A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác Nga-Trung

 

QPTĐ-Ngày 28/6 vừa qua, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tuyên bố chung hai nước nêu rõ: Nga và Trung Quốc nhất trí gia hạn Hiệp ước Láng giềng hữu nghị và Hợp tác thân thiện (CRTGFC) được ký kết năm 2001 thêm 5 năm nữa sau khi hết hạn vào tháng 2/2022. 

Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm trực tuyến ngày 28/6/2021. (Ảnh: Internet)

Phát biểu với báo giới, Tổng thống V.Putin khẳng định, Hiệp ước CRTGFC thể hiện cam kết chung trong việc bảo vệ thống nhất quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ giữa lúc Moskva và Bắc Kinh đang leo thang căng thẳng với Mỹ và phương Tây về hàng loạt vấn đề. “Trong bối cảnh hỗn loạn địa-chính trị gia tăng, các thỏa thuận kiểm soát vũ khí bị phá vỡ và nguy cơ xung đột ngày càng cao ở nhiều nơi trên thế giới, hợp tác Nga-Trung sẽ góp phần duy trì ổn định toàn cầu”-Ông chủ Điện Kremlin nói.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho rằng, CRTGFC phù hợp với lợi ích cốt lõi của Nga, Trung Quốc, là một ví dụ điển hình về việc xây dựng các mối quan hệ quốc tế thời đại mới. Hiệp ước thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ “hợp tác chiến lược Nga-Trung” trong việc bảo vệ các lợi ích chung trên trường quốc tế. Moskva và Bắc Kinh cam kết, củng cố “chủ nghĩa đa phương thực thụ”. 

Mấy năm gần đây, mối quan hệ Nga-Mỹ, Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, có xu hướng xấu đi nghiêm trọng. 

Sau sự kiện Crimea đầu năm 2014 và xung đột miền Đông Donbass, Ukraine; Mỹ lôi kéo các nước phương Tây, NATO cấm vận Nga, gây sức ép chính trị, quân sự hòng bóp nghẹt nền kinh tế, quốc phòng-an ninh Nga. Cuộc chiến cấm vận trả đũa lẫn nhau vẫn đang diễn ra khốc liệt, gây thiệt hại hàng trăm tỉ USD hàng năm đối với Nga và châu Âu. 

Cùng thời kỳ này, Tổng thống Mỹ B.Obama, kế tiếp là Tổng thống D.Trump cáo buộc Trung Quốc gây hấn, đưa ra “đường 9 đoạn” phi lý hòng độc chiếm biển Đông, gây căng thẳng khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và vùng biên giới Trung-Ấn. Mỹ tuyên chiến với Trung Quốc về quan hệ thương mại, đầu tư, thuế quan, sở hữu trí tuệ, công nghệ viễn thông. Nửa năm nay, ngồi ghế Ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống J.Biden không thay đổi chính sách với Bắc Kinh. 

Vậy là, Hiệp ước CRTGFC giữa Nga và Trung Quốc xuất hiện từ hai thập niên trước như một yếu tố tự nhiên vì lợi ích quốc gia, dân tộc mỗi nước, nay có yếu tố khách quan quốc tế, vô hình chung, Mỹ đã khiến quan hệ Nga-Trung tự nhiên thêm gắn kết. 

Đã không dưới một lần, giới bình luận chính trị quốc tế đặt câu hỏi: Liệu có hiệp ước hợp tác quân sự, quốc phòng Nga-Trung Quốc? Tổng thống Nga V.Putin đã thẳng thắn trả lời, đại ý: Mọi tình huống còn đang bỏ ngỏ nhưng sự việc đó chưa diễn ra, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. 

Thực tế, Mỹ đang dẫn đầu khối quân sự NATO bao gồm 29 nước thành viên, là một tổ chức chính trị, kinh tế, quân sự mạnh mẽ nhất toàn cầu, thường đưa ra lời cảnh báo: “đề phòng Nga xâm lược châu Âu”? Thử hỏi, Nga được gì khi đang phải đối đầu với Mỹ, lại tuyên chiến với các nước NATO? Trong khi đó, Nga, Trung Quốc là bạn hàng kinh tế, thương mại, đầu tư lớn với châu Âu, EU. 

Trong tuần qua, cuộc tập trận Sea Breeze-21 diễn ra trên biển Đen (kéo dài 13 ngày từ 28/6 đến 10/7) khiến quan hệ Nga và Mỹ, NATO căng như dây đàn. Tập trận huy động 5.000 binh sĩ, 40 tàu hải quân, 30 máy bay chiến đấu, hơn 100 xe vận tải cùng các phương tiện thiết giáp của hơn 30 quốc gia thành viên NATO và đối tác như Mỹ, Ukraine, Canada, Anh, Hà Lan, Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Litva, Thổ Nhĩ Kỳ tham gia. 

Mỹ điều tàu khu trục USS Ross (DDG-71) đến biển Đen (26/6). “Đây là một phần trong cam kết mạnh mẽ mà Mỹ cùng đồng minh NATO và đối tác đã duy trì kể từ năm 1997 (với Ukraine) để củng cố an ninh hàng hải ở biển Đen”-Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine tuyên bố. 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga I.Konashenkov cảnh báo: Tập trận Sea Breeze-2021 chỉ là vỏ bọc để các nước vận chuyển vũ khí, đạn dược cho quân đội Ukraine. Trong khi Hải quân Mỹ cho biết: Cuộc tập trận là dịp để các nước trau dồi khả năng tương tác thông qua nội dung huấn luyện hàng hải thực tế.

Biển Đen được xem là “sân nhà” của Nga. Ở đó có Hạm đội Biển Đen hùng mạnh cùng các căn cứ quân sự binh chủng hợp thành trên bán đảo Crimea, thành phố Sevastopol được Nga huy động theo sát, giám sát các động thái tập trận của Mỹ và đồng minh. 

Ngày 23/6, Nga điều 1 tàu tuần tra và 1 chiến đấu cơ Su-24M áp sát, bắn cảnh cáo, thả bom chặn đường khi phát hiện tàu chiến HMS Defender thuộc Hải quân Hoàng gia Anh “đi sâu vào lãnh hải Nga 3 km”. 

Khẩu chiến đã xảy ra giữa Anh và Nga khi London cho rằng, tàu chiến Anh “đi qua lãnh hải Ukraine dựa trên luật pháp quốc tế”. Tuyên bố báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Nga S.Ryabkov nói: “Nga sẵn sàng khai hỏa vào mục tiêu nếu như tàu chiến xâm nhập và cảnh báo không có tác dụng”. 

Ngày 25/6, Nga tập trận ở Đông Địa Trung Hải với sự tham gia của các tàu mặt nước, 2 tàu ngầm, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 mang vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh cùng với các chiến đấu cơ ở căn cứ Heyemim, ven biển Latakia (Syria). Đây là lần đầu tiên Nga mang tên lửa siêu thanh Kinzhal tập trận ngoài lãnh thổ, tiêu diệt mục tiêu trên biển; trong khi một nhóm tàu sân bay tấn công Anh đang ở trong khu vực này. 

Trước căng thẳng với NATO, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, siêu tàu ngầm Kazan, tổ hợp S-500 trang bị tên lửa siêu thanh Zircon, ICBM Sarmat sẽ đưa vào biên chế năm 2021.

Giữa tháng 6 vừa qua, Trung Quốc thử nghiệm tên lửa tầm xa DF-26 có thể tấn công chính xác các mục tiêu trên mặt đất và trên biển. Đây là “sát thủ Guam” cũng như DF-21D “sát thủ tàu sân bay”. Trước đó, tên lửa DF-41 Trung Quốc mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn đến lục địa Mỹ đã được trang bị cho quân đội. 

Mỹ là cường quốc số 1 về kinh tế và quân sự với nguồn chi ngân sách quốc phòng những năm qua hơn 700 tỉ USD/năm và năm 2022 là 752,9 tỉ USD, đang là đối thủ xứng tầm thử thách Nga và Trung Quốc. 

NHẬT KIỀU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ