A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chu Văn An-Người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam

 

Tượng danh nhân, thầy giáo Chu Văn An trong khuôn viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)

Các hoạt động nhân kỷ niệm 650 năm ngày mất Danh nhân Chu Văn An

Tháng 11/2019, Kỳ họp lần thứ 40 của Đại hội đồng các Quốc gia thành viên Unesco tại Cộng hòa Pháp đã nhất trí thông qua Tuyên bố kỷ niệm, vinh danh các danh nhân văn hóa, trong đó, có kỷ niệm 650 năm ngày mất của Danh nhân Chu Văn An (1370-2020).

Ngày 20/-11, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Lễ Kỷ niệm 650 năm ngày mất danh nhân Chu Văn An, diễn ra tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó, Lễ dâng hương danh nhân Chu Văn An diễn ra tại Đền thờ danh nhân Chu Văn An (huyện Thanh Trì), khu di tích Đền thờ Chu Văn An (Chí Linh, Hải Dương) và di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Nhân dịp này, các hoạt động kỷ niệm gắn với tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến to lớn về lý tưởng giáo dục của thầy giáo Chu Văn An đối với sự nghiệp giáo dục của dân tộc cũng như tầm ảnh hưởng đến ngày nay cũng sẽ diễn ra. Trong đó, cuộc thi “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An” dành cho học sinh các trường học mang tên Chu Văn An của cả nước và các trường học khác tại Hà Nội đã thu hút được rất nhiều học sinh tham gia. Qua hai vòng thi, Ban Tổ chức đã chọn được những tập thể và cá nhân xuất sắc nhất để trao giải tại Lễ Tổng kết diễn ra vào sáng 14/11 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Một trong các hoạt động ý nghĩa khác nhằm tri ân Chu Văn An là trưng bày chuyên đề: “Chu Văn An-Thượng tường Sơn Đẩu” tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám từ ngày 16/11-31/12. Trưng bày được thể hiện bằng những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, hình vẽ tiêu biểu với hai phần nội dung: “Túc thanh cao” (giới thiệu về con người, nhân cách, sự nghiệp giáo dục của danh nhân Chu Văn An), “Gương Thầy sáng mãi”.

Sự đa dạng trong hình thức thể hiện cùng với cách trưng bày hiện đại, những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, hình vẽ được diễn giải trong không gian mở, đăng đối tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám tựa như một cuộn tranh dẫn dắt người xem du ký ngược thời gian trở về với quá khứ cách đây hơn sáu thế kỷ, qua ba không gian: Thanh Trì-Quê hương; Thăng Long-Quốc Tử Giám; Chí Linh-Nơi ở ẩn. Qua đó, công chúng Thủ đô và du khách có thể để hiểu rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp giáo dục của thầy giáo Chu Văn An-“Ông tổ của các nhà nho nước Việt” và khí phách một “Kẻ sĩ Thăng Long”.

Chu Văn An-“Vạn thế sư biểu”

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam viết: Chu Văn An là người thầy giỏi nhưng nghiêm khắc, trọng tài năng của học trò và ghét những người cậy giàu, ham chơi. Học trò của ông có nhiều người giỏi, có công giúp nước như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, hai quan lớn của triều Trần. Sinh thời, ông được dân chúng tôn là “Vạn thế sư biểu”, nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời Việt Nam.

Chu Văn An, hiệu là Tiều Ẩn, người xã Quang Liệt, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. 

Nhiều chính sử viết rằng: Chu Văn An vốn tính ngay thẳng, rất tinh thông lí học, có tài văn chương. Thời vua Trần Anh Tông (1293-1314), ông thi đậu Thái học sinh (tức Tiến sĩ) nhưng không ra làm quan mà chỉ ở nhà dạy học. Ông dựng ngôi trường tại làng Huỳnh Cung (chỉ cách nhà ông ở chưa đến một cây số), học trò các nơi đến học rất đông. Chính dưới mái trường quê nổi tiếng này, ông đã đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước, trong đó, có những người tiếng vang để đời như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát (phố Phạm Sư Mạnh ở gần Ngân hàng Nhà nước và Nhà hát Lớn Hà Nội).

Thời Trần Mạnh Tông, khoảng niên hiệu Khai Thái (1314-1329), Chu Văn An được mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, một chức học quan trông coi ngôi trường cao cấp nhất trong cả nước thời bấy giờ. Đến thời Trần Dụ Tông (1341-1369) vua quan suy đồi, không còn giữ được phong khí của thời kháng chiến chống xâm lược, Chu Văn An bèn dâng sớ xin chém 7 tên quyền thần nhưng Trần Dụ Tông không nghe; Chu Văn An liền từ chức, trở về quê tiếp tục dạy học như cũ. Sau đó ít lâu, Chu Văn An chuyển ra vùng núi Phượng Hoàng, Chí Linh, tỉnh Hải Dương (ngày nay) tiếp tục mở trường dạy học và sống cuộc đời ẩn dật, đúng như tên hiệu của ông: “Tiều Ẩn” (ông tiều ở ẩn)…

Chu Văn An (1292-1370) được coi là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay mà UNESCO đã đúc kết, đề xuất: Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người.

Ngân Mỹ


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ