QPTĐ- Ngày 29/2, từ 12 giờ (Theo giờ Moskva, tức 16 giờ, theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga V.Putin đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội. Đây là sự kiện đầu năm mới, đã thành thông lệ, là lần thứ 19 đối ông V.Putin và lần thứ 29 trong lịch sử Nga. Đến dự có khoảng 1.000 người, bao gồm các thành viên Thượng viện, Hạ viện Nga, quan chức Chính phủ, Tòa án Tối cao, các tổ chức tôn giáo, nhà ngoại giao, nhà báo trong và ngoài nước, các nhân vật tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước ngoài.
Tổng thống Nga V.Putin đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội Liên bang Nga.
Ảnh: Internet
Trong hơn 2 giờ đồng hồ, Tổng thống V.Putin đưa ra các thông tin về chính sách đối nội, đối ngoại, mục tiêu, kế hoạch của Nga trong 6 năm tới, đến năm 2030. Với Thông điệp này, ông V.Putin không chỉ phát biểu với tư cách là người đứng đầu Chính phủ mà còn là ứng cử viên Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 15-17/3 tới.
Về đối nội, ông V.Putin bày tỏ tin tưởng rằng, Nga đang trên đà trở thành 1 trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai gần. “Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga nhanh hơn tốc độ trung bình toàn cầu, thậm chí vượt lên trên tất cả các quốc gia được gọi là G7. Đầu tư vào Nga tăng 26,6%”-Tổng thống V.Putin nói. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nga năm 2023 tăng 3,6%, dự báo tăng 2,6% năm 2024; trong khi nhiều quốc gia châu Âu tăng trưởng thấp hoặc âm. Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga hòng hủy diệt thị trường xuất khẩu dầu khí, triệt phá nền kinh tế và công nghiệp quốc phòng của Nga nhưng dường như đạt hiệu quả khá thấp.
Năm 2023, doanh thu từ dầu khí của ngân sách Nga đã giảm 47% so với cùng kỳ năm 2022 do EU, G7 áp trần giá dầu Nga và Moskva mất nguồn xuất khẩu sang châu Âu nhưng tổng doanh số xuất khẩu dầu Nga vẫn ổn định sản lượng trong 3 năm 2022, 2023, 2024, khoảng hơn 240 triệu tấn. Nga đã sớm chuyển hướng nền kinh tế sang khu vực châu Á, nhất là thị trường rộng lớn như Trung Quốc, Ấn Độ. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Nga đã kiếm được 15,6 tỉ USD từ xuất khẩu dầu (tháng 1/2024), tăng từ mức thấp 11,8 tỉ USD dịp mùa hè năm 2023.
Việc đổi mới và chuyển hướng hoạt động kinh doanh ngân hàng, dự trữ vàng của Nga đạt nhiều thành công vượt trội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản quốc tế. Ngoài ra, Moskva cũng đạt được những thành tựu to lớn, bất ngờ về kinh tế, xã hội, an sinh, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, phát triển thành công 3 loại vắc-xin phòng ngừa Covid-19 hiệu quả.
Ngành Công nghiệp quốc phòng Nga mở công suất tối đa 3 ca 4 kíp, đạt tăng trưởng gấp 2-3 lần đến 5 lần các loại sản phẩm như đạn dược, xe máy, pháo, tên lửa, bất chấp chuỗi lệnh trừng phạt. Phương Tây kinh ngạc khi một số loại vũ khí Nga chiếm đến 95% trong số 2.800 thành phần nước ngoài, trong đó có 70% đến từ các công ty Mỹ, nhưng hàng hóa quân sự Nga vẫn đều đặn xuất xưởng. Năm nay, Nga tăng ngân sách quốc phòng lên 70%, đạt mức kỷ lục 109 tỉ USD. Nga dành ít nhất 700 tỉ ruble (7 tỉ USD) cho dự án quốc gia về nền kinh tế dữ liệu trong 6 năm tới.
Nhận xét về kinh tế Nga, Giáo sư R.Portes (Trường Đại học Kinh doanh London) nói: “Đối với Nga trong ngắn hạn, giá dầu tăng đã giúp chống lại tác động của các biện pháp trừng phạt. Nhưng trong những năm tới, tình hình sẽ đáng lo ngại hơn”. Có lẽ nhà khoa học người Anh đã đúng, khi Nga tìm lối thoát cấm vận của phương Tây bằng việc tham gia có hiệu quả các tổ chức kinh tế quốc tế như Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Diễn đàn Kinh tế Á-Âu (EAEU)…
Về đối ngoại, ông V.Putin cáo buộc phương Tây đang muốn làm suy yếu nước Nga và cho rằng, các nhà lãnh đạo phương Tây không hiểu sự can thiệp của họ vào công việc nội bộ của Nga có thể gây nguy hiểm đến mức nào. Tổng thống Nga cực lực phản đối âm mưu của Mỹ và phương Tây bội ước với Liên Xô (nay là Nga) mở rộng khối quân sự NATO “hướng Đông”. Năm 2023, Phần Lan là thành viên thứ 31 của NATO, sắp tới là Thụy Điển, buộc Nga phải tăng cường lực lượng dọc biên giới phía Tây với các nước Liên minh châu Âu (EU).
Ông V.Putin cảnh báo, phương Tây đang châm ngòi một cuộc xung đột hạt nhân và Nga có vũ khí đủ vươn tới các nước phương Tây. Hiện, lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đã hiện đại hóa đến 95%, đang được đặt trong trạng thái sẵn sàng hoàn toàn cho mục đích phòng thủ, răn đe những mối đe dọa nhằm vào sự tồn vong quốc gia, song “học thuyết hạt nhân” Nga cũng đề cập đến những lý do nhất định, buộc phải sử dụng loại vũ khí hủy diệt này. Tổng thống V.Putin tuyên bố, Nga sẽ đình chỉ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) với Mỹ.
“Tất cả những gì họ (phương Tây) đang nghĩ ra, những gì họ đang làm khiến cả thế giới sợ hãi, tất cả những điều này thực sự kéo theo mối đe dọa một cuộc chạy đua vũ trang, một cuộc xung đột hạt nhân, đồng nghĩa với việc hủy diệt nền văn minh”. “Phương Tây muốn kéo chúng ta vào một cuộc chạy đua vũ trang”-Tổng thống V.Putin nói và bác bỏ cáo buộc Nga sẽ tấn công một hay nhiều quốc gia EU, NATO; đồng thời khẳng định, Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho đến khi đạt mọi mục tiêu đề ra.
Phản ứng về Thông điệp của Tổng thống Nga, hàng loạt các quan chức phương Tây (ngày 29/2) lên tiếng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Austin điều trần trước Hạ viện: “Các nước Baltic sẽ trở thành mục tiêu của Nga. Nếu Ukraine thua, NATO sẽ bị kéo vào một cuộc chiến với Nga”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ M.Miller nói: Cảnh báo chiến tranh hạt nhân của Tổng thống Nga là “vô trách nhiệm”. Đô đốc T.Radakin (Anh) hùng hồn tuyên bố: “Ông V.Putin không muốn xung đột với NATO là vì Nga sẽ thua và thua nhanh chóng”. Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan A.Hakkanen cho rằng, Ukraine có thể tự do quyết định sử dụng vũ khí do Phần Lan cung cấp, kể cả tập kích vào lãnh thổ Nga. Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg và lãnh đạo các nước: Đức, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Ba Lan, Slovakia, Hungaria tuyên bố, không có kế hoạch gửi quân đến Kiev, tránh xảy ra xung đột trực tiếp với Nga.
MINH NGỌC