A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhật Bản phát triển tên lửa hành trình chống tàu tầm xa thế hệ mới

QPTĐ- Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo đã ký 4 hợp đồng trị giá 2,3 tỉ USD với Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) và Kawasaki (KHI) để phát triển tên lửa hành trình chống tàu tầm xa, bao gồm cả đầu đạn siêu thanh. Trong đó, đáng chú ý nhất là hợp đồng nghiên cứu và phát triển một loại tên lửa hành trình đất đối hải mới (SSM-3), trị giá 243 triệu USD.

Tên lửa hành trình SSM-3 của Nhật Bản.

Dự án tên lửa chống tàu mới SSM-3 sẽ sử dụng công nghệ tên lửa hành trình tầm xa tiên tiến và công nghệ cơ động cao trên mặt biển. Nghiên cứu phát triển tên lửa SSM-3 được bắt đầu vào năm tài chính 2018, tới năm tài chính 2023, Nhật Bản đã phát triển một nguyên mẫu tên lửa đa nhiệm tầm xa, có tiết diện phản xạ tín hiệu ra-đa thấp (RCS) và cơ động cao. Bằng giải pháp mô-đun hóa đầu tìm và đầu đạn của tên lửa, Nhật Bản đặt mục tiêu cho phép hoán đổi các bộ phận này của tên lửa hành trình, tùy thuộc vào mục đích sử dụng tên lửa. Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch hoàn thành dự án này vào cuối năm tài chính 2027 với mục đích sớm đưa tên lửa SSM-3 vào sẵn sàng chiến đấu.

Tên lửa SSM-3 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly cực xa, từ 1.000km (phiên bản tiêu chuẩn) cho đến 2.500km (phiên bản tăng tầm). Tên lửa SSM-3 sử dụng động cơ phản lực cánh quạt KJ300 do Tập đoàn KHI sản xuất. Tên lửa SSM-3 được phát triển dựa trên nguyên mẫu tên lửa chống hạm siêu thanh phóng từ máy bay ASM-3, nhưng xét về cấu trúc, nó khác cơ bản so với những loại được thiết kế trước đây và đang phục vụ trong Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản. Tên lửa SSM-3 sẽ được trang bị cho các đơn vị chống tàu trên đất liền thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản, bổ sung cho những tổ hợp tên lửa Type 80 tầm gần (tầm bắn tối đa 150km) và Type 12 phiên bản cũ với tên lửa SSM-2 (tầm xa 250km).

Theo tài liệu mua sắm chính thức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, việc sản xuất hàng loạt tên lửa chống tàu SSM-3 dự kiến chỉ bắt đầu vào năm 2026. Nhưng do tình hình khu vực có nhiều biến động, việc sản xuất hàng loạt và bàn giao hệ thống đầu tiên sẽ diễn ra trước khi quá trình phát triển hoàn tất vào năm 2025, tức là vũ khí trên sẽ được hoàn thiện trong điều kiện thực tế. Hiện tại, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản không có trong biên chế một loại tên lửa hành trình chống tàu đa năng, có thể nhanh chóng thay đổi công năng từ đối hải sang đối đất. Tên lửa SSM-3 với khả năng tấn công mặt đất sẽ giúp Bộ Quốc phòng Nhật Bản giảm sự phụ thuộc vào tên lửa hành trình Tomahawk mua từ Mỹ với số lượng lớn trong thời gian qua.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho biết đang đẩy nhanh việc sản xuất hàng loạt và triển khai tên lửa SSM-3 nhằm mục đích mở rộng khả năng phòng thủ bờ biển. Bản kế hoạch đầy tham vọng nói trên đã được công bố trong tài liệu mua sắm vũ khí chính thức do Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra mới đây.

TRƯỜNG GIANG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ