Nga tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng
QPTĐ-Trả lời phỏng vấn báo Polit Expert, chuyên gia quân sự Nga K.Igor cho rằng, Quân đội Nga đang ở thời kỳ mạnh nhất trong 30 năm qua, kể từ khi Liên Xô sụp đổ (1991) và đang trở thành nhà cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự chính cho các nước trên thế giới.
Cuối năm 1991, Liên Xô tan rã, Liên bang Nga chỉ là một trong 15 nước cộng hòa mới, thừa hưởng nhiều vũ khí của Hồng quân Liên Xô. Ngân sách quốc phòng Nga giảm mạnh do khủng hoảng kinh tế kéo dài suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, càng trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 khiến Các lực lượng vũ trang Nga cũng suy giảm về quy mô, suy yếu trên nhiều thực lực.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-500 của Nga. (Ảnh: Internet)
Sau hai thập niên xây dựng lại, từ năm 2000, bắt đầu là công cuộc cải cách và tái đầu tư nền kinh tế, Điện Kremlin đã biến Quân đội Nga trở thành lực lượng hùng mạnh nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mặc dù quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với Hồng quân Liên Xô.
“Khi kết hợp với chính sách đối ngoại quyết đoán hơn của Moskva, Các lực lượng vũ trang Nga vào năm 2020 đã tạo thành một khả năng không thể bỏ qua. Vị trí cường quốc thế giới của Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức mới từ các quốc gia như Nga, Trung Quốc mà nước này coi là “các cường quốc xét lại”. Điện Kremlin đang tìm cách thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Moskva, trong khi làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ và trật tự quốc tế”-Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nhận định tại “Hồ sơ chiến lược” vừa công bố.
Theo IISS, Quân đội Nga thực sự “thay máu” sau “cuộc chiến 5 ngày” với Gruzia năm 2008, khi Nga đưa binh sĩ bảo vệ các nhóm quân nổi dậy ở 2 nước cộng hòa ly khai thuộc bang Causasia-Abkhazia và Nam Ossetia.
Để thích hợp với cuộc chiến tranh hiện đại, Quân đội Nga tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng. Đó là Chương trình cải cách “Diện mạo mới” theo định hướng, chỉ huy đơn giản hóa, ưu tiên các lữ đoàn làm nòng cốt của quân đội, tăng cường tính chuyên nghiệp và năng lực chiến đấu.
Nga đã thành công trong việc hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu và nhanh chóng ứng dựng công nghệ mới tiên tiến, tăng tính hiệu quả của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật. Một loạt các vũ khí mới, hiện đại hàng đầu thế giới được sản xuất, đưa vào biên chế, có ý nghĩa quyết định đến gia tăng sức mạnh quân đội.
Đó là tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M, xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 của Lục quân; tên lửa hành trình 3M14 Kalibr và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Project 955 Borei thuộc Hải quân; máy bay chiến đấu thế hệ 4,5: Su-35S, máy bay siêu âm tàng hình thế hệ 5: Su-57 cũng như máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-160, Tu-95 cải tiến có thể mang bom nguyên tử, tên lửa đạn đạo siêu thanh, được trang bị trong Lực lượng hàng không vũ trụ.
Bộ ba hạt nhân tấn công chiến lược Nga không chỉ được chú trọng tăng cường hiện đại hóa các hạm đội tàu ngầm hạt nhân, máy bay tấn công chiến lược tầm xa mà vũ khí siêu thanh đã được đưa vào biên chế của Lực lượng tên lửa chiến lược với các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (mang đầu đạn thông thường, đầu đạn hạt nhân) phóng từ các silo sang các bệ phóng di động.
Trên nền tảng S-400, hệ thống phòng không đa năng S-500 được sản xuất, đưa vào biên chế Quân đội Nga năm 2021. S-500 có bán kính đánh chặn 600 km, phát hiện và tiêu diệt một lúc 10 mục tiêu đạn đạo siêu thanh bay với tốc độ 7 km/s, đồng thời có thể tiêu diệt đầu đạn của tên lửa siêu thanh. Sau khi ra mắt tên lửa siêu thanh Avangavd, tốc độ Mach-27 (số 1 thế giới) và tên lửa siêu thanh Kinzhal (Dao găm); Nga đưa tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh Zircon, tốc độ Mach 8-10 vào biên chế trên các tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm, tàu khu trục, tàu tuần dương, khiến đối phương không thể chống đỡ. Hiện, Mỹ chưa có vũ khí siêu thanh.
Nga vừa thử thành công tổ hợp ICBM Sarmat (Sa-tăng) thế hệ mới, có sức tấn công tương đương 10 đầu đạn hạt nhân, sức công phá cỡ megaton (1 triệu tấn thuốc nổ TNT), có khả năng xóa sổ một diện tích bằng nước Pháp hoặc bang Texas (Mỹ).
Mấy năm gần đây, Nga chi ngân sách quốc phòng khoảng 65 tỉ USD/năm, đứng đầu châu Âu (thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ), bằng 1/4 Trung Quốc, 1/11 Mỹ (700 tỉ USD năm 2020 và 760 tỉ USD năm 2021). Nhưng xét về năng lực chiến đấu, tính chuyên nghiệp, hiệu quả chiến đấu thì ngân sách quốc phòng Nga đầu tư, đúng là “đáng đồng tiền, bát gạo”. Thực tế, cuộc chiến ở Syria vừa qua đã chứng tỏ tính ưu việt, hiệu quả của vũ khí, thiết bị quân sự Nga. Điều này, không chỉ làm gia tăng sự ngưỡng mộ, sức mạnh của các lực lượng vũ trang Nga mà còn mở đường cho hàng trăm các hợp đồng mua bán vũ khí.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga A.Fomin cho biết: Năm 2019, Nga đã xuất khẩu 15,2 tỉ USD vũ khí và thiết bị quân sự cho hơn 50 quốc gia. Từ năm 2015, Nga ký khoảng 50-60 tỉ USD/năm hợp đồng bán vũ khí, xuất khẩu thực tế 14-15 tỉ USD/năm. Hơn 100 quốc gia ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh là khách hàng truyền thống của Liên Xô (nay là Nga); trong đó, các nước trong Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO)-anh em thuộc Liên Xô luôn được Nga hỗ trợ đáng kể.
Đáng chú ý, Trung Quốc, Ấn Độ-các cường quốc quân sự, chi ngân sách quốc phòng lớn (thứ 2, thứ 3 thế giới), vừa là bạn hàng, vừa là đối tác hợp tác, liên doanh sản xuất vũ khí với Nga. Gần đây, hệ thống phòng không S-400 Nga không chỉ hấp dẫn Trung Quốc, Ấn Độ mà còn có hơn chục các quốc gia “thân Mỹ” tìm đến Nga như Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, UAE, Ai Cập, Algeria…
Sau khi tiếp nhận hệ thống S-400 trị giá 2,5 tỉ USD (năm 2019), Thổ đàm phán mua lô “rồng lửa” thứ 2 của Nga, bất chấp Mỹ và NATO đe dọa trừng phạt.
Hiện, hệ thống S-400, S-500; xe tăng T-72B, T-14; máy bay tiêm kích đa năng Su-35S, Su-57; tên lửa siêu thanh của Nga đang khá hấp dẫn trên thị trường vũ khí, được xem là “đắt như tôm tươi” trong thời gian tới.
NHẬT MINH