - 12.2022)

Khắc họa chiến công bằng cọ vẽ

QPTĐ-“Năm 1972 tôi cũng như nhiều người khác được sống, chịu đựng và chứng kiến giờ phút hào hùng của Thủ đô Hà Nội. Một thời khắc đã lên đến đỉnh điểm, cuộc đối đầu lịch sử giữa ta và Mỹ chính là Điện Biên Phủ trên không và ta đã thắng Mỹ vẻ vang. Đề tài này đã thôi thúc tôi rất nhiều năm. 40 năm sau, tôi lại “bơi” trên bầu trời Hà Nội để làm tác phẩm “Điện Biên Phủ trên không” kích thước 171x420cm với chất liệu acrylic, sáng tác từ 2012-2014. Đây là tác phẩm tâm huyết bằng cả tình cảm và trách nhiệm của người cầm cọ và công dân Thủ đô. Tôi đã trả được món nợ với Tổ quốc. Làm xong tác phẩm tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn”-Họa sĩ Đặng Tin Tưởng chia sẻ với chúng tôi khi đứng trước bức tranh khổ lớn, trong một buổi chiều Thu Hà Nội đầy nắng gió, cả đất trời và Thủ đô háo hức với những hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

 

Là họa sĩ khóa đồ họa đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Đặng Tin Tưởng là một trong những tác giả tranh sơn khắc với nhiều đóng góp. Tuy nhiên, khi bắt đầu có tuổi và thị lực suy giảm, ông đã không buông bút mà chuyển sang những thể loại tranh ít cần sự tỉ mỉ hơn so với sơn khắc và sự khoáng đạt đã tạo ra một tầm vóc khác của một người nghệ sĩ đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Bức tranh duy nhất của ông vẽ về “Điện Biên Phủ trên không” ra đời trong giai đoạn này.

Untitled(75).png

Nói như họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền, vẽ về lịch sử chưa bao giờ là một đề tài dễ, nó đòi hỏi người họa sĩ phải bỏ gấp nhiều lần công sức để khắc họa bằng bất cứ phương tiện ngôn ngữ nào. Dẫu lịch sử luôn cần đến sự chính xác nhưng trong nghệ thuật, đôi khi lịch sử không đơn thuần là sự minh họa quá khứ hay kí ức mà hơn hết nó làm sống dậy những cảm xúc của một giai đoạn. Với khuôn khổ hoành tráng, chiều dài hơn 4m, chiều rộng gần 2m, họa sĩ Đặng Tin Tưởng lấy sắc lửa làm chủ đạo cho bức tranh “Điện Biên Phủ trên không”. Bầu trời như được xé nát bởi những đường bay không khoan nhượng. Trong ánh chớp lóe ấy, những máy bay “con ma”, “thần sấm”… dàn hàng ngang bao quanh dẫn đường, bảo vệ cho B-52 dội hàng tấn bom xuống mảnh đất Hà Nội. Trong không gian hỗn loạn của cuộc chiến, dường như khó có thể phân biệt được giữa ta và địch. Giữa những mảng màu đen, xám, tím, đỏ và những đường rạch như sét chớp lóe, trung tâm bức tranh hiện lên cây cầu Long Biên sừng sững như một Hà Nội hiên ngang.

Trong câu chuyện với chúng tôi, họa sĩ cho biết, ông vốn định khắc họa lại chiến thắng hào hùng này của lịch sử dân tộc ngay sau năm 1972 khi vừa chứng kiến thời khắc không thể quên, nhưng phải đến năm 2012 ông mới thực sự bắt tay vào vẽ khi đang ở Sapa. Trên căn gác nhỏ, nơi đất trời gặp gỡ như gợi mở ký ức, tiếp thêm niềm hứng khởi và năng lượng để ông tái hiện sự hùng tráng của trận chiến. Từ trước đó nhiều năm và trong 3 năm thực hiện (2012-2014), ông quay về Hà Nội liên tục để tìm hiểu về mọi mặt của chiến thắng. Ông đến hầu hết các bảo tàng, từ Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Phòng không-Không quân, Bảo tàng Chiến thắng B-52 rồi đến xưởng phim tài liệu quân đội để xem từng hiện vật, tranh ảnh, thước phim, bài viết… Ông còn lấy cho chúng tôi xem một xấp phác họa các loại máy bay, tên lửa, pháo cao xạ, ra-đa, đầu đạn, bom… giữ lại từ hồi đó và cho biết, ông muốn thể hiện chính xác lịch sử và trang bị, vũ khí của chiến thắng và đã thành công khi tái hiện được lưới lửa phòng không dày đặc của quân dân Thủ đô với những chiến sĩ chiến đấu ngoan cường, anh dũng dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thế nhưng hình ảnh ông tâm đắc nhất trong tranh lại là con rồng thời Lý đang khạc lửa phun cháy B-52 trên bầu trời Thủ đô. Ông bảo, đây chính là tinh thần Thăng Long ngàn năm chưa một kẻ thù nào có thể khuất phục, đây cũng chính là tinh thần quật cường của cả dân tộc. Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cũng khẳng định, đây là chi tiết đắt giá: “Con người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng rất anh dũng. Sự anh hùng đó thể hiện ra trong suốt lịch sử 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Trong tranh “Điện Biên Phủ trên không” của Đặng Tin Tưởng, hình ảnh đầu rồng thời Lý là chi tiết đắt giá. Bức tranh này nó vừa là hiện thực nhưng đồng thời lại gợi cho chúng ta một điều khác. Đó là các hình ảnh biểu hiện-tượng trưng cho một nền văn hóa dân tộc sâu sắc. Bức tranh đã toát lên tinh thần Hà Nội, tinh thần quả cảm và anh dũng”.

Trang Anh

Untitled(82).png

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng
 “Từ nhỏ, tôi sống ở làng quê đồng bằng Bắc bộ với lũy tre, bến nước, sân đình. Tôi thích những mái đình đầu đao uốn cong bay lên trời xanh, thích những pho tượng Phật, những bức cửa võng sơn son thếp vàng, thích những tấm bia đá chạm khắc hoa văn và những nét chữ cầu kỳ, thích cùng bạn bè đào những mầm khoai lang, ngồi trên lưng trâu ăn sống. Hồi ấy ở làng tôi, nhà nào có mảng tường quét vôi trắng là tổ tuyên truyền chúng tôi kẻ, vẽ ngay để kịp thời cổ động cho sản xuất và chiến đấu. Sau này tôi lên tỉnh vẽ tranh cổ động cho nhiều bảng tin to, cao trên đường 5, đường 20, đường 17... Từ biển xanh, tôi lên non cao thấy những thửa ruộng bậc thang uốn lượn và những mái nhà nhỏ xíu ngập chìm trong những sắc màu vàng ấm của mùa lúa chín... Sống trong lòng Hà Nội mùa Đông năm 1972, Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không là bản anh hùng ca rực sáng, là hồi trống trận vang rền, thúc giục quân dân cả nước tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi rất vui và tự hào được sống, được yêu thương những gì trên quê hương, đất nước mình. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ”. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ