A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đối đầu, trừng phạt “đốt nóng” quan hệ Nga-Mỹ?

 

QPTĐ-Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã đi vào hồi kết. Ứng cử viên Đảng Dân chủ J.Biden tuyên bố chiến thắng, trong khi đương kim Tổng thống D.Trump không chấp nhận thất bại, dọa sẽ khởi kiện bởi “gian lận bầu cử”? 

Dù ông J.Biden có là Tổng thống Mỹ thì ngày chính thức vẫn phải chờ đến 20/1/2021, tức hơn 2 tháng nữa, càng khiến sự đối đầu giữa 2 ứng cử viên Tổng thống, đẩy xã hội Mỹ chia rẽ cao độ. Và dù ông D.Trump hay ông J.Biden làm Tổng thống nhiệm kỳ 4 năm tới, chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga vẫn không thay đổi. 

Nếu như Tổng thống D.Trump coi Nga là kẻ thù số 1 của Mỹ và NATO, “đe dọa an ninh châu Âu” thì Ông J.Biden tuyên bố, sẽ dành cho Nga “các lệnh trừng phạt từ địa ngục” đáp trả “những âm mưu của Điện Kremlin” bằng một gói biện pháp hạn chế mới, cứng rắn hơn nhiều so với trước đây! Vậy là, lựa chọn giải pháp đối đầu, gia tăng trừng phạt nhằm vào Nga, Nhà Trắng đã “đốt nóng” mối quan hệ Nga-Mỹ.

Mỹ rút khỏi INF có thể khởi đầu một cuộc đua vũ trang mới. (Ảnh: Internet)

Sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ Nga-Mỹ xấu đi nghiêm trọng từ năm 2014 bởi Cách mạng đường phố Maidan, bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga. Mỹ và phương Tây cấm vận Nga. Các đòn trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa Nga và Mỹ, phương Tây thường xuyên được tung ra, gây ảm đạm bầu không khí chính trị Đông-Tây, kéo theo là thảm họa kinh tế. Theo đó, các bên gieo rắc chiến tranh tâm lý về mối đe dọa an ninh, châm ngòi cuộc chiến ở châu Âu với chiêu bài “mối đe dọa xâm lược từ Nga”? Mỹ, Nga và châu Âu kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang, đổ hàng trăm tỉ, ngàn tỉ USD mua sắm vũ khí? 

Nếu như cấm vận và giá dầu mỏ lao dốc, từ năm 2014 đến nay, khiến nền kinh tế Nga mất đi khoảng 100 tỉ USD thì châu Âu bị thiệt hại gấp đôi. Tỷ trọng thương mại giữa Mỹ và Nga rất thấp nhưng “cuộc chiến giá dầu” đã khiến ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ sa sút, hàng trăm dàn khoan dầu đá phiến đóng cửa, đứng bên bờ vực phá sản. 

Trong 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống của mình (1/2017-1/2021), ông D.Trump trung thành với lời hứa khi tranh cử, kiên trì theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”, đã gặt hái những thành công đáng kể. Về quân sự, quốc phòng, Tổng thống D.Trump áp dụng hàng loạt biện pháp mới, cung cấp cho quân đội các nguồn lực cần thiết để bảo vệ an ninh Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. 

Trước hết, Quân đội Mỹ được cung cấp tối đa nhằm hiện đại hóa lực lượng Lục quân, Không quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến, lực lượng Hạt nhân chiến lược.

Mỹ lên kế hoạch chi 1.200 tỉ USD trong vòng 30 năm tới, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và duy trì lực lượng Hạt nhân chiến lược ở mức độ sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Một số vũ khí, trang thiết bị quân sự của lực lượng này được nâng cấp.

Cùng với đó, lực lượng Hải quân được dần thay thế các tàu ngầm tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ohio bằng tàu ngầm tên lửa chiến lược lớp Colombia loại mới nhất, có thể mang vũ khí siêu thanh. Mỹ thành lập Hạm đội mới (Hạm đội 3 và 7) hoạt động mạnh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đủ sức mạnh ứng phó với sự phát triển mạnh của Hải quân Trung Quốc tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ kỳ vọng số tàu chiến đến 355 chiếc, phát huy sức mạnh của đội tàu sân bay, tàu ngầm đứng hàng số 1 thế giới. 

Không quân Mỹ được trang bị máy bay ném bom chiến lược mới B-21 cùng với đội hình B-52, B-1, B-2 có thể sử dụng cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường. Không quân có kế hoạch thay toàn bộ 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman-3 bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh loại mới, có thể mang đầu đạn hạt nhân. Ngoài sản xuất máy bay siêu âm tàng hình thế hệ 5: F-35, Mỹ đổ tiền nghiên cứu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6; đồng thời, trang bị nhiều máy bay chiến đấu thế hệ 4 và 5, máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-46.

Ngoài ra, lực lượng phòng thủ chống tên lửa cũng được ưu tiên phát triển, triển khai trên biển, trên đất liền và gần trái đất. Các hệ thống phát hiện, theo dõi và định vị mục tiêu tên lửa cũng được phát triển theo. 

Một trong những thành tựu của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ là thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh AGM-183A, tầm bắn xa 1.600 km trong 10-12 phút, đạt Mach-8 (tương đương với tên lửa siêu thanh chống hạm Zircon của Nga). 

Năm 2018, Tổng thống D.Trump quyết định thành lập Lực lượng vũ trụ (lực lượng vũ trang thứ 6), có nhiệm vụ tác chiến điện tử không gian, hoạt động tác chiến trên quỹ đạo, điều khiển trận chiến ngoài không gian, tiếp cận không gian và kỳ vọng, thống trị lĩnh vực chiến tranh này. Ngân sách quốc phòng Mỹ luôn tăng, từ 650 tỉ USD (2019) lên 700 tỉ (2020) và 760 tỉ USD (2021). 

Để phá bỏ mọi hạn chế gây trở ngại cho việc triển khai các loại vũ khí Mỹ, Tổng thống D.Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các tên lửa tầm trung (INF) và Hiệp ước Kiểm soát vũ khí hạt nhân (SATRT-3) Nga-Mỹ. 

Trong khó khăn, bản lĩnh người Nga có cơ hội bộc lộ. Nga có kịch bản giá dầu ở mức 40 USD/thùng vẫn có lãi. Dự trữ vàng vượt qua mốc 600 tỉ USD, đạt kỷ lục. GDP tăng trưởng trở lại 1,5-2%/năm (2018, 2019). Quân đội Nga đã sớm hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa 85% vào năm 2020, trở thành lực lượng hùng mạnh nhất trong 30 năm qua. “Vũ khí siêu thanh, tên lửa đạn đạo liên lục địa, vũ khí laser, thiết bị lặn là độc nhất vô nhị, bất khả chiến bại. Hiện, chúng tôi là số 1 thế giới, không nước nào có vũ khí siêu thanh”-Tổng thống Nga V.Putin khẳng định. 

Để đáp trả Mỹ nếu chiến tranh xảy ra, “ngư lôi chạy bằng năng lương hạt nhân Poseidon và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng Sarmat, những loại đạn siêu mạnh như vậy, chỉ cần vài chục đã đủ đánh bại hoàn toàn Mỹ”-Tiến sĩ khoa học quân sự Nga K.Sivkov nói. Theo đó, ICBM Sarmat siêu thanh mang 10-24 đầu đạn hạt nhân độc lập, tầm bắn 11.000 km, có sức công phá megaton, có thể xóa sổ nước Pháp hoặc bang Texas, Mỹ; trong khi muốn đánh chặn 1 quả tên lửa Sarmat, Mỹ cần ít nhất 500 đầu đạn siêu thanh. 

HÀ NGỌC
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ