A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ

 

QPTĐ-Tại thủ đô Tehran (ngày 19/7) diễn ra Hội nghị thượng đỉnh 3 bên: Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham dự của Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Iran E.Raisi và Tổng thống Thổ R.T.Erdogan, sau đó là 3 hội nghị song phương, bàn về những vấn đề nóng của khu vực và quốc tế.

Tổng thống 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại buổi họp báo sau hội nghị. (Ảnh: Internet)

Theo Ngoại trưởng Iran A.Hossein, Tehran đăng cai Hội nghị cấp cao 3 bên này nhằm bàn về cuộc chiến tại Syria, theo định dạng “Tiến trình hòa bình Astana”, là lý do chính yếu đưa Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ đến Vương quốc Hồi giáo Iran trong bối cảnh tình hình chính trị châu Âu và Trung Đông đang nóng bỏng, cuộc xung đột Ukraine vẫn leo thang căng thẳng.

Đây là cuộc gặp 3 bên đầu tiên do Tổng thống E.Raisi chủ trì trên cương vị nước chủ nhà sau khi ông nhậm chức Tổng thống Iran dịp năm ngoái, đồng thời là lần gặp cấp cao chính thức đầu tiên với Tổng thống Nga, Tổng thống Thổ kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine (2/2022), mỗi nước đều có lợi ích riêng xung quanh những vấn đề cốt lõi về năng lượng, lương thực, chống khủng bố. 

Hội nghị thượng đỉnh 3 bên thống nhất giải quyết vấn đề xung đột ở Syria thông qua các giải pháp chính trị, kiềm chế việc người dân thay vì di tản tự do, hàng triệu người tị nạn ở biên giới Thổ có thể trở về nhà; tiếp tục tìm kiếm giải pháp kiến tạo hòa bình, ổn định, an ninh ở Syria. Iran kỳ vọng, dưới ảnh hưởng của Nga, có thể ngăn chiến dịch quân sự mới của quân đội Thổ nhằm vào lực lượng người Kurd tại miền Bắc Syria. 

Kể từ năm 2015 đến nay, cuộc xung đột ở Syria có lực lượng 3 bên: Nga, Thổ, Iran tham chiến với những mục tiêu, lợi ích khác nhau, trong đó Thổ và Iran không có điểm dung hòa. Hiện, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trong số ít những quốc gia bất tuân theo lệnh của Mỹ và EU, áp lệnh trừng phạt lên Nga, kể từ tháng 2 vừa qua.

Thổ là thành viên khối quân sự NATO, có tiềm lực quân sự mạnh thứ 2 sau Mỹ nhưng lại có mối quan hệ đặc biệt về kinh tế, thương mại, đầu tư và quân sự, quốc phòng với Nga. Hơn 6 năm qua (từ sự kiện tháng 7/2016) Mỹ áp lệnh trừng phạt hạn chế với Thổ, buộc Ankara phải triệt để xóa sạch mọi ảnh hưởng đến từ Moskva. 

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ R.T.Erdogan lại đề cao quan điểm quốc gia độc lập, khiến Nhà Trắng kém vui. Ankara ký thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng với Moskva, bất chấp việc Mỹ loại Thổ khỏi dự án sản xuất, chuyển giao tiêm kích tàng hình thế hệ 5: F-35 và cấm chuyển giao vũ khí hiện đại cho Thổ.

Mấy tháng qua, Tổng thống R.T.Erdogan đã thể hiện vai trò trung gian hòa giải xung đột Nga-Ukraine, tổ chức đàm phán hòa bình, mở hành lang xuất khẩu ngũ cốc trên Biển Đen. 

Sau sự kiện Crimea năm 2014, Mỹ và EU cấm vận Nga, Thổ vẫn duy trì mối quan hệ truyền thống với Moskva. Tổng thống V.Putin và người đồng cấp R.T.Erdogan thường xuyên trao đổi thông tin, có các chuyến thăm lẫn nhau. Nga cấp khí đốt cho Ankara qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ công suất 33 tỉ m3 khí/năm, khác hẳn với cuộc khủng hoảng dầu mỏ, khí đốt Nga và châu Âu. Thổ cũng là đường trung chuyển hàng không với Nga sau khi EU cấm không phận, chặn đường bay từ Nga.

Nga duy trì mối quan hệ bình đẳng, thân thiện với 2 nước láng giềng: Iran và Thổ, là ưu tiên chiến lược dưới thời Tổng thống V.Putin nhằm chống lại bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây. Bởi các nước: Triều Tiên, Cuba, Iran, Venezuela cũng đang phải chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất của Mỹ. Nhà Trắng cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân ký với nhóm nước P5+1.

Thăm Tehran, Tổng thống V.Putin hội kiến nhà lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ A.Ali Khamenei. Tổng thống Nga tái khẳng định, Mỹ và đồng minh châu Âu đã khiến Điện Kremlin không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mở chiến dịch quân sự đặc biệt, “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa” Ukraine. Việc Mỹ quan ngại đã đến, Iran có khả năng cung cấp hàng trăm thiết bị bay không người lái cho Nga, hậu thuẫn Moskva trong cuộc xung đột tại Ukraine. 

Đại giáo chủ Iran khẳng định: Chính các lệnh trừng phạt hòng bóp nghẹt nền kinh tế Nga và Iran của Mỹ đã đẩy Moskva và Tehran xích lại gần nhau hơn, quan hệ hợp tác hữu nghị, bền chặt hơn. Iran đồng ý loại bỏ dần giao dịch bằng USD trong các thương vụ với Nga.

Cùng ngày 19/7, Công ty Dầu mỏ quốc gia Iran và Tập đoàn Năng lượng Gazprom Nga ký biên bản hợp tác phát triển dự án dầu mỏ, khí đốt trị giá 40 tỉ USD. Hai bên cùng hợp tác dài hạn khai thác, xuất khẩu dầu, chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, phát huy tiềm năng của hai quốc gia có trữ lượng dầu, khí hàng đầu thế giới. 

Ngày 22/7, tại Ankara, Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Ukraine ký văn bản thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, có sự chứng kiến của Tổng thống Thổ và Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Hội nghị thượng đỉnh Tehran giữa 3 nước diễn ra ngay sau chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ J.Biden (từ 13-16/7), đến Israel và Arab Saudi cho thấy, cuộc cạnh tranh địa chính trị khu vực Trung Đông, vùng Vịnh rất gay gắt. 

Nếu như chuyến thăm của ông J.Biden nhằm khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với Israel, giúp bình thường hóa quan hệ Israel với thế giới Arab, trong đó mối quan hệ chính là Mỹ-Arab Saudi, Israel-Arab Saudi đầy trắc trở, thì Nga cũng có những toan tính, khẳng định vị thế trên bàn cờ Trung Đông, vùng Vịnh, nhất là sau cuộc chiến chống khủng bố quốc tế thành công ở Syria.

Hiện, Mỹ và châu Âu đang phải vật lộn với giá dầu, khí đốt tăng, thiếu hụt nguồn cung năng lượng thì Nga bị “cấm vận dầu mỏ”, vẫn có nguồn thu khủng do giá dầu tăng hơn 100 USD/thùng. “Chúng tôi đang nghe một số ý tưởng điên rồ về hạn chế khối lượng dầu Nga và giới hạn giá dầu Nga. Kết quả sẽ giống nhau-tăng giá. Giá cả sẽ tăng vọt”-Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố, đồng thời cấm bán dầu cho nước nào áp giá trần với dầu mỏ Nga. 

Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra gói trừng phạt thứ 7, siết chặt Ngân hàng Trung ương và xuất khẩu vàng của Nga. Tổng thống V.Putin (22/7) điện đàm với Thái tử Arab Saudi M.bin Salman về xuất khẩu dầu, trước khi OPEC+ (do Arab Saudi và Nga dẫn dắt) họp ngày 3/8 tới.

Mỹ, Anh và phương Tây không ngừng chuyển hàng ngàn tấn vũ khí hiện đại cho Ukraine, “giúp Kiev phòng thủ”, kỳ vọng suy yếu các nguồn lực của Nga. 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ