NATO bất đồng trong việc bảo vệ an ninh EU?
QPTĐ-Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) J.Stoltenberg, tuần qua, đưa ra cảnh báo, Liên minh châu Âu (EU) không thể tự bảo vệ được mình nếu không có sự hỗ trợ của khối quân sự NATO.
NATO tổ chức cuộc tập trận đa quốc gia mang tên Steel Brawler ở Latvia. (Ảnh: Internet)
Tuyên bố trên của người Thường trực điều hành NATO không có gì mới dưới thời Tổng thống D.Trump nhưng được nhắc lại sau hơn 1 tháng Tổng thống J.Biden cầm quyền khiến các nước EU không thể bỏ qua, nhất là sau cam kết của Tổng thống Mỹ tại Hội nghị G-7 và Hội nghị An ninh Munich (2/2021) về củng cố liên minh Mỹ-châu Âu.
Theo đó, ông J.Stoltenberg đưa ra nhận xét: “Một EU chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, đầu tư vào các năng lực mới và giảm bớt sự phân tán của ngành công nghiệp quốc phòng, không chỉ tốt cho an ninh châu Âu mà còn có lợi cho an ninh xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, EU không tự một mình bảo vệ châu Âu. Hơn 90% công dân EU sống ở các quốc gia thành viên NATO, song các nước thành viên EU chỉ đóng góp 20% chi tiêu quốc phòng của NATO. 21 nước thành viên của EU cũng là thành viên của NATO”.
Cảnh báo của Tổng Thư ký NATO đưa ra trong bối cảnh một số nhà lãnh đạo EU đang thúc đẩy khối liên minh này phát triển sự tự chủ chiến lược hơn, dường như muốn thiết lập sự cạnh tranh giữa Brussels và Washington.
Tuần qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ch.Michel cũng đưa ra tuyên bố, EU muốn hành động một cách chiến lược hơn nhằm bảo vệ lợi ích và thúc đẩy các giá trị của chính mình. Tuy nhiên, ý định của các nhà lãnh đạo EU và khả năng thực hiện lại là khoảng cách không hề nhỏ, kể cả việc thoát ly sự phụ thuộc vào Mỹ.
Dưới thời Tổng thống D.Trump, chính sách “Nước Mỹ trên hết” đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ trong đó có các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc quan ngại khi Nhà Trắng đòi tăng “phí bảo vệ an ninh”?
Tổng thống D.Trump không dưới một lần, yêu cầu các thành viên NATO (ám chỉ Đức, Anh, Pháp) phải chi đủ 2% GDP/năm cho ngân sách quốc phòng, thậm chỉ có thể tăng lên 4%, san sẻ gánh nặng ngân sách với Mỹ. Hiện, Mỹ đang phải chi gần 80 % ngân sách NATO? Nhà Trắng không bằng lòng với các thành viên NATO ngó lơ vũ khí Mỹ, lại thương thảo mua vũ khí, thiết bị quân sự của Nga, Trung Quốc. Các đời Tổng thống Mỹ luôn đặt Nga vào vị trí “kẻ thù số 1” nên không thể chịu được sự hợp tác của châu Âu với Nga, ví như dự án về dầu khí, năng lượng.
Năm 2020, Pháp và Đức đưa ra sáng kiến thành lập “Quân đội châu Âu” nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và NATO, tự chủ hơn về chiến lược an ninh trong tình hình mới. Tuy nhiên, động thái trên của hai quốc gia chủ chốt, có ảnh hưởng lớn trong khối EU, đồng thời là thành viên NATO, bị Mỹ phản ứng gay gắt. Tổng thống D.Trump tuyên bố: “Thay vì thành lập quân đội riêng, tốt nhất, họ nên trả đủ chi phí bảo vệ an ninh cho Mỹ”. Đáp lại, Tổng thống Pháp E.Macron chỉ trích: “NATO chết não!”
Hiện, Mỹ có khoảng 251.000 nhân viên quân sự, dân sự đóng tại 800 căn cứ ở 160 nước, chi ngân sách quốc phòng 750 tỉ USD/năm (2020, 2021). Khối NATO có khoản ngân sách quốc phòng 1.000 tỉ USD (2020) tăng lên 1.100 tỉ USD (2021), trong khi tổng ngân sách của các đồng minh châu Âu tại NATO là 239,1 tỉ USD (năm 2020). Đại dịch Covid-19 tàn phá Mỹ và châu Âu cũng là khó khăn lớn cho EU và NATO trong việc chia sẻ nguồn tài chính trong thời gian hiện tại.
Năm qua, Mỹ yêu cầu Nhật Bản chi trả phí an ninh 8 tỉ USD/năm cho 38.000 binh sĩ đồn trú tại 113 căn cứ trên đất nước Mặt trời mọc cũng như Hàn Quốc phải chi 5 tỉ USD cho 28.500 binh sĩ Mỹ đóng ở 83 căn cứ nhằm “đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, Triều Tiên”. Tuy nhiên, Hàn Quốc chỉ chấp nhận con số 800 triệu USD (năm 2019) và 1 tỉ USD (năm 2020).
Tương tự, Mỹ yêu cầu Đức phải chi trả hàng chục tỉ USD cho khoảng 50.000-52.000 lính Mỹ đồn trú luân phiên tại 172 căn cứ, trong đó có nhiều sở chỉ huy khu vực. Đức cho rằng, binh sĩ Mỹ đồn trú ở Đức và châu Âu đã bao gồm bảo vệ cả lợi ích của Mỹ và chiến lược toàn cầu hóa của “Chú Sam”. Berlin chỉ có thể chi không quá 1 tỉ USD/năm cho phía Mỹ, bởi chính các công ty Đức cũng tạo ra không dưới 0,7 triệu việc làm cho công dân Mỹ.
Bị chính quyền Berlin phản ứng, Tổng thống D.Trump tuyên bố, sẽ rút 25.000 quân khỏi Đức. Nhưng, điều khiến Ông chủ Nhà Trắng, kể cả D.Trump và J.Biden, bận tâm chính là sự hợp tác của Berlin với Moskva triển khai “Dòng chảy phương Bắc-2” công suất 55 tỉ m3 khối khí đốt từ Nga sang Đức đi châu Âu, hoàn thành vào quý I/2021, khiến kế hoạch bán khí hóa lỏng của Mỹ cho Lục địa già lâm vào tình trạng phá sản.
Nhậm chức Tổng thống thứ 46 nước Mỹ, ông J.Biden đưa ra chính sách “Nước Mỹ trở lại”, xóa sổ hàng loạt chủ trương chiến lược của người tiền nhiệm D.Trump, cũng có nghĩa là, kết liễu chính sách “Nước Mỹ trên hết”!
Tổng thống J.Biden “trình làng” tại Hội nghị trực tuyến G-7 và Hội nghị An ninh Munich (19/2) vừa qua với tuyên bố: Mỹ sẽ trở lại vai trò lãnh đạo thế giới. Mỹ luôn là đồng minh tin cậy của châu Âu, EU và NATO.
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Mỹ và EU có thể được thúc đẩy hay không còn phụ thuộc vào việc nước Mỹ có vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 như thế nào. Hẳn, ông J.Biden không thể ngồi yên cho Nga, Trung Quốc trỗi dậy hoặc bỏ rơi đồng minh châu Âu.
Thay vào đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Austin và Ngoại trưởng A.Blinken có chuyến công du châu Á (10-18/3), đến Ấn Độ rồi dự “Đối thoại 2+2” Nhật Bản, Hàn Quốc. Các quan chức cấp cao Mỹ có kế hoạch thăm Trung Quốc, đối thoại về quan hệ Mỹ-Trung, thực thi chính sách đối ngoại mềm dẻo của tân Tổng thống J.Biden. Vậy là, Mỹ đâu có thể lơ là hợp tác NATO-châu Âu, chưa kể các mối quan hệ hợp tác khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
HÀ NGỌC