A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khủng hoảng thị trường năng lượng châu Âu

 

QPTĐ-Tuần qua, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp, chủ đề chính là vực dậy nền kinh tế Lục địa già trong cơn bão dịch Covid-19. Nhưng điểm nóng lại tập trung tìm giải pháp khủng hoảng năng lượng, giá khí đốt tăng cao, nguồn cung thiếu hụt trong khi mùa Đông giá lạnh đang đến. 

Dự án Dòng chảy phương Bắc-2 của Nga đã hoàn tất giai đoạn xây dựng vào đầu tháng 9 năm 2021. (Ảnh: Internet)

Thực ra, không phải châu Âu chủ quan đến mức không lường trước được tình hình khó khăn này đến mức phải bị động nhưng do những yếu tố khách quan bất ngờ và ý đồ chính trị của các chiến lược gia, ví như đại dịch Covid-19 tàn phá thế giới suốt 2 năm qua vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, cuộc chiến thương mại giá dầu toàn cầu, cạnh tranh địa-chính trị Mỹ-Nga, đã khiến thị trường năng lượng châu Âu chao đảo.

Nếu như giá dầu mỏ thế giới dao động ở 60 USD/thùng (năm 2020) thì đã tăng lên 70 USD/thùng (đầu năm 2021), hơn 80 USD/thùng (10/2021), dự báo tăng lên 100 USD/thùng (quý I-II/2022), đạt mốc 200 USD/thùng (12/2021). Dầu mỏ tăng giá do nguồn cung khan hiếm, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, bất chấp nền kinh tế thế giới có thể phục hồi chậm do đại dịch Covid-19.

Giá xăng dầu ở châu Âu tăng mạnh. Chỉ số hợp đồng TTF của Hà Lan (8/2021) là 515 USD/1.000 m3 khí đốt tăng lên 1.450 USD (9/2021), đến mốc kỷ lục lịch sử: 1.900 USD (10/2021), khiến người dân EU phải chịu chi phí điện, gas, chất đốt quá cao. Hay như ở Ukraine, ngân sách dự kiến giá khí đốt khoảng 250-300 USD/1.000 m3 trong khi hợp đồng hiện mua là 1.000 USD. Tính từ đầu năm đến nay, giá khí đốt châu Âu tăng gấp hơn 4 lần.

Chuyên gia Mỹ nhận xét, giá khí đốt tự nhiên ở châu Á đã tăng lên hơn 5 lần trong năm 2021 theo hợp đồng giao ngay, khiến các doanh nghiệp dầu khí Mỹ tìm đến thị trường Trung Quốc 1,4 tỉ dân, xuất khẩu khí hóa lỏng LNG, bỏ bê khách hàng truyền thống châu Âu, càng khiến cho đồng minh EU thêm khốn khó. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU, lãnh đạo các quốc gia bị chia rẽ về đánh giá nguyên nhân và giải pháp giải quyết khủng hoảng năng lượng trên địa bàn. 

Một loại quan điểm (bao gồm Ba Lan, Đan Mạch, Baltic và một số nước) cho rằng, châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga (hơn 40%) nên bị Moskva dùng năng lượng làm vũ khí chính trị, giá khí đốt tăng cao có yếu tố Nga kích hoạt. Châu Âu phải tự chủ động tìm nguồn cung năng lượng cho mình, không thể phụ thuộc vào Nga. Mỹ ủng hộ nhận định này, không dễ dàng khoanh tay ngồi nhìn Nga chiếm lĩnh thị trường khí đốt châu Âu.

Loại quan điểm khác (trong đó có Đức, Áo và một số nước Tây Âu, Nam Âu) cho rằng, châu Âu đã chú trọng đầu tư vào nguồn năng lượng xanh-sạch, sớm bỏ qua nguồn cung dầu mỏ, khí đốt, than đá nên khi đại dịch tràn qua, biển đổi khí hậu khắc nghiệt, mùa Đông đến sớm, giá lạnh hơn, nguồn cung thiếu hụt là lẽ đương nhiên. Đó là chưa kể đến tổ chức OPEC+ hạn chế nguồn cung để giữ giá dầu mỏ.

Đức và một số nước khẳng định, Nga không phải là thủ phạm gây ra cơn sốt giá, khủng hoảng năng lượng châu Âu. Trong ngày tới, cơ quan chức năng Đức cấp giấy phép kiểm định để Nord  Stream-2 (Dòng chảy phương Bắc-2) liên doanh khí đốt Nga-Đức đi vào vận hành, thị trường năng lượng châu Âu sẽ dần được ổn định. 

Đồng ý với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nhật Bản A.Sugata nhận xét, từ thời Liên Xô, bất kể Chiến tranh Lạnh hay khủng hoảng chính trị giữa Liên Xô với Mỹ và phương Tây, Moskva chưa bao giờ ngừng nguồn cung năng lượng, khí đốt cho châu Âu theo hợp đồng nên luận điệu “Nga dùng khí đốt làm vũ khí chính trị là không có cơ sở”. Trước đó, Liên Xô chiếm hơn 20% nguồn khí đốt cho thị trường châu Âu.

Dòng chảy phương Bắc-2 là dự án khủng giữa các doanh nghiệp Nga-Đức, lắp đường ống dài hơn 1.200 km từ Vyborg (Nga) đi qua biển Baltic tới Lubmin (Đức), có trữ lượng 55 tỉ m3 khí đốt/năm, quá cảnh đi châu Âu. 

Trước đó, Nga đã đưa vào vận hành liên doanh Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ công suất 33 tỉ m3 khí/năm cùng với đường ống dẫn khí qua Ukraine, Dòng chảy phương Bắc (nhánh 1), khiến hàng năm, châu Âu nhận một lượng khí rất lớn của Nga. 

Dự án Dòng chảy phương Bắc-2 đã hoàn tất giai đoạn xây dựng vào đầu tháng 9. Tiếp theo là công việc của các cơ quan kiểm định Đức, cấp phép hoạt động theo tiêu chuẩn châu Âu trong khoảng 4 tháng, bắt đầu từ 8/9/2021 đến 8/1/2022. 

 Câu chuyện vận hành Dòng chảy phương Bắc-2 chỉ còn là vấn đề thời gian, phù hợp với ý chí của các nhà lãnh đạo đương nhiệm Nga và Đức. Theo tính toán của chuyên gia Nga, châu Âu đang thiếu hụt khoảng 70 tỉ m3 khí đốt/mỗi năm. Dự án này vận hành, cấp được hơn 50 tỉ m3 khí, sẽ giảm bớt căng thẳng về năng lượng trên địa bàn, người dân EU sẽ được hưởng lợi về giá năng lượng thấp. 

Tuy nhiên, Mỹ và một số quốc gia phương Tây đang ra sức ngăn cản dự án. Nếu như Mỹ e ngại mất thị trường khí LNG ở Lục địa già thì Ba Lan, Ukraine mất nguồn thu từ đường ống dẫn khí của Nga đi qua lãnh thổ. Với Ukraine sẽ là khoảng 3-5 tỉ USD/năm thuế thuê đất đai, môi trường và được hưởng lợi từ giá mua khí đốt ưu đãi, ổn định một, hai thập kỷ. 

Phát biểu tại Câu lạc bộ quốc tế Valdai (ngày 21/10), Tổng thống Nga V.Putin cho biết: Nord Stream-2 đã sẵn sàng, chuỗi thứ nhất của tuyến đường ống đã chứa đầy khí đốt xấp xỉ 177 triệu m3, cung cấp mức áp suất 103 bar, sẵng sàng vận hành. Chuỗi thứ 2 sẽ được hoàn thành vào giữa tháng 12 tới. “Đường ống đầu tiên của Nord Stream-2 chứa đầy khí đốt. Nếu ngày mai, cơ quan quản lý của Đức cho phép cung cấp, ngày kia sẽ bắt đầu giao hàng, 17,5 tỉ m3 khối”-Tổng thống Nga nói. 

Phản bác lại quan điểm của Nhà Trắng, lãnh đạo Nga và Đức cho rằng, Nord Stream-2 chỉ đơn thuần là một dự án khí đốt thương mại thuần túy về kinh tế. Dự án có tổng đầu tư 9,5 tỉ euro (11 tỉ USD), thấp hơn nhiều so với tuyến đường ống Nga-Ukraine cũ kỹ tốn 2,5-12 tỉ USD bảo dưỡng, nếu thay thế toàn bộ có thể lên đến 17,8 tỉ USD, đó là chưa kể các khó khăn do hai nước bất đồng quan điểm chính trị. 

Norrd Stream-2 dự kiến thu hồi vốn trong 15 năm. Với khủng hoảng năng lượng châu Âu và giá dầu mỏ toàn cầu tăng cao, dự báo khả năng hoàn vốn sẽ diễn ra nhanh hơn. 

LINH AN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ