A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châu Âu chạy đua mua sắm vũ khí, khí tài quân sự

 

QPTĐ-Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gần 1 tháng (kể từ ngày 24/2) đốt nóng châu Âu và thế giới. Mỹ, phương Tây và NATO gia tăng hậu thuẫn Kiev. Bất chấp việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres kêu gọi đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột chưa chấm dứt; nhiều nhà lãnh đạo phương Tây cảnh báo, sẽ nổ ra xung đột khu vực hoặc toàn cầu. 

Litva chuyển tên lửa Stinger cho Ukraine. (Ảnh: Internet)

Lập tức, nhiều quốc gia châu Âu đã mở hầu bao mua sắm vũ khí khủng đối phó với một cuộc chiến tranh, đồng thời với việc săn lùng, thu gom các loại vũ khí do Liên Xô sản xuất, chuyển đến Ukraine để quân đội Kiev đáp trả mạnh mẽ Moskva. 

Thị trường vũ khí toàn cầu sôi động hẳn lên và chỉ có các tập đoàn tư bản sản xuất, bán buôn vũ khí, khí tài quân sự (đứng đầu là Mỹ) hưởng lợi? 

Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu (EC) nhóm họp (10-11/3) bàn việc trừng phạt Nga và đối phó với bất ổn ở Lục địa già. EC đạt được thỏa thuận tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, cam kết sắm chung gói vũ khí, hưởng ứng kêu gọi của Pháp-Đức về việc thành lập “Quân đội châu Âu” mà trước đó, Tổng thống Mỹ D.Trump đã kịch liệt phản đối.

Ngay sau đó, Chính phủ Đức, Đan Mạch, Thụy Điển công bố kế hoạch tăng chi tiêu quân sự. Thủ tướng Đức O.Scholz cam kết đầu tư 112 tỉ USD cho lực lượng vũ trang Đức, đặt mua 35 tiêm kích thế hệ 5: F-35 của Mỹ và 15 tiêm kích Eurofighter (Đức) để thay thế máy bay Tornado (biên chế năm 1980) và F-18 Mỹ. Đức và Pháp thúc đẩy phát triển tiêm kích mới, xuất xưởng vào năm 2040.
Hiện, Hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất 3 loại tiêm kích: F-35A, F-35B, F-35C giành cho Không quân, Hải quân và Thủy quân Lục chiến, giá khoảng 100 triệu USD/1 chiếc. 

Theo Viện SIPRI công bố ngày 14/3, giai đoạn này, châu Âu tăng nóng (19%) xuất khẩu vũ khí, mặc dù thị trường xuất khẩu vũ toàn cầu giai đoạn 2017-2021 giảm 4,6%. Tuy nhiên, hằng năm, châu Âu vẫn tăng trưởng đáng kể, chiếm tỉ trọng cao trong các thương vụ buôn bán vũ khí toàn cầu: 10-13%. 

Châu Á và châu Đại Dương là khu vực nhập khẩu vũ khí chính chiếm 43% hoạt động chuyển giao vũ khí, trong đó có 6 nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới: Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pakistan. Doanh số xuất, nhập khẩu vũ khí thế giới, hằng năm khoảng 100 tỉ USD-Theo Viện SIPRI.

Sau sự kiện Crimea năm 2014, châu Âu tăng cường sức mạnh quân sự. Cuộc xung đột Nga-Ukraine, như ngòi nổ kích thích các nước châu Âu mua tiêm kích F-35 Mỹ, hệ thống tên lửa, pháo và vũ khí hạng nặng. Mấy năm qua, Trung Quốc giảm 5% tỉ trọng nhập khẩu vũ khí, thì khu vực Đông Á và châu Đại Dương giữ tốc độ tăng cao, lần lượt là 20% và 59%. 

Thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 là Trung Đông vẫn chiếm 32% sản lượng toàn cầu, trong đó Qatar nhập nhiều lô vũ khí khủng, tiếp đến là Arab Saudi, Iraq, Syria, UAE. Châu Phi, châu Mỹ giảm mạnh nhập khẩu, chỉ chiếm khoảng 6%. Ấn Độ và Arab Saudi giữ vị trí nhập khẩu số 1, chiếm 11%; Ai Cập 5,7%, Australia 5,4%, Trung Quốc 4,8%. 

Mỹ giữ ngôi vị số 1 xuất khẩu vũ khí toàn cầu (39%), Nga ở vị trí số 2, giảm xuống 19% (trước đó: 23-25%). Hiện, Mỹ và phương Tây áp hàng loạt lệnh cấm vận toàn diện Nga, tỉ lệ này sẽ còn giảm tiếp. Trong khi, Pháp xuất khẩu vũ khí-thứ ba (11%), Trung Quốc-thứ tư  (4,6%), Đức-thứ năm (4,5%).

Dự báo, châu Âu tăng cao về xuất, nhập khẩu vũ khí trong thời gian tới. “Châu Âu là điểm nóng mới. Châu Âu cần nhiều vũ khí mới và phần lớn trong số đó sẽ đến từ nhập khẩu”-Chuyên gia S.Wezeman (SIPRI) cho biết.

Phát biểu  tại Nhà Trắng (16/3), Tổng thống Mỹ J.Biden tuyên bố, cộng đồng quốc tế đang tập trung mọi nỗ lực nhằm hỗ trợ Ukraine và buộc “Nga phải trả giá đắt”. Mỹ đã viện trợ bổ sung trị giá 800 triệu USD cho Ukraine. Trong giai đoạn 2014-2021, Mỹ viện trợ an ninh cung cấp vũ khí, khí tài, huấn luyện cho quân đội Kiev tổng cộng hơn 2,5 tỉ USD. 

Gói viện trợ an ninh của Mỹ đợt này bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinder cùng nhiều loại vũ khí phòng thủ khác nhưng không cung cấp máy bay chiến đấu. “Gói viện trợ mới sẽ cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có, bao gồm 800 hệ thống phòng không, 9.000 hệ thống chống tăng, 7.000 vũ khí loại nhỏ, súng máy, súng trường, súng phóng lựu và cả máy bay không người lái. Mỹ cùng đồng minh và đối tác cam kết cung cấp vũ khí hỗ trợ cho Ukraine”-Tổng thống J.Biden nói. 

Hiện, Mỹ đang xem xét cung cấp cho Ukraine tên lửa dẫn đường tiên tiến của Mỹ, hệ thống phòng không tầm xa và đạn dược. Mỹ và NATO đang chuyển hệ thống tên lửa đất đối không cho Ukraine để hỗ trợ nước này nâng cao năng lực phòng thủ, bảo vệ không phận; kể cả hệ thống phòng không S-300 sản xuất từ thời Liên Xô. Ukraine kế thừa 250 hệ thống S-300 nhưng đến năm 2010 chỉ có 6 tổ hợp được đại tu.

Nga tuyên bố đã phá hủy 90% năng lực phòng không của Ukraine bao gồm hệ thống S-125, S-300, Buk-M1, gần 4.500 mục tiêu quân sự bị hủy diệt. 

Bộ trưởng Quốc phòng Canada A.Anand cho biết, đã chuyển cho Ukraine 4.500 bệ phóng roc ket, 100 bệ phóng chống tăng, 7.500 lựu đạn, 2.000 viên đạn, 2 máy bay chiến thuật C-130J. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia J.Nad (20/3) thông báo, NATO đã nhận được tổ hợp lá chắn tên lửa Patriot đến nước này.  Trước đó, Slovakia tuyên bố, sẽ chuyển ngay hệ thống S-300 cho Ukraine nếu NATO bù đắp lại về năng lực phòng thủ?

Tuần qua, Mỹ từ chối đề xuất của Ba Lan về việc chuyển 28 tiêm kích MiG-29 của Ba Lan cho Kiev thông qua Mỹ, bởi Nhà Trắng quan ngại, có thể kéo NATO vào nguy cơ xung đột với Nga. 

Tuy nhiên, Mỹ đã triển khai 10 vạn binh sĩ ở châu Âu-số lượng lớn nhất trong 20 năm qua, trong đó có 4 vạn quân đặt dưới sự chỉ huy của NATO. “Nếu Nga tấn công bất cứ thành viên nào của NATO, Mỹ sẽ đáp trả. Điều đó có nghĩa là, khởi đầu một cuộc xung đột toàn cầu”-Tổng thống J.Biden tuyên bố. 

Ngày 18/3, tiêm kích MiG-31 Nga phóng tên lửa siêu âm Kinzhal Mach-10 phá hủy các kho đạn của Kiev. “Chứng tỏ họ có vũ khí uy lực, có thể mang đầu đạn hạt nhân và không nên dồn Nga vào chân tường”-chuyên gia Koffler nhận xét.

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ