A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Rác” ngôn ngữ, thói quen xấu cần loại bỏ

 

QPTĐ-Khi nói về sự phong phú của tiếng Việt, cha ông ta từng đúc kết: “Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, với bao biến cố thăng trầm trong lịch sử, có lúc cả dân tộc chìm đắm trong ách nô lệ của ngoại bang, nền văn hóa bị cưỡng ép đồng hóa, nô dịch. Thế nhưng dòng chảy văn hóa truyền thống của dân tộc không bị bào mòn pha tạp. Vẫn tồn tại bất biến trước những cơn sóng dữ cán lướt, vững chãi trước dòng chảy của thời đại, kiên cường bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. 

Nhà trường cần xây dựng một chương trình học tiếng Việt phù hợp, khoa học. (Ảnh:Internet)

Dân tộc ta rất trân trọng tiếng Việt bởi nó không chỉ là ngôn ngữ chính của quốc gia. Mà nó còn là mạch nguồn sức sống nền văn hóa đa chiều, được nối tiếp lịch sử từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, là gốc rễ gìn giữ bồi đắp nuôi dưỡng nhân cách hồn cốt con người Việt. Bởi vậy từ xa xưa, trong lối sống, cách nghĩ, cho đến đường ăn nhẽ ở, ông cha ta đã rất chú trọng đến lời nói, thế mới có “Lời nói đọi máu”, chỉ vì lời nói mà có thể dẫn đến xung đột, chiến tranh giữa các quốc gia, mất đoàn kết trong gia đình cộng đồng. Cho nên, trong cuộc sống vẫn thường nhắc nhau "Lời nói không mất tiền mua/lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", đây chính là sự khéo léo, tế nhị thâm thúy của người Việt. Tự hào lắm khi chúng ta là con em dân tộc Việt được sử dụng ngôn ngữ đa chiều, nhiều nghĩa phong phú và rất hiện đại.

Thế nhưng, trong thời đại Công nghệ 4.0, nền tảng của khoa học công nghệ đã mang lại cho con người nhiều tiện ích, mọi khoảng cách về không gian và thời gian bị xóa nhòa bởi sự kết nối của thế giới phẳng. Tuy nhiên, tính “hai mặt” của một vấn đề vẫn luôn tồn tại, mọi người đã quá quen, thậm chí rất nhàm chán với các video clip phản cảm, thiếu văn hóa, như:  “Nói tục, chửi thề” của giới trẻ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Các hành vi thiếu văn hóa được cổ động ảo trên mạng xã hội gây nên sự lây lan không thể kiểm soát hết, đã biến cái xấu thành cái được tung hô, ủng hộ, gây nên sự ngộ nhận, khiến cho những tiêu chuẩn về sự trong sáng của tiếng Việt đang bị xô lệch. 

Nếu có dịp ngồi ở các quán nước vỉa hè trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), hay trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), hoặc trên phố Ngô Xuân Quảng, Trâu  Quỳ (huyện Gia Lâm) ... nơi tập trung các trường Cao đẳng, Đại học, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hiện tượng nói tục, chửi thề, sử dụng ngôn ngữ chát phổ biến. Trong tư duy của họ, phát ngôn những từ như vậy không phải là xấu, mà đó là ngôn ngữ giao tiếp bình thường, thậm chí một số còn thích “chêm” nói tục, chửi thề vào câu chuyện thì mới chứng tỏ mình sành điệu. Tiến sĩ Trần Thị Vân Anh, Giảng viên Ngôn ngữ báo chí, Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyền truyền cho biết: “Tiếng Việt có hai biến thể cơ bản, đó là biến thể văn hóa văn bản và biến thể văn hóa thông dụng. Tuy nhiên biến thể văn hóa thông dụng, sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày đang bị giới trẻ lạm dụng, sử dụng lệch chuẩn, không phù hợp với môi trường giáo dục và cuộc sống hiện đại”. 

Cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, hiện nay nhiều gia đình mải làm ăn, lo toan cuộc sống nên ít quan tâm đến nói năng, ứng xử giao tiếp của con cái hơn, một số gia đình lại thờ ơ, không quan tâm trước các hiện tượng lệch lạc ngôn ngữ của con mình, cho đó là phong cách của tuổi trẻ. Còn đối với các Nhà trường hiện nay vẫn nghiêng nhiều hơn về dạy kiến thức, mà chưa chú trọng nhiều đến việc điều chỉnh hành vi, lối sống của học sinh, việc giáo dục ngôn ngữ và đạo đức chưa thực sự được tiến hành ráo riết, nên suy nghĩ, ý thức và hành động của giới trẻ đối với tiếng mẹ đẻ chưa được đúng đắn. Để  xây dựng môi trường giao tiếp, ứng xử có văn hóa không bị “rác” ngôn ngữ làm ô nhiễm, Tiến sĩ Trần Thị Vân Anh cho rằng: “Giải pháp căn bản là phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của gia đình, nhà trường và cả những nhà ngôn ngữ học, các ngành chức năng phải có những hành động cụ thể chấn chỉnh, điều hướng và hình thành thói quen sử dụng ngôn ngữ tốt đẹp cho xã hội. Muốn làm được điều đó, phải xây dựng một quy tắc chuẩn mực cụ thể”. 

Có thể thấy, nói tục, chửi thề để lại rất nhiều tác hại, hiệu ứng của nói tục dù là vô tình hay cố ý cũng đều gây khó chịu cho người nghe, sứt mẻ mối quan hệ, làm tổn thương người khác. Không chỉ có vậy, người nói tục, chửi thề cũng tự làm giảm đi giá trị bản thân và không đáng cho người khác tôn trọng. Để môi trường văn hóa hiện nay không bị ô nhiễm bởi “rác” ngôn ngữ, các bậc phụ huynh nên quan tâm, chia sẻ, xem con mình như những người bạn để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, có những điều chỉnh phù hợp, để các con hiểu rằng buông lỏng giá trị ngôn ngữ là rất gần với buông lỏng giá trị hành vi chuẩn mực của con người. 

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục trong các Nhà trường, cần xây dựng một chương trình học tiếng Việt phù hợp, khoa học, với tinh thần giảm tải áp lực kiến thức, tăng kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sống cho học sinh, khích lệ tinh thần nói lời hay ý đẹp, từ đó, nâng cao ý thức gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Đối với các cơ quan báo chí, truyền thông cần đề cao cách nói, cách viết chuẩn mực góp phần định hướng cho xã hội, đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống lại những kiểu giao tiếp lệch chuẩn. Vẫn biết loại bỏ triệt để “rác” ngôn ngữ trả lại môi trường văn hóa trong sạch trong xã hội hiện nay, không phải một sớm một chiều nhưng là điều có thể làm được.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ