Tổng thống Mỹ công du châu Âu, gia tăng cô lập Nga
QPTĐ-Tổng thống Mỹ J.Biden có chuyến thăm đầu tiên tới châu Âu sau 1 tháng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine (từ 24/2). Trong các ngày, từ 24 đến 27/3, Ông chủ Nhà Trắng tham dự cuộc họp thượng đỉnh bất thường của khối quân sự NATO, gặp gỡ các nhà lãnh đạo G7, phát biểu tại cuộc họp Hội đồng châu Âu (EC), thăm đồng minh Ba Lan và gặp gỡ các quan chức Ukraine, khẳng định cam kết của Mỹ đối với Kiev.
Xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp dù hai bên đã có 4 vòng đàm phán. (Ảnh: Internet)
Thách thức đối với Tổng thống Mỹ không hề nhỏ, bởi vừa muốn giải quyết xung đột Nga-Ukraine, vừa tránh khủng hoảng leo thang, đồng thời kỳ vọng mở rộng trừng phạt Nga lần thứ 5, gia tăng cô lập Moskva trên trường quốc tế, tiếp tục chiến lược làm suy yếu toàn diện nước Nga.
Tại Brussels (Bỉ), ông J.Biden họp với lãnh đạo các nước thành viên NATO, dưới sự điều hành của Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg-một tướng lĩnh Mỹ.
Không phải là thành viên NATO, Tổng thống Ukraine V.Zelensky vẫn được mời phát biểu trực tuyến tại cuộc họp thượng đỉnh NATO. Ông V.Zelensky tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ và NATO nhằm ngăn chặn chiến dịch quân sự của Nga như đóng cửa không phận Ukraine, khẩn cấp cung cấp vũ khí, khí tài bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, xe tăng, tên lửa, đạn dược cho Kiev.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống J.Biden khẳng định, tiếp tục viện trợ quân sự, cung cấp vũ khí, hỗ trợ nhân đạo cho dân tị nạn và người dân ở Ukraine. “Chúng tôi sẵn sàng và cam kết về điều này vào mọi lúc”-Ông chủ Nhà Trắng nói.
Thăm Ba Lan (26/3), Tổng thống Mỹ cảnh báo Nga về giả định có một cuộc xung đột. “Đừng bao giờ nghĩ đến việc tiến quân vào lãnh thổ NATO dù chỉ là một tấc đất”. Mỹ cam kết thực hiện các nghĩa vụ phòng vệ tập thể được quy định trong Hiệp ước NATO “với toàn bộ sức mạnh tập thể”. NATO sẽ kích hoạt Điều 5, tức là hành động quân sự tập thể khi một hay nhiều thành viên của NATO bị tấn công quân sự.
Nói về việc gia tăng đột xuất hơn 10 vạn binh sĩ Mỹ đồn trú ở Lục địa già, Tổng thống Mỹ nói: “Lực lượng Mỹ không hiện diện ở châu Âu để tham gia cuộc xung đột với lực lượng Nga, binh sĩ Mỹ ở đây để bảo vệ các đồng minh NATO”.
“Cuộc họp thượng đỉnh thể hiện sự đoàn kết của liên minh, sự ủng hộ đối với Ukraine và sự sẵn sàng bảo vệ mọi thành viên NATO. Chúng tôi đang đề phòng sự leo thang xung đột thành một cuộc chiến chính thức giữa NATO và Nga”-Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg cho biết.
Tham dự các cuộc họp của NATO và G7, ông J.Biden kêu gọi đồng minh và đối tác tiếp tục gây sức ép với Nga, ủng hộ các gói trừng phạt, cấm vận Nga và ý tưởng loại Nga ra khỏi tổ chức kinh tế lớn toàn cầu G20.
Tại thủ đô Warsaw, Ba Lan (ngày 27/3), Tổng thống J.Biden gặp hai quan chức cấp cao Ukraine: Ngoại trưởng D.Kuleba và Bộ trưởng Quốc phòng O.Reznikov, không ngoài mục đích cam kết ủng hộ đối tác chiến lược, hỗ trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền Kiev, gia tăng khả năng đối phó với Nga. “Chúng tôi luôn sát cánh cùng các bạn!”-Tổng thống Mỹ khẳng định. Trước đó, Tổng thống J.Biden đã có nhiều cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine V.Zelensky, ký viện trợ quân sự hơn 1 tỉ USD cho Kiev trong thời gian hơn 1 năm qua ông tại vị ở Nhà Trắng.
Trước ngày diễn ra cuộc họp Hội đồng châu Âu có sự tham gia của Tổng thống Mỹ J.Biden, ngày 21/3, Liên minh châu Âu (EU) đã họp Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, chính thức thông qua Văn kiện về định hướng chiến lược an ninh, quốc phòng mới, trong đó nổi bật là kế hoạch thành lập quân đội riêng châu Âu, tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm nhằm nâng cao năng lực và quyền tự chủ chiến lược của liên minh trên Lục địa già.
“Văn kiện mới vạch hướng đi đầy tham vọng và là kim chỉ nam cho hành động triển khai chính sách an ninh và quốc phòng của EU. Định hướng chiến lược giúp EU nhận thức rõ và chủ động hơn trong việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm an ninh của chính mình”-Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại J.Borrell nói.
Theo đó, dự án đầy tham vọng này mang tên “La bàn chiến lược”, được khởi thảo từ tháng 11/2021, tổ chức lực lượng phản ứng nhanh khoảng 5.000 binh sĩ bao gồm đầy đủ các thành phần hải, lục, không quân, thực hiện các biện pháp can thiệp, cứu hộ, cứu nạn, sơ tán công dân châu Âu khỏi các cuộc xung đột vào năm 2025 và chương trình hành động đến năm 2030. EU cam kết tăng cường đầu tư sản xuất, chế tạo xe tăng, máy bay không người lái, hệ thống phòng không, chống tên lửa.
Các cam kết quân sự của EU đã được thảo luận với Tổng thống Mỹ (ngày 24/3) tại Hội nghị thượng đỉnh NATO. Đã có 21 thành viên NATO, đồng thời là thành viên EU cam kết dành đủ 2% GDP/năm cho ngân sách quân sự từ năm 2024, trong đó, có Đức, Bỉ, Đan Mạch (trước kia, thiếu nhiệt tình ủng hộ kế hoạch này).
Trước đó, Mỹ và NATO (dưới thời Tổng thống Mỹ D.Trump) không ủng hộ EU thành lập “Quân đội châu Âu” từ sáng kiến đề xuất của Pháp và Đức. NATO cho rằng, các nước cần củng cố và nâng cao năng lực phòng thủ chung, chứ không phải xây dựng quân đội riêng, có thể làm giảm vai trò của khối đồng minh.
Tuy nhiên, EU đang bất đồng về quyết định cấm vận dầu mỏ, khí đốt Nga, bởi lo ngại sẽ làm bất ổn an ninh năng lượng châu Âu. Hiện, Nga đang cung cấp 40% lượng khí đốt, 25% lượng dầu thô cho EU. Ít nhất vài tháng nữa, EU chưa thể có nguồn cung mới bổ sung nếu dừng nguồn cung từ Nga.
Đức khẳng định, chưa thể hủy hợp đồng cung cấp năng lượng với Nga. Anh cho biết, sẽ thiệt hại ít nhất 70 tỉ bảng Anh nếu áp lệnh cấm vận dầu khí Nga. Italy lo ngại, biến động giá dầu sẽ gây khủng hoảng kinh tế châu Âu.
Đáp trả lại Mỹ và phương Tây, Điện Kremlin tuyên bố, sẽ đứng vững trước các đòn trừng phạt. Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố, các nước có hành động “thiếu thân thiện” sẽ phải thanh toán tiền mua dầu bằng đồng ruble. Nga tuyên bố, đã hoàn thành các mục tiêu bước đầu trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tuần qua, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố trục xuất 12 nhà ngoại giao Mỹ đáp trả việc Mỹ trục xuất nhân viên ngoại giao Nga; đồng thời, triệu tập Đại sứ Mỹ tại Moskva J.Sullivan trao công hàm phản đối việc Tổng thống Mỹ J.Biden “sử dụng ngôn từ nặng nề, không phù hợp” đối với Tổng thống Nga V.Putin.
NHẬT MINH