A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chưa có đột phá trong đàm phán Nga-Ukraine

 

QPTĐ-Nga và Ukraine tiến hành cuộc đàm phán thứ tư kéo dài 4 tiếng đồng hồ tại Istanbul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 29/3) nhưng chưa có bước đột phá. Tuy nhiên, hai bên đã đem đến bàn hội nghị những đề xuất cụ thể, mang tính xây dựng. Đó là nhận định của Trợ lý Tổng thống Nga-Ông V.Medinsky, Trưởng phái đoàn Liên bang Nga tham gia đàm phán. 

Quan chức đàm phán của Nga (phải) và Ukraine bắt tay nhau tại vòng hòa đàm thứ hai ngày 3/3/2022. (Ảnh: Internet)

Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên trong 2 tuần qua, sau 5 tuần Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, kể từ ngày 24/2. Trước khi phái đoàn hai nước tiến hành đàm phán, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Erdogan đã tổ chức cuộc gặp gỡ và có bài phát biểu mang tính chất trung gian hòa giải. 

Trong tháng qua, hai bên đã tiến hành 3 vòng đàm phán tại Belarus. Mỗi bên đều tỏ thái độ cứng rắn, cương quyết bảo vệ quan điểm của mình.

Phát biểu với báo giới, ông V.Medinsky cho biết: Moskva đang thực hiện hai bước đối với Kiev và đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa hai Tổng thống Nga và Ukraine, đồng thời ký hiệp ước hòa bình ở cấp Bộ Ngoại giao. Cùng với đó, quân đội Nga sẽ giảm mạnh hoạt động tại các khu vực gần Kiev và Chernihiv. Nga đã nhận được đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một thỏa thuận giữa các bên “được xây dựng một cách rõ ràng. Moskva sẽ xem xét các đề xuất của Kiev trong thời gian tới”. Thể hiện rõ lập trường của mình, Nga đang thực hiện hai bước để giảm leo thang xung đột trên phương diện chính trị và quân sự.

Trước đó (ngày 28/3), Ngoại trưởng Nga S.Lavrov trả lời phỏng vấn Hãng tin Serbia cho biết, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Ukraine V.Zelensky chỉ diễn ra khi hai bên tiến gần hơn đến việc thống nhất các vấn đề quan trọng. “Chúng tôi đã lưu ý các vấn đề này từ nhiều năm nay nhưng phương Tây không lắng nghe chúng tôi. Bây giờ, họ đã lắng nghe”-Ông S.Lavrov nói. 

Theo đó, Nga nêu điều kiện chấm dứt chiến dịch tại Ukraine, nhấn mạnh đến yêu cầu Kiev phải phi quân sự hóa, phi phát xít hóa và bảo đảm trạng thái trung lập, không gia nhập NATO-liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu. Ngoài ra, Nga cũng yêu cầu chính quyền Kiev công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsky, Lugansky ở miền Đông Donbass và công nhận Crimea thuộc Nga. 

“Chúng tôi quan tâm đến cuộc đàm phán này. Trước hết là chấm dứt việc giết chóc dân thường vùng Donbass, vốn đã kéo dài suốt 8 năm qua. Ukraine không còn là một quốc gia thường xuyên được quân sự hóa trong nỗ lực nhằm đe dọa Nga”-Ngoại trưởng Nga S.Lavrov khẳng định. 

Ông O.Chaly, thành viên đoàn đàm phán Ukraine cho hay, Kiev chấp nhận duy trì quy chế trung lập và phi hạt nhân hóa với điều kiện được bảo đảm an ninh với một số quốc gia phương Tây bảo lãnh, “về nội dung và hình thức phải tương tự như Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương” (NATO). Chính quyền Kiev cũng đề nghị NATO, phương Tây hỗ trợ quân sự, thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ. Ukraine không cho phép lực lượng nước ngoài lập căn cứ quân sự, đưa binh sĩ đồn trú. Tuy nhiên, vẫn có các cuộc tập trận quân sự giữa Ukraine và đối tác với các nước tham gia bảo lãnh. Kiev vẫn thúc đẩy tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Phát  biểu với báo chí, Tổng thống Ukraine V.Zelensky cho biết: Ukraine đã gửi bản dự thảo đảm bảo an ninh tới một số nước, động thái mở đường cho việc đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga. 

“Chúng tôi cần sự đảm bảo an ninh từ các quốc gia hàng đầu cho Ukraine như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ”-Ông V.Zelensky nói.

Tuy nhiên, ông V.Zelensky lại tỏ ra tiếc rẻ khi NATO chậm trễ kết nạp Ukraine.

“Nếu chúng tôi gia nhập NATO sẽ khiến khối mạnh mẽ lên nhiều. Chúng tôi không phải là quốc gia yếu đuối. Chúng tôi là sự bổ sung, là một đầu tàu”. 

Lại một lần nữa, ông V.Zelensky kêu gọi Mỹ và phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho Kiev. “Hãy chuyển cho chúng tôi tên lửa, máy bay. Nếu các bạn không thể chuyển F-18 hay F-19 thì hãy chuyển cho chúng tôi các máy bay cũ từ thời Liên Xô. Hãy cho chúng tôi vũ khí để bảo vệ đất nước”. 

Theo nhận định của giới chức ngoại giao, dường như sự khác biệt giữa hai bên chính là vấn đề lãnh thổ. Trưởng phái đoàn Nga V.Medinsky cho biết, lập trường của Nga về vấn đề Crimea và Donbass là không thay đổi. Trong khi Chính phủ Kiev lại tuyên bố cứng rắn, “không chấp nhận việc đổi chủ quyền lãnh thổ lấy hòa bình” và mọi cam kết phải thông qua trưng cầu dân ý. Hiến pháp Ukraine ghi rõ, Chính phủ Kiev “có trách nhiệm phải thúc đẩy việc gia nhập EU và NATO”. 

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine trong hơn 1 tháng qua đã khiến hai bên gánh tổn thất nặng nề. Tướng S.Rudskoy, Cục trưởng Cục Tác chiến Quân đội Nga cho biết: Nga đã mất 1.350 binh sĩ, 3.825 người khác bị thương, hàng trăm phương tiện quân sự bị phá hủy. Trong khi đó, binh sĩ Ukraine tử nạn là 14.000 và 30.000 người bị thương, tương đương với 11,5% lực lượng. 

Toàn bộ 24 đơn vị lớn của Quân đội Kiev đề chịu tổn thất nặng nề bao gồm 65% xe tăng, xe bọc thép, 43% pháo và súng cối, 30% hệ thống tên lửa phóng loạt, 82% hệ thống tên lửa phòng không S-300, Buk-M2; 85% hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U cùng 3/4 số máy bay quân sự và 50% trực thăng của Kiev bị phá hủy. 

“Không quân Ukraine và hệ thống phòng không gần như bị phá hủy hoàn toàn. Lực lượng hải quân của nước này cũng không còn hoạt động”-Tướng S.Rudskoy cho biết. Nga đã tấn công vào 16 sân bay chính, phá hủy 39 kho chứa vũ khí và thiết bị, nơi tập trung 70% phương tiện quân sự, 1 triệu tấn đạn dược, đánh phá 30 nhà máy, tổ hợp công nghiệp-quân sự trọng điểm của Kiev. “Các nhà máy, khu công nghiệp quốc phòng của Ukraine đã cơ bản bị phá hủy”-Ông S.Rudskoy nói. 

Hậu thuẫn đồng minh và đối tác, Tổng thống Mỹ J.Biden (28/3) đề xuất chi ngân sách năm 2023, cấp 6,9 tỉ USD “giúp các đồng minh NATO và Ukraine, trước các hành động quân sự của Nga”. 

Trong tháng 3 vừa qua, Mỹ chi 2 tỉ USD hỗ trợ an ninh và thiết bị mới; 1 tỉ USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Mỹ, Anh và phương Tây cấp hàng trăm tấn vũ khí, thiết bị quân sự cho Kiev, kể cả xe tăng, pháo hạng nặng, thiết bị bay không người lái, tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không.

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ