Hà Nội gương mẫu theo lời Bác Hồ dạy
QPTĐ-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tấm lòng trân trọng, mối quan tâm sâu sắc giàu tình nhân ái và những mong muốn thiết tha về Hà Nội, với Hà Nội. Người xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của Hà Nội mà “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Người mong muốn làm sao để cho Hà Nội “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Vì vậy, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Người không quên ân cần thăm hỏi, động viên các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đặc biệt là chăm lo Tết cho đối tượng chính sách, người nghèo, đồng thời, nhắc nhở cán bộ và nhân dân gương mẫu thực hành tiết kiệm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm, chúc Tết gia đình ông Trần Công Tốt, công nhân Nhà máy Đèn Hà Nội, ngày 27/1/1960 (dêm Giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý). (Ảnh: Tư liệu)
Ngày 15-1-1958, tức là sau Tết Dương lịch 15 ngày và trước Tết Âm lịch Mậu Tuất 15 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời chúc mừng năm mới nhân dân Hà Nội. Bác khen cán bộ, nhân dân Thủ đô “cũng đã góp phần khá” vào thành tích trong công việc khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa của đất nước. Bác nói: “Năm nay, Đảng và Chính phủ đã đề ra khẩu hiệu là: Đẩy mạnh phát triển kinh tế hay nói đúng hơn là đẩy mạnh hơn nữa khôi phục kinh tế, phát triển kinh tế và phát triển văn hóa thì phải “Tự lực cánh sinh, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”. Để thực hiện khẩu hiệu ấy, cán bộ chúng ta, cán bộ quân, dân, chính, Đảng, cả nam, cả nữ phải là những người kiểu mẫu. Chẳng những là người kiểu mẫu, mà còn là người tuyên truyền đắc lực”.
Để tiết kiệm, Bác đề nghị, “từ ngày mai cho đến Tết, mỗi cán bộ quân, dân, chính, Đảng sẽ bỏ vào quỹ tiết kiệm nhà ngân hàng, mỗi người 1.000 đồng”. Bác căn dặn, “phải tuyên truyền cho anh em, bà con tự nguyện, tự giác chứ không phải là cách làm quan liêu, mệnh lệnh hay gò ép. Phải tự nguyện, tự giác”.
Về chuẩn bị Tết, Bác nói: “Bác nghe được nhiều nơi báo cáo là Tết này các cơ quan, các đoàn thể sẽ góp nhau lại làm một bữa đánh chén lu bù, có phải thế không? Trong lúc ăn uống vào dịp Tết các tập thể nên tự nguyện, tự giác bớt lại mấy phần trăm rồi bỏ vào các quỹ tiết kiệm ngân hàng, cho cái tập thể ấy. Làm từ bây giờ cho đến Tết, rồi ngoài Tết, tính lại đơn vị nào làm được nhiều nhất thì sẽ được thưởng. Rồi ngoài Tết cứ tiếp tục mãi, cái đó không ai cấm, cái đó được khuyến khích”. Không chỉ khuyên cán bộ, nhân dân mà Bác cũng làm gương thực hành tiết kiệm. Bác mong muốn cán bộ thì làm gương cho đồng bào, nhân dân Thủ đô làm gương cho các địa phương khác. Bác nói: “Bác xung phong làm gương bỏ vào tiết kiệm một số, số đó là bao nhiêu cũng giữ bí mật, không cho các cô, các chú biết. Mong các cô, các chú về thực hiện tiết kiệm để làm gương cho đồng bào và Thủ đô thì phải làm gương cho các địa phương khác”.
Cũng vào đầu năm 1958, Bác về thăm và động viên nhân dân chống hạn ở xã Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội ngày nay). Khi ấy còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 1958, tại buổi nói chuyện với nhân dân trong xã, Bác nói: “Năm ngoái bà con ăn Tết mổ lợn, mổ bò… rồi thiếu trâu bò cày. Đấy là chưa kể rước sách linh đình, đồng bóng, bói toán thật là lãng phí, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục. Năm nay nhất định sửa. Tết năm nay phải là Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm”.
Hay trước đó, vào dịp Tết Đinh Dậu 1957, Bác tiếp đoàn đại biểu xã Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội ngày nay) đến chúc Tết. Bác ân cần dặn dò: “Các chú tổ chức cho nhân dân ăn Tết phấn khởi đấy, nhưng phải nhớ tiết kiệm. Vì đất nước còn nghèo, lại vừa trải qua chiến tranh, còn phải làm nhiều việc lớn hơn”.
Cuộc sống hối hả, cấp tập hôm nay đã làm cho chúng ta phải chạy theo thị hiếu để thích ứng với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về, mỗi người lại “vui trong nỗi lo ngày Tết”, nhưng nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp đã không còn nguyên giá trị. Rất nhiều hoạt động ngày Tết bị biến tướng như: Biếu quà Tết, lễ hội đình đám, hủ tục mê tín, cá cược, đánh bạc, mua bán thần thánh… Một trong những biến tướng nguy hiểm đó là việc “biếu quà Tết một cách không trong sáng”, thực chất là hành động hối lộ, chạy chức, chạy quyền…
Kiên quyết đẩy lùi tệ nạn này, thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết năm 2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có Chỉ thị số 02-CT/TU về việc tổ chức Tết năm 2021. Theo đó, Hà Nội kêu gọi các cấp, các ngành phát huy truyền thống văn hóa đoàn kết, “tương thân, tương ái”, quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chủ động, có kế hoạch cụ thể chăm lo thật tốt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong dịp Tết, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết. Quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo, người vô gia cư, bệnh nhân điều trị lâu dài tại các bệnh viện… Đặc biệt, Hà Nội thực hiện nghiêm chủ trương không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công và trong giờ hành chính; không sử dụng ngân sách Nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi…
Ngày nay, Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hà Nội ngày càng được nâng cao. Ngày Tết, người dân không còn phải quá lo lắng về chuyện ăn, chuyện mặc nữa. Nhưng những lời dạy của Bác Hồ về việc chăm lo Tết cho đối tượng chính sách, người nghèo và thực hành tiết kiệm vẫn còn nguyên giá trị. Hà Nội nguyện gương mẫu theo lời Bác Hồ dạy để nhân dân Thủ đô có một cái Tết an lành, tiết kiệm.