A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga chính thức hủy Hiệp ước Bầu trời mở

 

QPTĐ-Bộ Ngoại giao Nga (15/1) ra tuyên bố, Nga chính thức làm thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST), bước tiếp theo sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước này vào tháng 11/2020. 

Hiệp ước Bầu trời mở cho phép các quốc gia tiến hành các chuyến bay giám sát đặc biệt trên lãnh thổ của nhau. (Ảnh: Internet)

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết vào năm 1992, có hiệu lực năm 2002, cho phép 35 quốc gia; trong đó có Mỹ, Canada, châu Âu bao gồm hầu hết các nước thành viên NATO, Ukraine, Nga, Belarus. Hiệp ước quy định, các nước thành viên OST, được phép tiến hành các chuyến bay giám sát đặc biệt trên lãnh thổ của nhau để kiểm soát các hoạt động quân sự, công khai việc tái bố trí lực lượng vũ trang hoặc các động thái chuẩn bị cho các hoạt động quân sự. 

Mỗi năm, Nga, Mỹ và các nước tổ chức hàng chục chuyến bay kiểm soát, giám sát lãnh thổ của nhau. Đây được xem là động thái nhằm minh bạch các hoạt động quân sự, quốc phòng giữa Nga, Mỹ và châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. 

Tuy nhiên, vào tháng 5/2020, Tổng thống Mỹ D.Trump phát đi tuyên bố: Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước OST trong 6 tháng tới bởi “Nga đã vi phạm các điều khoản thỏa thuận” mà không hề đưa ra được dẫn chứng nào có sức thuyết phục. 

Trước đó, Mỹ cũng đơn phương phương tuyên bố, rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Nga-Mỹ ký năm 1987 với lý do “Nga vi phạm hiệp ước”. Mỹ cũng không có ý định gia hạn Hiệp ước START-3 về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (Nga-Mỹ) sẽ hết hạn vào tháng 2/2021 tới, bất chấp các đề nghị từ phía Nga. Và ngày 22/11/2020, Mỹ đã hoàn tất thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. 

Phía Mỹ cho rằng, Nga đã “sử dụng Bầu trời mở như một công cụ cưỡng bức quân sự”. Các chuyên gia quân sự Moskva đã lắp đặt, sử dụng các thiết bị kỹ thuật tình báo quân sự hiện đại, soi chiếu các căn cứ quân sự Mỹ và các nước; trong khi Nga không cấp phép cho các thành viên OST bay qua, giám sát vùng lãnh thổ Kaliningrad, vùng tiếp giáp với Ba Lan và các nước Baltic. Khu vực này được NATO xác định là căn cứ quân sự mạnh của Nga, được triển khai hệ thống tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tên lửa liên lục địa mang vũ khí thông thường và có thể mang đầu đạn hạt nhân, bất chấp việc Nga đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ.

Ngay sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, Phó phát ngôn của NATO P.Kazalet (16/1) lớn tiếng cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận: “NATO quy trách nhiệm cho Nga trong việc phá hoại Hiệp ước Bầu trời mở, làm suy yếu những đóng góp của Hiệp ước này đối với an ninh và ổn định khu vực châu Âu-Đại Tây Dương”. Tuy nhiên, NATO vẫn cam kết đối thoại với Nga về kiểm soát vũ khí-P.Kazalet nói. 

Tại Paris, Bộ Ngoại giao Pháp đưa ra thông báo: “Chúng tôi hy vọng Nga sẽ xem xét lại quyết định của mình, vì quyết định này không chỉ làm sụp đổ bản thân Hiệp ước mà còn phá hỏng những nỗ lực chung của chúng ta trong việc xây dựng lòng tin đối với nhau và củng cố an ninh tập thể”. 
Bộ Ngoại giao Anh cũng cho hay: “Vương quốc Anh kêu gọi Nga xem xét lại quyết định của mình, trở lại tuân thủ Hiệp ước một cách hoàn toàn và đầy đủ; đồng thời, đóng góp một cách xây dựng cùng các bên tham gia Hiệp ước”. 

Ngày 16/1, Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố: “Chúng tôi lấy làm tiếc khi biết tin Nga đang chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Đây là một đòn mạnh giáng vào cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu và nó có tác động cụ thể đến an ninh và lòng tin ở Bắc Bán cầu”. Tuy vậy, chính quyền Berlin cam kết, trong mọi trường hợp, vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, vũ khí thông thường tại châu Âu. 

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cho hay: Vai trò của Hiệp ước Bầu trời mở như một công cụ để xây dựng lòng tin và an ninh nhưng từ tháng 11/2020, Mỹ rút khỏi Hiệp ước với lý do xa vời, do đó làm xáo trộn lòng tin đáng kể cán cân lợi ích của các quốc gia tham gia vốn được ký kết Hiệp ước, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động. Các chuyên gia quân sự Nga đã phân tích việc Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước này.

Theo quan điểm của Thiếu tướng S.Lipovoy, Anh hùng Quân đội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tổ quốc toàn Nga-Sỹ quan của nước Nga: “Trên thực tế, Hiệp ước Bầu trời mở đã không còn tồn tại kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi OST. Còn các nước châu Âu, dù các nhà lãnh đạo này có nói gì đi chăng nữa thì họ cũng đều phải tuân theo quyết định của Mỹ. Nga đã không còn cách nào khác là phải chấp nhận những quy tắc chơi mới”. 

Trung tướng Y.Buzhinsky, nguyên Cục trưởng Cục Hiệp ước quốc tế, Bộ Quốc phòng Nga đưa ra nhận định: “Người châu Âu và người Mỹ cùng có một trung tâm phân tích, xử lý thông tin từ các chuyến bay thanh sát trên lãnh thổ Nga, sử dụng chung, duy nhất đóng ở Brussels (Bỉ) do Mỹ quản lý trung tâm đó. Vì vậy, họ không cần phải hỏi ai cả. Đơn giản là họ lấy thông tin từ người châu Âu, thế là xong. Vì thế, chúng ta rút khỏi thỏa thuận là vấn đề mang tính nguyên tắc”.

Thận trọng tham khảo ý kiến các quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tướng lĩnh cấp cao Nga, Tổng thống V.Putin đã có quyết định quan trọng vì lợi ích của Moskva. Tất nhiên, điều này gây khó chịu cho châu Âu, bởi trong nhiệm kỳ ông D.Trump làm Tổng thống Mỹ, cái đích hướng tới của Mỹ và châu Âu không phải lúc nào cùng đồng nhất.

Trả lời các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có nhiều thành viên NATO  về việc đề nghị Nga tiếp tục tham gia OST mặc cho Mỹ rút khỏi Hiệp ước, ông V.Putin nói: “Vâng. Thật xin chào thua các vị! Quả đúng là một bộ phim hay! Tất cả các vị đều là thành viên NATO, có nghĩa là các vị sẽ vẫn được bay trên lãnh thổ Nga và chuyển mọi thông tin thu thập được cho người Mỹ. Còn chúng tôi sẽ không thể làm được điều đó, vì chúng tôi vẫn tham gia thỏa thuận? Vì vậy, xin tất cả chúng ta (cả Nga và các nước châu Âu) đừng chơi trò giả vờ làm thằng ngu ngốc nữa. Hãy nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn”. 

Xung đột trong quan hệ Mỹ-Nga đang đẩy mối quan hệ châu Âu-Nga căng thẳng!

  NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ