A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường thế giới chao đảo bởi xung đột, cấm vận

 

QPTĐ-Cuộc xung đột Nga-Ukraine, đã sang giữa tuần thứ 3, không chỉ làm bất ổn tình hình châu Âu mà còn gây xáo trộn thị trường toàn cầu, đó là hệ thống tài chính, ngân hàng, năng lượng, dầu mỏ, lương thực, hàng không. 

Xung đột Nga-Ukraine làm thị trường thế giới chao đảo. (Ảnh: Internet)

Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tấn công các căn cứ quân sự Ukraine (từ 24/2), nhằm “phi quân sự Ukraine, bảo vệ dân thường Donbass”, Mỹ và phương Tây áp hàng loạt lệnh cấm vận, trừng phạt toàn diện Nga trên các lĩnh vực ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư. 

Ngày 10/3, Tổng thống Mỹ J.Biden tuyên bố, áp lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, khiến thị trường dầu toàn cầu biến động lớn. Liền sau đó (11/3), Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken công bố tiếp, đợt trừng phạt toàn diện đối với Nga. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Leyen (11/3) tuyên bố, EU tiến tới bãi bỏ quy chế thương mại “tối huệ quốc” đối với Nga, cấm việc sử dụng tiền điện tử, xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ của EU sang Nga và nhập khẩu các sản phẩm thép. Đây là gói biện pháp trừng phạt thứ tư của EU có hiệu lực kể từ ngày 12/3, theo đó sẽ tạo điều kiện cho EU cấm hoặc áp đặt thuế quan trừng phạt đối với các sản phẩm của Nga. 

Được biết, tối huệ quốc là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Quy chế này được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhằm bảo đảm một quốc gia sẽ dành cho tất cả các quốc gia đối tác chế độ ưu đãi thương mại ngang nhau. 

Hội nghị thượng đỉnh EU nhóm họp tại Cung điện Versailles (Paris, Pháp) trong 2 ngày 10-11/3 cam kết, thúc đẩy khối phòng thủ chung, tăng ngân sách quốc phòng, hướng tới gói mua sắm vũ khí chung, cân nhắc khoản hỗ trợ quân sự trị giá 500 triệu euro cho Ukraine. Đồng thời, EU xúc tiến việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga ở các tổ chức đa phương lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy vậy, EU không đồng thuận trong việp kết nạp Ukraine là thành viên. 

Việc Tổng thống Mỹ trì hoãn việc áp lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga sau 2 tuần xung đột Nga-Ukraine hẳn có sự cân nhắc đến lợi ích của Mỹ và châu Âu. Ông J.Biden thừa nhận, cấm vận dầu mỏ đối với Nga sẽ khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu dùng, nước Mỹ cũng phải trả giá khi lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế giảm sút. 

Hưởng ứng lệnh trừng phạt của Mỹ, Thủ tướng Anh…tuyên bố, sẽ kết thúc việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế-Khí hậu Đức R.Habeck cho biết, Berlin sẽ xóa bỏ phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp năng lượng Nga ngay cuối năm nay. “Hằng ngày, thậm chí hằng giờ, chúng tôi dần vĩnh biệt hàng nhập khẩu của Nga”-Ông R.Habeck nói.

Hiện, Đức nhập khẩu 35% dầu từ Nga, thị phần than chiếm 50%. Đó là chưa kể đường ống Dòng chảy phương Bắc-2 hợp tác Nga-Đức trị giá 11 tỉ euro, công suất 55 tỉ m3 khí đốt/năm từ Nga sang Đức đi châu Âu, đang chờ cấp phép vận hành? 

Chủ tịch EU tuyên bố, châu Âu lên kế hoạch loại trừ toàn bộ nguồn nhập khẩu năng lượng của Nga vào năm 2030 hoặc sớm hơn, vào năm 2027. Tuy nhiên, ước vọng và điều kiện để triển khai, đạt mục đích còn có một khỏang cách không nhỏ. “Hiện, EU quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, đặc biệt là khí đốt”-Bà U.Leyen viết trên Twitter.

Hiện, nhiều cơ sở chế hóa dầu Mỹ buộc phải mua các chủng loại dầu thô chỉ có được từ Nga, Venezuela (trong khi Mỹ đã cấm vận, đoạn tuyệt với ngành dầu mỏ Venezuela, Iran). Trong cuộc chiến cấm vận Nga (từ năm 2014), Mỹ vẫn nhập dầu thô của Nga, chiếm 8% sản lượng xuất khẩu/năm của Moskva.

Nga là quốc gia có trữ lượng khai thác dầu mỏ lớn thứ 2 (sau Mỹ) khoảng 11 triệu thùng/ngày và đang cùng Arab Saudi điều hành Tổ chức OPEC+, mỗi nước cung cấp hơn 10 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường thế giới. 

Hiện, Nga đang cấp 1/3 lượng dầu mỏ, khí đốt, than đá cho châu Âu. Cụ thể, EU nhập 45% khí đốt, 25% dầu mỏ, 45% than đá từ Nga. 

Xung đột Nga-Ukraine bùng phát, thị trường dầu mỏ tăng vọt lên 140 USD/thùng. Mỹ, Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh phải mở kho dầu dự trữ, kéo giá giao dịch xuống 120 USD/thùng nhưng khó có thể xuống dưới 100 USD/thùng như năm trước.

Mỹ thay đổi chiến thuật ngoại giao, lôi kéo 2 nước có tiềm năng xuất khẩu dầu mỏ là Iran và Venezuela, nhưng cản trở lớn nhất với hai nước này là các lệnh cấm vận và yêu cầu cam kết tôn trọng chủ quyền lãnh thổ. 

Ngoại trưởng Venezuela P.Felix cho biết: Nước này sẵn sàng khôi phục thương mại dầu thô với Mỹ nếu Mỹ công nhận tính hợp pháp của Tổng thống Venezuela N.Maduro. Chính quyền Hồi giáo Tehran cũng tuyên bố, Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh cấm vận nhằm vào nước này, thực hiện đầy đủ thỏa thuận nhóm P5+1 ký với Iran.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Tài chính Nga A.Siluanov (13/3) cho biết, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỉ USD trong tổng số 640 tỉ USD dự trữ vàng, ngoại hối của Nga. Tuy nhiên, hệ thống tài chính Nga vẫn hoạt động bình thường, chính phủ có khả năng thực hiện tất cả các khoản thanh toán cần thiết.

Trước đó, Tổng thống Nga V.Putin (10/3) cảnh báo, làn sóng trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga sẽ khiến phương Tây bị thiệt hại do giá năng lượng và lượng thực tăng cao. “Họ đang đối mặt với tình trạng giá cả leo thang, lạm phát cao chưa từng thấy. Đây là hậu quả từ sai lầm của chính họ. Họ đang cố gắng đổ lỗi cho chúng ta dù chúng ta chẳng hề liên quan”-Ông V.Putin nói. 

Hiện Nga và Ukraine là những quốc gia châu Âu có ngành nông nghiệp, chăn nuôi phát triển, xuất khẩu lớn lúa mì, ngũ cốc. 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ M.Cavusoglu (13/3) cho hay, Tổng thống Nga V.Putin để ngỏ khả năng hội đàm với người đồng cấp Ukraine V.Zelesky và phía Ukraine cũng đã sẵn sàng, nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng giữa hai quốc gia độc lập thuộc Liên bang Xô Viết cũ. 

Trong khi đó, Nga và Ukraine đang tiến hành cuộc đàm phán thứ tư trực tuyến (ngày 14/3), sau 3 vòng đàm phán tại Belerus và Thổ Nhĩ Kỳ mà không có bước đột phá. 

MINH NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ