Căng thẳng quan hệ Nga-NATO?
QPTĐ-Phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng 2020 (ngày 21/12, tại Moskva), Tổng thống V.Putin yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga ứng phó nhanh chóng nếu phương Tây triển khai tên lửa đến gần biên giới Nga như NATO tuyên bố.
Binh sĩ NATO được triển khai tại khu vực gần biên giới Nga. (Ảnh: Internet)
Theo đó, Tổng thống Nga lưu ý đến các hoạt động quân sự gần đây của khối quân sự NATO và Mỹ, trong khi Nhà Trắng đơn phương hủy bỏ một số hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí toàn cầu.
Ông V.Putin nói, Nga sẽ phân tích kỹ tình hình địa chính trị trên thế giới và dự đoán các kịch bản có thể xảy ra, lưu ý tới các mối đe dọa tiềm tàng và tăng cường năng lực của Quân đội Nga. Đồng thời, tiếp tục nhanh chóng phát triển quân đội, duy trì ở mức độ sẵn sàng chiến đấu cao của lực lượng hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh, duy trì tương quan chiến đấu trên trường quốc tế.
“Chúng ta sẽ không chế tạo và triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên lãnh thổ Nga ở châu Âu hay bất cứ nơi nào khác. Nhưng chúng ta phải sẵn sàng phản ứng nhanh chóng nếu các nước phương Tây triển khai các vũ khí đó gần biên giới của chúng ta”-Tổng thống V.Putin chỉ đạo.
Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, phương Tây xấu đi nghiêm trọng sau các lệnh cấm vận của Mỹ, châu Âu áp đặt vào Nga kể từ năm 2014 sau “sự kiện Crimea”. Kế đó, NATO thường xuyên duy trì hàng trăm cuộc tập trận trên lãnh thổ các nước thành viên NATO ở châu Âu với tình huống giả định “chống lại hành động xâm lược của Nga”.
Từ năm 2018, NATO lập kế hoạch phản ứng nhanh “30-30-30” gồm các tiểu đoàn xe tăng, đặc nhiệm, thủy quân lục chiến, triển khai lần đầu 3.000 binh sĩ đến Ba Lan, đối phó với Nga. Tiếp đến, Mỹ và NATO đưa binh sĩ và vũ khí hạng nặng đến các nước: Baltic, Ba Lan-giáp biên giới Nga.
Căng thẳng hơn, gần đây, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng vũ khí tầm trung (INF) Nga-Mỹ, hủy bỏ Hiệp ước Bầu trời mở (OTS) Nga-Mỹ và hơn 30 quốc gia. Hiện, Nhà Trắng chưa có dấu hiệu gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược (STAST-3) Nga-Mỹ sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021 tới. STAST-3 được coi là hiệp ước cuối cùng về kiểm soát vũ khí tấn công chiến lược giữa Nga và Mỹ.
Ngay sau khi chính thức rút khỏi Hiệp ước INF giữa Nga và Mỹ ký năm 1987, Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố, Lầu Năm Góc phóng thử thành công tên lửa tầm trung bay xa 550-2.000 km. Quốc hội Mỹ chi khoản ngân sách khổng lồ hàng chục tỉ USD đặt hàng, nghiên cứu, chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa, vũ khí siêu thanh, máy bay và tàu ngầm không người lái. Các chuyên gia Mỹ nhận định, Mỹ đang đi sau Nga, Trung Quốc về công nghệ vũ khí thông minh, phương tiện quân sự tự động, nhất là công nghệ vũ khí siêu thanh.
Nếu như Nga đã biên chế các loại vũ khí siêu thanh như Kinzhah, Kh-101, Zircon, Avangard cho máy bay, tàu ngầm và tên lửa tấn công chiến lược liên lục địa cũng như hệ thống tên lửa phòng không S-400, S-500 thì Quân đội Mỹ, ít nhất phải đợi đến năm 2013 mới có được vũ khí siêu thanh?
Vừa qua, Moskva tuyên bố, hệ thống Avangard của Nga đã đạt đến Mach-27 khiến phương Tây choáng váng. Bởi sự xuất hiện của loại vũ khí siêu cận âm này sẽ khiến các loại vũ khí tấn công của Mỹ, NATO trở thành vô dụng. Ngược lại, các mục tiêu là đối phương của Nga trong trạng thái không an toàn vì hệ thống phòng không Patriot, THAAD của Mỹ không thể cản nổi vũ khí siêu thanh của Nga. Điện Kremlin tự hào tuyên bố: Vũ khí siêu cận âm của Nga là một kỳ tích, hiện không có đối thủ, đã góp phần làm cân bằng tương quan lực lượng quân sự toàn cầu.
Tuy vậy, người Nga có tính cẩn thận, hay lo xa. Theo lệnh của Đại tướng S.Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng, Quân đội Nga đã kịp thời triển khai kế hoạch phòng thủ trên toàn lãnh thổ, trong đó, tăng cường thêm lực lượng bảo vệ thủ đô Moskva, khu vực Crimea và Kaliningrad.
Ngoài hệ thống phòng không S-400, Quân đội Nga được tăng cường các trung đoàn phòng không đánh chặn tốc độ siêu thanh: S-500, S-300V4, bảo đảm an toàn tối đa ở nhiều tầng, nhiều lớp.
Dịp đầu tháng 12 này, Đô đốc Hạm đội Baltic A.Nosatov cho hay: Nga thành lập 1 sư đoàn cơ giới hoàn chỉnh, trong đó có 1 trung đoàn xe tăng ở vùng Kaliningrad. Đây là vùng lãnh thổ Nga trên biển Baltic, đại bản doanh của Hạm đội Baltic, nằm lọt giữa hai nước thành viên EU, NATO là Ba Lan và Lithuania. Nơi đây là điểm nóng, “thử sức, nắn gân” nhau giữa Nga và NATO, khi nhiều lần các bên đưa máy bay quân sự chặn nhau trên không phận. Việc Nga điều thêm xe tăng, xe thiết giáp, máy bay Su-30SM, tàu hộ vệ mang tên lửa hành trình và hệ thống tên lửa tầm trung đến Kaliningrad đặt châu Âu nằm trong “tầm ngắm”, không an toàn, khiến NTAO phản ứng mạnh.
Trước đó, để ứng phó với tuyên bố của Chính phủ Kiev “sẽ lấy lại Crimea” và các cuộc tập trận của Hải quân phương Tây trong khu vực, Nga đã điều đến bán đảo này 32.500 binh sĩ cùng 150 tiêm kích, trực thăng; 600 xe tăng, xe bọc thép; 280 tổ hợp pháo phản lực, tự hành; 12 hệ thống phòng không tầm xa S-400, 26 tàu chiến mang tên lửa hành trình Kalibr cùng hệ thống tàu ngầm của Hạm đội Biển Đen sẵn sàng tác chiến.
Tuần qua (22/12), Binh chủng tàu ngầm Nga đã diễn tập, phóng thành công Bulava trên biển Okhotsk-Thái Bình Dương khiến Mỹ, NATO thán phục. Theo đó, 4 quả Bulava của tàu ngầm SSBN “Vladimir Monomakh” phóng đi liên tục, cách nhau 5-7 giây trúng mục tiêu cách xa 11.500 km. Đáng nói, mỗi quả đạn nặng 36,8 tấn, tổng cộng gần 150 tấn bay ra khỏi tàu mà con tàu vẫn ổn định, mục tiêu bị hủy diệt, thật là một kỳ tích! Được biết, 16 quả đạn kia mang theo 160 đầu đạn hạt nhân và điều gì xảy ra khi mỗi đầu đạn có sức công phá 150 kiloton kia phát hỏa?
Thế giới đang nín thở theo dõi thái độ của tân Tổng thống Mỹ J.Biden, liệu có làm giảm sự xung đột leo thang Nga-Mỹ?
HÀ NGỌC