A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ tăng cường hợp tác với đồng minh Nhật Bản

 

QPTĐ-Thủ tướng Nhật Bản Y.Suga có chuyến thăm 4 ngày đến Mỹ (15-18/4), trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm xứ sở Cờ hoa kể từ khi Tổng thống J.Biden nhậm chức (20/1). Đây là chuyến công du nước ngoài thứ 2 của Thủ tướng Nhật Y.Suga sau chuyến đi lần đầu, thăm Việt Nam dịp cuối năm 2020.

Tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản tham gia tập trận chung. (Ảnh: Internet)

Sau khi đặt chân đến Washington, ngày 16/4, tại Nhà Trắng, Tổng thống J.Biden tổ chức đón tiếp trọng thị và tiến hành hội đàm với Thủ tướng Y.Suga.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về đại dịch Covid-19, đánh giá chính sách của Mỹ về Triều Tiên, an ninh khu vực, khủng hoảng khí hậu, công nghệ 5G và trọng tâm là mối quan hệ với Trung Quốc-Một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết. 

Qua thảo luận, Mỹ và Nhật Bản nhấn mạnh cam kết chung nhằm duy trì hòa binh và ổn định; đồng thời, thực hiện các bước xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn những hành động khiêu khích. 

Tổng thống J.Biden “gửi tín hiệu rõ rằng” đến Trung Quốc bằng cuộc gặp cấp cao với Nhật Bản, khẳng định rằng, những bước đi của Bắc Kinh bao gồm các hành động trong Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan gần đây, là “trái ngược với sứ mệnh duy trì hòa bình và ổn định”. Mỹ cũng nhận ra mối quan hệ kinh tế và thương mại sâu sắc gữa Tokyo và Bắc Kinh; đồng thời, tôn trọng việc Thủ tướng Y.Suga muốn thực hiện các bước đi thận trọng. 

Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Nhật diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc, Mỹ-Nga đang căng thẳng, có mục đích chung là đưa liên minh hai nước lên một tầm cao mới không chỉ về an ninh, đối ngoại mà còn cả về kinh tế, công nghệ và các vấn đề khác. 

Tại cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản, tại Vườn Hồng (ngày 16/4), sau khi kết thúc đàm phán, ông J.Biden phát biểu với báo chí: “Chúng tôi cam kết làm việc với nhau để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, giải quyết các vấn đề như Hoa Đông, biển Đông cũng như Triều Tiên để đảm bảo trong tương lai của một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do”.

Theo đó, Mỹ và Nhật Bản đã ra mắt một hợp tác mới mang tên Thỏa thuận hợp tác cạnh tranh và phụ thuộc (CORE) nhằm nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức của thời đại, trong đó có đối phó với đại dịch. Hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực tiêm chủng và đối phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển hệ thống 5G đáng tin cậy, tăng cường hợp tác về chuỗi cung ứng đối với một số lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn, hợp tác nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo. Mỹ sẽ đầu tư 2,5 tỉ USD, Nhật góp 2 tỉ USD nhằm phát triển, triển khai mạng 5G cùng các mạng di động thế hệ kế tiếp.

Tổng thống J.Biden một lần nữa khẳng định sự “cam kết của Mỹ bảo vệ an ninh, lãnh thổ Nhật Bản” theo thỏa thuận Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. 

Trong Tuyên bố chung: “Quan hệ đối tác toàn cầu Mỹ-Nhật cho kỷ nguyên mới”, sau Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống J.Biden và Thủ tướng Y.Suga, đã đề cập đến “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật khuyến khích giải quyết các vấn đề xuyên eo biển Đài Loan một cách hòa bình. Đây là “điểm nổ”, gây bất bình với Trung Quốc.

Thủ tướng Y.Suga mô tả, đây là quan điểm mang tính chỉ đạo cho liên minh hai nước. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai nước đề cập đến vấn đề Đài Loan trong một tuyên bố chung kể từ năm 1969, tương tự bình luận giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ-Nhật diễn ra hồi tháng trước. 
Đặc biệt, Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng gây căng thẳng trên biển Đông, gây áp lục mạnh mẽ lên Đài Loan-hòn đảo mà Bắc Kinh luôn khẳng định quyền kiểm soát. Trong khi Bắc Kinh khẳng định: “Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng ta sẵn sàng thống nhất toàn vẹn đất nước, kể cả dùng vũ lực”-Các nhà lãnh đạo Trung Hoa tuyên bố.

Chuyến thăm cấp cao Nhật-Mỹ và Tuyên bố chung Mỹ-Nhật được dư luận quốc tế hết sức quan tâm. 

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản K.Kato cho biết: “Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Nhật rất có ý nghĩa, bởi nó chứng tỏ với thế giới về sự đoàn kết của liên minh Mỹ-Nhật và cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Kỳ vọng, cuộc gặp là cơ hội quý báu để hai nhà lãnh đạo làm sâu sắc hơn quan hệ tin cậy cá nhân”. 

Phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in Kang Min-seok đưa ra thông tin, sau cuộc gặp cấp cao Mỹ-Nhật, vào tháng 5 tới, sẽ diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Hàn Quốc để thảo luận, nỗ lực ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên. 

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo người đồng cấp Nhật Bản, không để quan hệ Trung-Nhật bị ảnh hưởng bởi “cuộc đối đầu giữa các nước lớn”. 

Giáo sư A.Takahara, chuyên gia về Trung Quốc (Trường Đại học Tokyo) bình luận: “Sự ủng hộ của Nhật Bản đối với sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương ngày càng tăng nhưng nền kinh tế Nhật gắn liền với nền kinh tế Trung Quốc. Điều đó có nghiã là, ngay cả khi lo ngại về an ninh, Nhật Bản vẫn phải thực hiện cách tiếp cận hai chiều để cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác”. 

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Nhật Y.Suga tuyên bố: “Chúng tôi nhất trí phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức ở biển Đông và Hoa Đông, cũng như các hành vi đe dọa các nước khác trong khu vực. Đồng thời, chúng tôi nhất trí về sự cần thiết của mỗi nước trong việc tham gia đối thoại thẳng thắn với Trung Quốc”. 

Theo các chuyên gia Nhật Bản, chuyến thăm của Thủ tướng Y.Suga đến Mỹ được cho là khá thành công trong tiến trình thắt chặt mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật; đồng thời, Mỹ tái khẳng định, cam kết duy trì chiến lược an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bất chấp các sóng gió mới nổi. 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ