A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phát triển vũ khí tác chiến vũ trụ

QPTĐ-Vũ trụ đang được coi là lĩnh vực chiến lược trong thời đại kỹ thuật và công nghệ phát triển như vũ bão. Chính vì vậy, các cường quốc quân sự đã thành lập lực lượng vũ trụ, phát triển nhiều loại vũ khí mới.

Mô phỏng một vụ tấn công từ vũ trụ. 

Ảnh: Popular Mechanics

Mỹ hiện sở hữu số lượng vệ tinh nhiều nhất thế giới với 803 vệ tinh các loại, trong đó có 200 vệ tinh quân sự và 31 vệ tinh định vị toàn cầu (GPS). Tháng 2/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành “Chính sách vũ trụ”. Tháng 8/2019, Mỹ chính thức thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ, bao gồm 87 đơn vị được bố trí theo chiến lược địa-chính trị của Mỹ, có bốn chức năng chính, đó là cung cấp định vị dẫn đường vệ tinh; kịp thời thông tin, cung cấp kỹ thuật và bảo đảm an ninh cho lực lượng bộ binh Mỹ; bảo vệ tài sản Mỹ trên quỹ đạo không gian, ngăn chặn nước ngoài phá hoại vệ tinh của Mỹ; giám sát và cảnh báo hoạt động phóng tên lửa của các nước khác.

 Đối với Trung Quốc, tác chiến vũ trụ đã trở thành một môi trường cạnh tranh khốc liệt mới giữa các cường quốc quân sự, hình thái chiến tranh đã chuyển dần sang thời đại thông tin hóa. Trung Quốc coi vũ trụ là một lĩnh vực quân sự trọng yếu. Giành quyền kiểm soát trong hoạt động tác chiến tấn công và phòng thủ vũ trụ là yếu tố hết sức quan trọng của mục tiêu chiến lược quân sự Trung Quốc. Giới chức quân sự Trung Quốc đều hết sức coi trọng năng lực tác chiến vũ trụ, triệt để lợi dụng ưu thế trong môi trường tác chiến này để giành ưu thế chiến lược trước Mỹ nếu như hai nước xảy ra xung đột.

Trung Quốc là quốc gia vận hành vệ tinh nhiều thứ hai thế giới. Trong số hơn 700 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo của Trung Quốc, có 347 vệ tinh là phương tiện tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) của quân đội Trung Quốc, cung cấp khả năng quang học, ra-đa và tần số vô tuyến để theo dõi lực lượng chung trên toàn thế giới. Tháng 12/2015, Trung Quốc đã thành lập “Lực lượng chi viện chiến lược”, với mục tiêu là nhất thể hóa sức mạnh hàng không và vũ trụ, tăng cường khả năng tác chiến phòng thủ, tiến công đồng thời trên không gian vũ trụ. Trung Quốc chi khoản ngân sách 13 tỷ USD/năm để phục vụ nghiên cứu.

Nga vẫn tiếp tục trở thành đối thủ lớn nhất của Mỹ trong tác chiến vũ trụ, với nền tảng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng tác chiến vũ trụ từ thời Liên Xô. Nga đang tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa đối với lực lượng tác chiến vũ trụ. Trong đó, các chương trình phát triển vũ khí chống tác chiến vũ trụ đã trở thành một mục tiêu nhất quán và quan trọng nhất của nước này. Các lực lượng không gian của Nga đã và đang thử nghiệm và trang bị vũ khí chống vệ tinh trên quỹ đạo, nghiên cứu về khả năng tác chiến vũ trụ trên diện rộng cũng như tên lửa, thiết bị gây nhiễu và la-de chống vệ tinh trên mặt đất. Quân đội Nga cũng đang nghiên cứu tên lửa chống vệ tinh phóng từ trên không. Mạng lưới vệ tinh của Nga cung cấp thông tin tình báo, ngắm bắn mục tiêu chính xác và thông tin liên lạc.

TRƯỜNG GIANG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ