Tổng thống Mỹ J.Biden-Một tuần công du châu Âu
QPTĐ-Dư luận thế giới đặc biệt chú ý chuyến công du châu Âu 1 tuần lễ của Tổng thống Mỹ J.Biden, tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Liên bang Đức (từ 26-28/6) và Hội nghị cấp cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức ở Tây Ban Nha (ngày 29-30/6).
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên đường tham dự các Hội nghị thượng đỉnh lớn diễn ra ở châu Âu. (Ảnh: Internet)
Tháng trước (từ 28-30/5), Tổng thống J.Biden đã có mặt tại châu Âu tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO và Liên minh châu Âu (EU), gặp gỡ song phương và đa phương với lãnh đạo các nước. Bởi không chỉ là quốc gia thành viên, Mỹ còn có vai trò, trách nhiệm dẫn dắt khối quân sự NATO; đồng thời, có tác động tích cực, ảnh hưởng lớn đến chính sách kinh tế, đối ngoại của EU, nhất là những vấn đề nóng bỏng ở châu Âu trong khi đang diễn ra cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine.
Sau chuyến thăm Kiev của lãnh đạo 4 nước châu Âu: Pháp, Đức, Italy và Romania diễn ra trong tuần qua nhằm bày tỏ sự đoàn kết với Ukraine, giương cao ngọn cờ “bài Nga, thân Mỹ”, ngày 23-24/6, Hội nghị thượng đỉnh EU nhóm họp ở Brussels (Bỉ) đã đạt được đồng thuận đưa Ukraine và Moldova vào danh sách ứng cử viên gia nhập EU.
“Không có quốc gia nào phản đối đề xuất này”-Ngoại trưởng Luxembourg J.Asselbom nói. Tuy nhiên, các quan chức phương Tây cho hay, là thành viên chính thức EU thì Gruzia, Ukraine, Moldova còn phải mất hàng chục năm nữa.
EU thảo luận gói trừng phạt thứ 7 nền kinh tế của Moskva, nhằm vào hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, châu Âu đang phải chật vật đối phó với cơn khát năng lượng sau quyết định trừng phạt dầu mỏ Nga, cắt giảm nhập khẩu đến 90% vào trước năm 2023. EU không chỉ tích cực hỗ trợ tài chính, hậu cần cho chính quyền Kiev trong cuộc xung đột với Nga mà còn là thành tố tích cực giải tỏa xuất khẩu khoảng 30 triệu tấn lúa mì, ngũ cốc Ukraine đang bị phong tỏa. Số lương thực có thể đọng đến 60-70 triệu tấn vào vụ thu hoạch mới.
Tại Hội nghị G7, Tổng thống Mỹ J.Biden và các nhà lãnh đạo: Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada, Nhật Bản tập trung thảo luận về tình hình Ukraine, năng lượng và lương thực toàn cầu, xử lý lạm phát. G7 đạt được thỏa thuận về việc cấm nhập khẩu vàng từ Nga. Đây là diễn biến mới nhất trong chuỗi trừng phạt của G7 nhằm cô lập về mặt kinh tế với Moskva, kỳ vọng “Nga cạn kiệt nguồn lực kinh tế, quân sự, quốc phòng, kiềm chế chiến dịch quân sự ở Ukraine”.
Theo Nhà Trắng, “Nga thu về hàng chục tỉ USD mỗi năm từ việc bán vàng”. Mấy năm gần đây, vàng là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga sau năng lượng, đạt gần 19 tỉ USD, chiếm 5% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu năm 2020. Trong đó, 90% lượng vàng xuất khẩu sang G7, riêng Anh gần 17 tỉ USD. Năm 2021, doanh số xuất khẩu vàng đạt 15,5 tỉ USD.
Thủ tướng Anh B.Johnson cho biết, lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga sẽ có hiệu lực ngay trong tuần tới đối với vàng mới được khai thác, vàng tinh chế nhưng không ảnh hưởng đến vàng có xuất xứ từ Nga được nhập hợp pháp trước đó. Bốn cường quốc nhóm G7 bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản cam kết cấm nhập khẩu vàng từ Nga.
Bất chấp lệnh cấm nhập dầu thô của EU, trong tháng qua, châu Âu bất ngờ gia tăng lượng nhập dầu từ Moskva lên 1,84 triệu thùng/ngày, tăng 14% (từ tháng 1 đến tháng 4/2022) bao gồm cả Italy, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (24/2), giá dầu thế giới tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng, thường xuyên ở mức 120 USD khiến Moskva thu về bộn tiền từ dầu khí. Nếu như những năm 2020-2021, bình quân Nga thu về 12 tỉ USD/tháng thì hiện tại, giá trị xuất khầu dầu khí đạt gần 1 tỉ USD/ngày.
Cắt giảm bớt lượng dầu khí cấp sang Lục địa già, Moskva nhắm đến thị trường châu Á, trong đó có 2 quốc gia 1,3 tỉ dân như Trung Quốc, Ấn Độ với chế độ ưu đãi đặc biệt. Nga vẫn duy trì Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ công suất 33 tỉ m3 khí đốt/năm và hạn chế cấp khí đốt qua Nord Stream-1 (Dòng chảy phương Bắc-1) chỉ còn 40% dường như để nắn gân châu Âu, bởi “thiếu các thiết bị vận hành do các lệnh trừng phạt của phương Tây”. EU chỉ cấm nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển, không cấm nhập khẩu dầu từ đường ống và chưa dám cấm khí đốt Nga?
Có thông tin, Chính phủ Đức quốc hữu hóa Nord Stream-2 (Dòng chảy phương Bắc-2) hợp tác doanh nghiệp tư nhân Nga-Đức trị giá 11 tỉ Euro, công suất 55 tỉ m3 khí/năm đã hoàn thành xây dựng từ tháng 9/2021 nhưng vẫn chưa được chính quyền Berlin cấp giấy phép hoạt động do tranh cãi về các đòn trừng phạt nhằm vào Nga.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO, Mỹ (25/6) tuyên bố, cấp gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 450 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp Kiev đối phó với Nga. Đây là gói cứu trợ thứ 13 cho Kiev, nâng số viện trợ an ninh của Mỹ lên 6,8 tỉ USD dưới thời Tổng thống J.Biden (từ 1/2021).
“Trách nhiệm của chúng tôi là bảo đảm cho Ukraine luôn ở vị thế mạnh nhất có thể và giúp nước này duy trì là một quốc gia châu Âu có chủ quyền, độc lập. Chúng tôi luôn hỗ trợ mạnh mẽ quân sự và kinh tế, đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga”-Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg (25/6) nói: “Nhiều khả năng, cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc trên bàn đàm phán”. Tuy nhiên, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ J.Kirby cho biết: Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài!
Ngày 25-26/6, các quan chức địa phương Ukraine loan tin: Nga phóng mưa tên lửa xuống các cơ sở quân sự khắp lãnh thổ nước này, bằng máy bay ném bom chiến lược Tu-22 từ không phận Belarus. Khoảng 14 tên lửa đạn đạo đánh trúng các mục tiêu ở thủ đô Kiev (26/6). Cùng lúc, Nga và quân nổi dậy Lugansk đã giải phóng hoàn toàn thành phố Severodonetsk và Borivske, miền Đông Ukraine, bao vây Lysychansk, thành trì cuối cùng do Kiev kiểm soát ở tỉnh Lugansk, sẽ nối thông hành lang đường bộ từ miền Đông Donbass đến bán đảo Crimea.
Ngày 25/6, tiếp Tổng thống Belarus A.Lukashenko tại St.Peterburg, Tổng thống Nga V.Putin cho biết: “Nga sẽ chuyển giao cho Belarus các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M, có thể sử dụng cả tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, phiên bản hạt nhân và thông thường”.
Trước đó (24/6), Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga M.Zakharova tuyên bố: “Nga không tham gia Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) kể cả bây giờ và trong tương lai”, trong khi TPNW họp ở Vienna (Áo) trong 3 ngày từ 21-23/6.
NHẬT MINH