A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: Không có đột phá!

 

QPTĐ-Ngày 16/6, tại Geneva (Thụy Sĩ) diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ông V.Putin và ông J.Biden, trên cương vị Tổng thống của hai cường quốc có những quan điểm, lợi ích trái ngược nhau, được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm và cũng tốn không ít thời gian, công sức của giới truyền thông, báo chí quốc tế. 

Hai phái đoàn Nga và Mỹ họp phiên mở rộng. (Ảnh: Internet)

Cuộc gặp cấp cao Nga-Mỹ được tổ chức tại ngôi biệt thự cổ Villa La Grange bên hồ Geneva thơ mộng. Tại công viên này và thành phố Geneva, đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ của các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo cấp cao các nước, tổ chức các hội nghị khu vực và quốc tế. 

Tiếp tục chuyến công du châu Âu tham dự Hội nghị G7 ở Anh, Hội nghị thượng đỉnh NATO và EU ở Brussels, Bỉ (từ 10-15/6), Tổng thống Mỹ J.Biden đáp chuyên cơ Không lực Một đến Geneva vào trưa ngày 16/6. 

Tổng thống Nga V.Putin đi chuyên cơ Il-96 hạ cánh xuống sân bay Geneva vào 12 giờ 30, đến ngôi biệt thự tổ chức hội nghị vào hồi 13 giờ cùng ngày 16/6. 

Tổng thống Thụy Sĩ G.Parmelin có mặt tại đại sảnh ngôi biệt thự, chào đón sự hiện diện của các vị Tổng thống Nga, Mỹ; hoan nghênh họ đã chọn Geneva, “thành phố hòa bình” là địa điểm cuộc gặp gỡ lịch sử và không quên chúc cho sự thành công của hội nghị. 

Cuộc gặp mặt cấp cao Nga-Mỹ bắt đầu diễn ra từ 13 giờ 35 phút (tức 18 giờ 35 phút giờ Hà Nội) được chia ra thành 2 phần. Phần đầu cuộc họp chỉ có 4 người tham gia gồm hai nhà lãnh đạo: J.Biden, V.Putin và Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken cùng người đồng cấp Nga S.Lavrov. Mỗi bên có 1 phiên dịch viên. Cuộc họp dự kiến khoảng 1 giờ 20 phút nhưng đã kéo dài gần 2 giờ đồng hồ. 

Sau nghỉ giữa giờ khoảng 45 phút, đã diễn ra cuộc hội đàm mở rộng, mỗi phái đoàn có thêm 5 người. Phía Mỹ bao gồm Cố vấn An ninh quốc gia, Chánh Văn phòng Nhà Trắng, Thư ký Báo chí Nhà Trắng, Đại sứ Mỹ tại Moskva. Phía Nga cũng có những người đồng cấp tương đương. Cuộc họp mở rộng diễn ra trong vòng hơn 1 giờ, mặc dù thời gian chuẩn bị dự kiến 2-3 giờ. 

Khác với thông lệ, hai bên không dùng bữa cơm chung, không tổ chức họp báo chung. Phái đoàn mỗi nước, tổ chức họp báo riêng sau hội đàm. Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của giới truyền thông, báo chí.

Phát biểu với báo chí sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ khẳng định, cuộc gặp cấp cao Nga-Mỹ “mang tính xây dựng”, hai bên đều thể hiện “sự sẵn sàng hiểu nhau”, không bị “phủ bóng đen” bởi những câu hỏi lớn về chính trị nội bộ.  

Hai bên đã thảo luận hàng loạt vấn đề như ổn định chiến lược, kiểm soát vũ khí, mối đe dọa an ninh mạng, ứng phó đại dịch Covid-19, hợp tác vũ trụ-không gian, khám phá Bắc Cực. Theo Điện Kremlin, hai vị Tổng thống Nga và Mỹ đã ký Tuyên bố chung về ổn định chiến lược.

Hai nhà lãnh đạo thống nhất, đưa Đại sứ của mỗi nước trở lại cơ sở ngoại giao của mình ở Moskva và Washington sau vụ bê bối ngoại giao xảy ra hồi tháng 4 năm nay. 

Tổng thống Nga V.Putin đưa ra “lằn ranh đỏ” là việc Mỹ phát triển “NATO hướng Đông”, kết nạp Ukraine vào NATO; trong khi Tổng thống Mỹ J.Biden đưa ra “lằn ranh đỏ” là việc Moskva tấn công mạng Mỹ. Hai bên thống nhất, thỏa thuận Minsk sẽ là cơ sở để giải quyết cuộc xung đột nội chiến đóng băng kéo dài ở miền Đông Ukraine. 

Tổng thống Nga V.Putin đã dành những lời khen cho người đồng cấp Mỹ J.Biden, là một “chính khách giàu kinh nghiệm”, một “chính trị gia lão luyện”. “Tôi tự thấy rằng, ông J.Biden là một người rất giàu kinh nghiệm, không phải lúc nào cũng có những cuộc trò chuyện dài như vậy với mọi nhà lãnh đạo”-Tống thống Nga nói.

Nga và Mỹ đã nhất trí rằng, trách nhiệm đặc biệt của hai nước là đảm bảo sự ổn định chiến lược toàn cầu với tư cách là các cường quốc hạt nhân. Đáp trả những chỉ trích của Mỹ về vấn đề nhân quyền, Tổng thống Nga cho rằng, Mỹ còn nhiều điều phải trả lời khi nói đến việc tôn trọng nhân quyền, cụ thể là nhà tù Guantanamo hay vấn đề bạo lực súng đạn, các cuộc máy bay không người lái Mỹ nhằm vào dân thường…vv. Trả lời về chính khách đối lập Nga A.Navalny bị “đầu độc bằng chất độc thần kinh”, ông V.Putin chỉ rõ, “người đàn ông này đã cố tình” vi phạm pháp luật. Đã có lần, Tổng thống V.Putin lập luận phản bác: “Nếu Tình báo Nga ra tay ám sát, làm sao A.Navalny có thể sống sót?”

Bình luận về những căng thẳng Nga-Mỹ và các đồng minh của Mỹ cũng như các hoạt động quân sự của Nga, Tổng thống V.Putin khẳng định: “Chúng tôi tiến hành các cuộc tập trận trên lãnh thổ của mình giống như cách mà Mỹ tiến hành nhiều cuộc tập trận trên lãnh thổ của họ. Nhưng chúng tôi không tham gia vào các cuộc tập trận bằng cách đưa thiết bị quân sự và binh sĩ của chúng tôi đến các bang biên giới của Mỹ. Thật không may, các đối tác Mỹ của chúng tôi đang làm điều này ngay bây giờ”. 

Ông J.Biden dành sự tôn trọng với Tổng thống Nga V.Putin-người biểu tượng trí tuệ và sức mạnh Nga, cho rằng, cuộc họp cấp cao Nga-Mỹ mang tính xây dựng và trên tinh thần không phải chống lại Nga mà là vì lợi ích của người Mỹ. 

“Tôi đã nói với Tổng thống V.Putin rằng, chương trình nghị sự của tôi không phải là chống lại Nga hay bất cứ ai khác, mà là vì lợi ích của người dân Mỹ”-Tổng thống Mỹ khẳng định với giới báo chí. 

Mỹ và Nga còn những khác biệt, ví như vấn đề tấn công mạng hay việc Moskva bắt giữ nhà hoạt động đối lập A.Navalny? Ông J.Biden cảnh báo, Mỹ sẽ đáp trả và Nga phải lĩnh hậu quả nếu Moskva động chạm đến những lo ngại này. 

Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ không có bước đột phá, đúng như dự đoán của giới chuyên gia quốc tế bởi những hố sâu ngăn cách, sự khác biệt giữa hai bên còn quá lớn. Tuy nhiên, đối thoại, tìm tiếng nói chung bằng con đường ngoại giao vẫn là giải pháp tốt nhất giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, đang rất khác nhau về thể chế chính trị và lợi ích dân tộc. 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ