A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thỏa thuận Armenia-Azerbaizan: Kẻ khóc, người cười?

 

QPTĐ-Sau 6 tuần xung đột đẫm máu tại khu vực Nagormo-Karabakh giữa Armenia và Azerbaizan, ngày 9/11 tại Moskva, lãnh đạo 2 quốc gia này đã ký thỏa thuận ngừng bắn có sự chứng kiến của Tổng thống Nga V.Putin. 

Nội dung thỏa thuận gồm 15 điểm quy định, chấm dứt xung đột, lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 1 giờ sáng ngày 10/11, việc tổ chức hoạt động tìm kiếm nạn nhân các bên trong cuộc xung đột, trao đổi binh sĩ bị bắt và thiệt mạng, hỗ trợ nhân đạo, phân chia lại phần lãnh thổ khu vực, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga và Hội Chữ thập đỏ …vv. 

Giao tranh giữa các lực lượng Armenia-Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (Ảnh: Internet)

Điểm mấu chốt của thỏa thuận là Armenia phải giao lại một phần diện tích khu vực này cho Azerbaizan theo các mốc bàn giao vào các ngày 15/11, 20/11 và 1/12/2020. Thủ tướng Armenia N.Pashinyan thừa nhận: Ký thỏa thuận này là “đau đớn không thể diễn tả với tôi và với người dân”.
Các quan chức chính phủ, phe đối lập và người dân 2 nước có phản ứng khác nhau. Azerbaizan thu hồi lại phần lớn đất đai do phe ly khai (thân Armenia) tuyên bố độc lập nên có nhiều hoạt động ăn mừng chiến thắng, trong khi Armenia được xem là bị cưỡng bức ký thỏa thuận, phải chịu nhiều bất lợi, đã diễn ra các cuộc biểu tình chống Chính phủ. 

Giao tranh tại khu vực Nagormo-Karabakh về bản chất là cuộc xung đột sắc tộc giữa Azerbaizan và Armenia do những khác biệt về tôn giáo, văn hóa. Vùng lãnh thổ này do Azerbaizan quản lý nhưng lại có đa số người dân Armenia sinh sống, trong khi người dân Armenia theo đạo Thiên chúa thì người Azerbaizan theo đạo Hồi. 

Vào năm 1990, xung đột nổ ra giữa Armenia và Azerbaizan khiến hơn 3 vạn người thiệt mạng. Tháng 1/1992, Nagormo-Karabakh, một tỉnh tự trị của Azerbaizan, tuyên bố độc lập, ly khai khỏi Azerbaizan, kỳ vọng sáp nhập vào Armenia nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận. Kể từ đó, khu vực này trở thành điểm nóng tranh chấp giữa hai nước, mặc dù cả hai đều là thành viên của Liên Xô, tham gia Cộng đồng các nước SNG.

Để xoa dịu tình hình, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và nhiều nước đóng vai trò trung gian hòa giải, có nhiều động thái làm giảm căng thẳng, nhưng khó dung hòa quan hệ giữa hai nước. 

Ngày 27/9 vừa qua, xung đột vũ trang bùng phát tại khu vực Nagorno-Karabakh. Hai nước huy động số lượng lớn binh sĩ, máy bay, xe tăng, đấu pháo hạng nặng khiến hàng chục khu phố, làng mạc bị san phẳng, hàng ngàn binh sĩ thiệt mạng. Azerbaizan được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, chiếm lợi thế, giành lại nhiều vị trí chiến lược quan trọng, gây thương vong lớn cho phía Armenia. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổ chức OSCE và Tổng thống Nga kêu gọi hai nước ngừng bắn, ngồi vào bàn đàm phán tìm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, tránh gây bất ổn leo thang tại khu vực Trung Á. 

Phản ứng về thỏa thuận Armenia-Azerbaizan có hiệu lực ngày 10/11, hàng ngàn người dân thủ đô Yerevan, Armenia xuống đường biểu tình phản đối Thủ tướng N.Pashinyan, đòi ông phải từ chức. Người biểu tình đập phá Trụ sở Chính phủ, Tòa nhà Quốc hội, hành hung Chủ tịch Quốc hội A.Mirzoyan đến ngất xỉu, hô to khẩu hiệu: “N.Pashinyan là kẻ phản bội đất nước”. Làn sóng biểu tình ở Armenia tiếp tục dâng cao khi 17 chính đảng đối lập ở đất nước này đứng ra tổ chức, phản đối Chính phủ. Cảnh sát Armenia đã can thiệp, bắt giữ một số người được cho là “manh động, gây bạo loạn”, trong đó có thủ lĩnh đảng đối lập “Armenia thịnh vượng”-đảng lớn thứ 2 trong Quốc hội. 

Ngay trong ngày giao đất đai lần 1 (15/11), nhiều người dân Armenia ở làng Charektar, huyện Kalbazabr đã có các hành động cực đoan như tự đốt nhà mình, phá các công trình xây dựng, không để lại bất kỳ thứ gì hữu ích cho người Azerbaizan sử dụng.

Ngay trong ngày 10/11, gần 2.000 binh sĩ Nga thuộc Lữ đoàn số 15 được triển khai tại hành lang Lachin trong khu vực Nagormo-Karabakh, ngăn cách vùng kiểm soát giữa Armenia và Azerbaizan. Cùng với đó, Nga đưa đến khu vực này 90 xe bọc thép, 380 đơn vị ô tô chở quân, xe tải địa hình, xe bồn, 18 máy bay vận tải Il-18 và 2 máy bay An-124 chuyên chở thiết bị quân sự, khí tài.

Theo thỏa thuận, Quân đội Nga sẽ ở lại đây trong 5 năm và sẽ tự động gia hạn thêm 5 năm trừ khi một trong các bên phản đối. Azerbaizan đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cùng Nga tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, tuy nhiên, Ankara và Moskva không xác nhận thông tin này. Tổng thống Thổ T.Erdogan cho biết, Thổ và Nga đã ký thỏa thuận thiết lập một trung tâm giám sát lệnh ngừng bắn ở Nagormo-Karabakh. 

Cùng thời gian này (12/11), tại Moskva, có cuộc gặp gỡ của các nhà ngoại giao cấp cao Nga-Mỹ, Nga-Pháp nhưng Mỹ, Pháp tỏ ra lạnh nhạt, không đóng một vai trò nào trong thỏa thuận ngừng bắn kia. Dường như Paris và Washington không muốn dính dáng đến khu vực “sân sau” này của Nga? 
Trước việc phe đối lập ở Armenia tổ chức biểu tình, đòi Thủ tướng đương nhiệm từ chức, đòi sa thải Ngoại trưởng và bầu cử sớm, gây sức ép buộc Chính phủ phải rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn với Azerbaizan, Tổng thống Nga V.Putin cảnh báo, bất cứ hành động nào gây bất ổn hoặc rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được giữa Yerevan và Baku do Moskva làm trung gian sẽ đồng nghĩa với tự sát! “Đó sẽ là một sai lầm lớn. Tôi nghĩ, điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được, phản tác dụng và cực kỳ nguy hiểm”-Tổng thống Nga nhấn mạnh. 

Tuần qua, Cơ quan An ninh Armenia phá một âm mưu ám sát Thủ tướng nước này do một chính trị gia đối lập chỉ đạo. Thủ tướng N.Pashinyan tuyên bố, không có ý định từ chức, bất chấp sức ép từ phe đối lập. 

HÀ NGỌC
 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ