A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EU tung gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga

 

QPTĐ-Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Brussels, trong 2 ngày 30-31/5, tung gói cấm vận thứ 6 nhằm vào Nga, đồng thời thảo luận cách đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. 

EU đã áp lệnh trừng phạt với nguồn cung dầu khí từ Nga. (Ảnh: Internet)

“Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào EU. Thỏa thuận này ngay lập tức có hiệu lực với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga”, tức là ngăn chặn 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga trước năm 2023-Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ch.Michel cho biết. 

Chuyên gia EU dự báo, Moskva sẽ bị thiệt hại hàng chục tỉ USD/năm từ dầu mỏ. Tuy nhiên, gói trừng phạt chỉ cấm nhập khẩu tất cả dầu mỏ Nga được giao bằng tàu, không phải bằng đường ống, nhưng không áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với khí đốt Nga.

Gói trừng phạt của EU cũng bao gồm các biện pháp cứng rắn như loại ngân hàng SberBank lớn nhất của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm thêm 3 cơ quan truyền thông quốc gia của Nga, áp lệnh trừng phạt với 65 quan chức quân đội, doanh nghiệp Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Cuộc xung đột tại Ukraine đã kéo dài 3 tháng rưỡi, kể từ ngày 24/2, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa”, “phi phát xít hóa” chính quyền Kiev. Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở miền Đông Donbass, chưa có dấu hiệu kết thúc, trong khi Mỹ và phương Tây gia tăng viện trợ vũ khí hạng nặng bao gồm xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng, thiết bị bay không người lái, hậu cần, tài chính cho Ukraine, không ngoài mục đích “kéo dài cuộc chiến tranh ủy nhiệm”, làm suy yếu nước Nga. 

Điện Kremlin cũng bất ngờ về khả năng chống trả quyết liệt, chiến thuật phòng thủ kiên cường của Kiev, đã làm chậm bước tiến của quân đội Nga và lực lượng ly khai miền Đông Donetsky, Lugansky. 

Hiện, Nga và phe ly khai đã gần như làm chủ khu vực miền Đông Donbass, nối liền hành lang đường bộ dọc biên giới Nga với Lugansky, Donetsky, các thành phố: Mariupol, Metitpol, Khersa, Crimea, cảng biển chiến lược Azov, Odesa, khống chế Biển Đen. Tổng thống Ukraine V.Zelensky (2/6) tuyên bố, Nga và lực lượng ly khai đang kiểm soát 20% lãnh thổ nước này.

Ngày 1/6, Tổng thống Mỹ J.Biden công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine bao gồm radar phản pháo, radar giám sát không phận, tên lửa chống tăng Javelin, vũ khí chống xe thiết giáp, pháo hạng nặng và 15.000 viên đạn pháo cỡ nòng 155 mm, trực thăng đa nhiệm Mi-17, nâng tổng số viện trợ của Mỹ cho Kiev dưới thời Tổng thống J.Biden (từ tháng 1/2021) lên 5,3 tỉ USD. Các nước: Anh, Đức, Thụy Điển tuyên bố, tiếp tục gửi pháo hạng nặng, hỏa tiễn phóng loạt, tên lửa diệt hạm và chống tăng cho Ukraine.

Phản ứng trước các động thái của EU, Mỹ và NATO, Tổng thống Nga V.Putin cảnh báo, châu Âu “tự sát về kinh tế” khi cấm vận dầu mỏ Nga, sẽ phải đối mặt với giá năng lượng và lạm phát cao hơn vì “hành động thiếu suy nghĩ” này.

Nga đáp trả lệnh trừng phạt bằng việc yêu cầu những “quốc gia không thân thiện” thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble Nga, hướng nguồn cung năng lượng đến những quốc gia “thân thiện”, quan tâm đến thị trường châu Á, quốc gia đông dân Ấn Độ, Trung Quốc. 

Tính đến 1/6, Nga đã cắt nguồn cung năng lượng đến 5 nước châu Âu: Ba Lan, Hungaria, Phần Lan, Hà Lan, Đan Mạch do không chịu thanh toán bằng đồng ruble.

Chủ tịch Duma quốc gia Nga V.Volodin (4/6) nhận định: EU đã “dùng hết kho công cụ để kìm hãm phát triển của Nga”. Nga sẽ bù đắp lại thiệt hại khoảng 22 tỉ USD do trừng phạt dầu mỏ nhưng châu Âu sẽ phải trả thêm 268 tỉ USD mỗi năm”.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch mang tên “REPowerEU” trị giá 221 tỉ USD, với tham vọng thoát khỏi phụ thuộc năng lượng Nga; đồng thời, thúc đẩy nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, Canada, hợp tác khai thác dầu khí với Hà Lan, gia tăng dòng chảy đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy cùng với việc kêu gọi người dân Lục địa già tiết kiệm sử dụng điện, khí đốt. 

Bình luận về gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga, Tổng thống Croatia Z.Milanovic nói với báo chí: “Các biện pháp trừng phạt không hiệu quả. Nga không cảm nhận được chúng, đồng ruble không sụp đổ. Công dân EU phải trả giá, ông V.Putin mỉm cười hài lòng và dầu khí sẽ chuyển sang nơi khác vì nhu cầu rất lớn”. Lệnh trừng phạt của EU hiện tại “không có hiệu lực ngay cả đối với Serbia” và điều duy nhất có thể xảy ra là giá cả tăng cao hơn với công dân các nước EU-Ông Z.Milanovic nói. 

Thủ tướng Italy M.Draghi (31/5) nhận định: “Các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ có tác động tối đa đối với nền kinh tế Nga từ mùa hè này trở đi. Lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sẽ ảnh hưởng đến thương mại quốc tế trong nhiều năm, nếu không nói là mãi mãi”. 

Xung đột Ukraine, các nước châu Âu bộc lộ bất đồng. Hơn một nửa các quốc gia thành viên EU phản đối Kiev gia nhập khối, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia đưa ra những điều kiện tiên quyết,  phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO.

Trước đòn trừng phạt của EU, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga D.Medvedev bày tỏ bất bình: Các lệnh trừng phạt của phương Tây là “nhằm vào các công dân bình thường và được thúc đẩy bởi sự thù hận”. “Các lệnh trừng phạt vô tận” này nhằm vào Nga sẽ không ảnh hưởng đến giới tinh hoa chính trị của đất nước, ngược lại, nó sẽ gây nhiều tổn thất cho các doanh nghiệp Nga. 

Giao dịch dầu (5/6), WTI, Brent tăng 3%, hơn 120 USD/thùng, cao nhất thập kỷ qua, dự báo lên 180 USD/thùng vào thời gian tới. 

Mỹ và phương Tây đang ra sức vận động Tổ chức OPEC đứng đầu là Arab Saudi, loại Nga ra khỏi liên minh OPEC+ về dầu mỏ và giải cứu xuất khẩu lương thực, thực phẩm của Ukraine. Hiện, dư luận tập trung chú ý việc các vùng lãnh thổ: Donetsky, Lugansky, Kherson, Zaporizhhia tuyên bố trưng cầu dân ý, sáp nhập vào Nga. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ