A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga thử nghiệm thành công tên lửa chống tăng Bulat

QPTĐ-Nhà máy chế tạo vũ khí chính xác cao thuộc tập đoàn nhà nước Rostec của Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa chống tăng hạng nhẹ 9M134, còn được gọi là tên lửa chống tăng Bulat.

Tên lửa chống tăng có điều khiển Bulat mới của Nga.

 

Tên lửa Bulat nhẹ hơn gấp bốn lần so với dòng tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet, giúp nó trở thành một giải pháp tiết kiệm và hiệu quả hơn để tấn công các mục tiêu xe bọc thép. Tên lửa được trang bị đầu đạn ghép nối tiếp (tandem), có khả năng xuyên phá xe bọc thép được trang bị giáp phản ứng nổ. Hệ thống dẫn đường bằng la-de có khả năng chống nhiễu, cho phép tên lửa tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 3.500m. Mặc dù nhẹ hơn tên lửa chống tăng Kornet, nhưng tên lửa Bulat vẫn có thể tích hợp với hệ thống phóng tên lửa chống tăng Kornet hiện có, tăng cường tính linh hoạt trên chiến trường.

Tên lửa chống tăng Kornet là hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường vác vai tiên tiến, được đánh giá là một trong những vũ khí chống tăng nguy hiểm nhất trên thế giới. Tên lửa chống tăng 9P133 Kornet do Phòng Thiết kế thiết bị KBP của Nga phát triển. Phiên bản mới nhất 9P163 Kornet-E là tên lửa chống tăng mang vác, sử dụng phương pháp dẫn bằng chùm tia la-de. Gần đây, Bộ Quốc phòng Nga công bố tên lửa chống tăng Kornet đã tiêu diệt xe chiến đấu bộ binh ở cự ly lên tới 7.800m trong thực chiến, bằng một đòn tiến công chính xác. Trong khi trên lý thuyết, tên lửa này chỉ tấn công mục tiêu ở cự ly khoảng 5.500m.

Hệ thống tên lửa chống tăng 9P163 Kornet-E có hai kiểu thiết bị phóng. Thiết bị phóng tên lửa kiểu mang vác 9P163-1, gồm giá 3 chân với các bộ dẫn động cơ khí chính xác cao, kính ngắm 1P45M-1 và một cơ cấu phóng. Thiết bị phóng tên lửa kiểu lắp trên xe 9P163-2, khối lượng 600kg, cho phép lắp trên nhiều mẫu xe chiến đấu và phương tiện mang khác nhau. 

Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-E sử dụng phương pháp dẫn bằng chùm tia la-de, bán tự động lệnh theo đường ngắm (SACLOS). Trong tác chiến, nhiệm vụ duy nhất mà xạ thủ phải làm là giữ cho kính ngắm quang học chiếu đúng vào mục tiêu.  

Tên lửa chống tăng Kornet-E có hai kiểu đạn: 9P133-1 và 9P133F-1. Đạn tên lửa 9P133-1 sử dụng đầu chiến đấu ghép nối tiếp, đường kính 152mm, khả năng xuyên giáp đồng nhất 1.000-1.200mm, xuyên bê tông 3.000-3.500mm. Đạn 9P133-F1 lắp một đầu chiến đấu nổ phá nhiệt áp, có bán kính sát thương của sóng nổ rộng và sinh nhiệt lượng cao, dùng để tiêu diệt các mục tiêu không bọc giáp hoặc bọc giáp nhẹ, cũng như sinh lực trong không gian thoáng, trong các tòa nhà và công sự. 

Trường Giang
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội