A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quan hệ Mỹ-Trung: Bắt tay hợp tác, giảm căng thẳng

QPTĐ-Tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2023) lần thứ 30 do Hoa Kỳ đăng cai, sáng ngày 15/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ J.Biden có cuộc gặp mặt trực tiếp sau 1 năm kể từ cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 (Indonesia 11/2022), nhằm xoa dịu căng thẳng trong quan hệ giữa hai siêu cường.

APEC 2023 tại Mỹ.  

Ảnh: Internet

Chủ tịch Tập thăm Mỹ (từ 14-17/11), dự Hội nghị cấp cao APEC-30 và có nhiều hoạt động tại Mỹ. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập đã được các quan chức Trung Quốc và Mỹ chuẩn bị khá kỹ càng, công phu từ nhiều tháng trước, kỳ vọng làm giảm căng thẳng có xu hướng gia tăng trong quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” bùng phát giữa hai nước.

Trong gần thập kỷ qua, kể từ thời Tổng thống Mỹ B.Obama, D.Trump đến Tổng thống J.Biden, Mỹ và Trung Quốc có những bất đồng về sở hữu trí tuệ, công nghệ viễn thông, về thương mại, hàng hóa...

Mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng khi Tổng thống J.Biden ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu bị nghi là do thám của Bắc Kinh bay vào lãnh thổ Mỹ (2/2023). Trước đó là chuyến thăm Đài Loan của nữ Chủ tịch Hạ viện Mỹ N.Pelosi (tháng 8/2022), gây dư luận trái chiều giữa hai nước.

Hơn 1 năm qua, hệ thống thông tin báo chí hai nước không hề kiệm lời chỉ trích lẫn nhau trong quan hệ ngoại giao, các hành động đơn phương cấm cản thương vụ kinh tế và những biện pháp xiết chặt tự do hàng hóa, thuế quan, kể cả vấn đề hợp tác quân sự, quốc phòng cũng như thái độ khác biệt của nhau với đảo Đài Loan.

Vì thế, APEC-30 là cơ hội tốt nhất để nhà lãnh đạo hai cường quốc kinh tế, quân sự hàng đầu thế giới gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề hệ trọng không chỉ đối với Mỹ, Trung mà còn ảnh hưởng đến chính trường đang nóng bỏng toàn cầu.

Tại thị trấn Woodside, San Francisco (bang Califonia), ngày 15/11, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc hội đàm kéo dài 2 giờ đồng hồ, nhằm cải thiện mối quan hệ đang xấu đi nghiêm trọng giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo dành thời gian đi dạo và ăn trưa tại ngôi biệt thự lịch sử Filoli xinh đẹp xây dựng năm 1917 theo kiến trúc Phục hưng. Hôm sau (16/11), Tổng thống J.Biden họp báo quốc tế cho rằng, cuộc hội đàm “rất tốt”, thực chất và hiệu quả.

Theo giới báo chí, hai bên đạt được thỏa thuận gia tăng các chuyến bay giữa hai nước vào năm tới, mở rộng trao đổi trong các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, kinh doanh, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực phi chiến lược khu vực như biến đổi khí hậu; khôi phục lại liên lạc quân sự giữa hai bên, nối lại đường dây nóng giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.

“Tổng thống quyết tâm muốn thấy sự khôi phục các mối quan hệ giữa quân đội hai nước”-Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ J.Sullivan nói.

Hai nhà lãnh đạo thảo luận đến các vến đề về nhân quyền, sản xuất fetanyl (thuốc giảm đau thuộc nhóm Opioid, được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sử dụng ma túy quá liều ở Mỹ), trí tuệ nhân tạo (Al), bình đẳng quan hệ thương mại và kinh tế.

Tổng thống J.Bieden và Chủ tịch Tập cũng đề cập đến những vấn đề toàn cầu bao gồm xung đột giữa Israel-Hamas, xung đột Ukraine-Nga, mối quan hệ Triều Tiên và Nga, các vấn đề như Đài Loan, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Mỹ và Trung Quốc cho rằng, hai nhà lãnh đạo đã có buổi trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc, thực chất và đạt được tiến bộ đáng kể trong mối quan hệ có dấu hiệu “là một bước đi tích cực”.

Tuy nhiên, phía Mỹ thừa nhận, hai bên vẫn còn một số bất đồng sâu sắc. Ông J.Biden cho rằng, Mỹ và Trung Quốc phải bảo đảm rằng sự cạnh tranh giữa hai nước không dẫn đến xung đột và kiểm soát mối quan hệ song phương có trách nhiệm. Phát ngôn viên Trung Nam Hải cho biết, Chủ tịch Tập kêu gọi phía Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt và thay đổi chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị công nghệ nhạy cảm. Tuy nhiên, Tổng thống J.Biden chưa có dấu hiệu tháo gỡ.

Ông J.Biden kêu gọi ông Tập tận dụng ảnh hưởng của mình trong nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng toàn cầu, đặc biệt là gây áp lực với Iran để không mở rộng xung đột giữa Israel và Hamas. Chủ tịch Tập lắng nghe, ghi nhận nhưng chưa đưa ra một thông điệp cụ thể nào sẽ chuyển đến Teheran.

Tổng thống Mỹ tái khẳng định chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ và niềm tin của nước này rằng, mọi giải pháp đều phải mang tính hòa bình. Tổng thống J.Biden và Chủ tịch Tập thừa nhận, quan hệ Mỹ-Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, đồng thời cảnh báo xung đột và đối đầu sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho cả hai bên.

“Đối với hai nước lớn như Trung Quốc và Mỹ, việc quay lưng lại với nhau không phải là một sự lựa chọn. Trái đất đủ lớn để hai nước cùng thành công và thành công của nước này là cơ hội cho nước kia”-Chủ tịch Tập Cận Bình nói.

Tổng thống J.Biden phúc đáp: “Điều tối quan trọng là chúng ta hiểu rõ nhau. Có những thách thức toàn cầu quan trọng đòi hỏi sự lãnh đạo chung của chúng ta. Hôm nay, chúng ta đã đạt được tiến bộ thực sự. Chúng ta phải bảo đảm rằng, cạnh tranh giữa hai nước không biến thành xung đột và chúng ta phải quản lý nó một cách có trách nhiệm”.

Cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc được quan chức cấp cao hai nước ủng hộ và chuẩn bị công phu từ đầu năm 2023. Đó là các chuyến viếng thăm Bắc Kinh của các quan chức Mỹ bao gồm Ngoại trưởng A.Blinken, Bộ trưởng Tài chính và Thương mại J.Yellen và G.Raimondo, Thượng nghị sĩ Ch.Schumer và J.Kerry. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng có những chuyến đi con thoi đến Mỹ thương thảo và cam kết.

Dư luận thế giới bày tỏ thái độ hoan nghênh cái bắt tay hợp tác Mỹ-Trung, tháo gỡ căng thẳng, tránh xung đột, đối đầu giữa hai cường quốc. Dường như đây là bước đi mềm mỏng, khôn ngoan của chính quyền Tổng thống J.Biden trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 trong khi mối quan hệ Nga-Mỹ đang xấu đi nghiêm trọng.

Nhật Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ