A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ và châu Âu gia tăng ủng hộ Ukraine, chống Nga

 

QPTĐ-Các quốc gia châu Âu dự Hội nghị An ninh Munich (19/2) một lần nữa, bày tỏ quyết tâm, ủng hộ đề xuất từ phía Mỹ, hậu thuẫn Ukraine, chống lại một “cuộc tấn công quân sự, quy mô lớn của Nga”. Đó cũng là tuyên bố của bà K.Harri, Phó Tổng thống Mỹ tham dự và đăng đàn tại Hội nghị Munich, do Đức đăng cai.

Trong 2 ngày (18-19/2), tại Đức, diễn ra Hội nghị An ninh Munich thường niên và Hội nghị G-7 (Liên bang Đức đang giữ vai trò Chủ tịch). Tại diễn đàn châu Âu này đang nóng lên bởi những lời cảnh báo từ Mỹ và khối quân sự NATO về một cuộc tấn công quân sự của Nga nhằm vào Ukraine “có thể sắp bắt đầu”, bất chấp việc Moskva đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ thông tin đó là “sai lệch, vô căn cứ”.

Pháo binh Ukraine đấu súng với các lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine. (Ảnh: Internet)

Gần đây nhất (ngày 17/2), Bộ Ngoại giao Nga công bố một tài liệu dài 10 trang đáp lại Mỹ và NATO, trả lời về đề xuất an ninh châu Âu do Nga đưa ra 8 điểm dịp tháng 12/2021 và khẳng định: Nga không có kế hoạch tấn công Ukraine; xung đột miền Đông Donbass, vùng Donetsk và Lugansk phải được giải quyết theo Thỏa thuận Normandy; chính sách mở cửa, hướng Đông của NATO vi phạm an ninh các quốc gia khác; yêu cầu NATO ngừng đặt vũ khí hạt nhân ở châu Âu và “lằn ranh đỏ” an ninh do Nga đưa ra đang “rất đáng báo động”. 

Sau khi đề xuất an ninh của Nga về một cấu trúc an ninh châu Âu lâu dài bị từ chối, Moskva buộc phải đáp trả bằng “các biện pháp quân sự và kỹ thuật” để bảo đảm an ninh cho chính mình-Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định. 

“Những yêu cầu của Mỹ và NATO, giống tối hậu thư, buộc Nga rút binh sĩ khỏi một số địa điểm trên đất Nga cùng với lời đe dọa trừng phạt là không thể chấp nhận được và làm giảm các cơ hội đạt được những thỏa thuận thực chất. Quân đội Nga triển khai trên lãnh thổ Nga không ảnh hưởng và cũng không thể ảnh hưởng đến những lợi ích cơ bản của Mỹ. Quân đội Nga cũng không hiện diện trên lãnh thổ Ukraine”-Ngoại trưởng Nga S.Lavrov nhấn mạnh. 

Dịp cuối năm 2021, Mỹ cáo buộc Nga tập trung hơn 100 ngàn quân và vũ khí, phương tiện quân sự gần biên giới Ukraine, không ngoài mục đích tấn công xâm lược quốc gia này. Cuối tháng 1/2022 và 10 ngày qua (từ 10-20/2), hàng chục ngàn binh sĩ Nga cùng Belarus tổ chức tập trận quy mô lớn, được phương Tây mô tả “Nga áp sát Ukraine từ 3 hướng”. 

Belarus là đồng minh của Nga, có đường biên giới chung với Nga, Ukraine và 3 quốc gia thành viên NATO là Ba Lan, Latvia, Lithuania. 

Tại Moskva (18/2), Tổng thống Nga V.Putin hội đàm với Tổng thống Belarus A.Lukashenko về phát triển quan hệ đồng minh, song phương cũng như xung quanh tình hình xung đột miền Đông Donbass. Phát biểu với báo chí, sau hội đàm, Tổng thống A.Lukashenko cho biết: Belarus có thể cho phép Nga “đặt vũ khí, thậm chí là siêu vũ khí hạt nhân” trên lãnh thổ của mình. Belarus sẵn sàng tiếp nhận một trung tâm đào tạo hệ thống tên lửa Iskander và các trung tâm huấn luyện quân sự hợp tác với Nga, kể cả trường đào tạo thủy thủ, triển khai hệ thống phòng không hiện đại S-400. Được biết, Quân đội Nga vừa đưa hàng loạt các loại vũ khí, khí tài trên đến Belarus tập trận chung. 

Trước đó (15-18/2), Nga rút hàng chục ngàn binh sĩ, xe tăng, xe bọc thép khỏi khu vực biên giới giáp Ukraine, sau khi hoàn thành diễn tập. Nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh đã trở lại căn cứ không quân Khmeimim và hải quân Tarus (Syria) bao gồm các máy bay chiến đấu tầm xa MiG-31K, máy bay ném bom chiến lược Tu-23M3 mang theo tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, có thể mang theo bom hoặc tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. 

Tuần này, Hải quân Nga điều động 15 chiến hạm thuộc các hạm đội: Thái Bình Dương, Biển Đen, Phương Bắc tập trung về khu vực phía Đông Địa Trung Hải cùng hơn 30 máy bay chiến đấu, tham gia tập trận. Hiện, ở Địa Trung Hải, đang có sự hiện diện của các nhóm tàu sân bay USS Harry Truman (Mỹ), Charles de Gaulle (Pháp) và Cavour (Italy).

Cuộc tập trận này nằm trong kế hoạch của Hải quân Nga vào đầu năm nay, huy động tất cả các hạm đội từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương với khoảng 100 ngàn quân nhân, 140 tàu chiến và hàng trăm máy bay các loại, diễn tập. 

Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống V.Putin (18/2) tham gia giám sát cuộc tập trận của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Theo đó, bộ ba hạt nhân chiến lược bao gồm lực lượng Không quân, Quân khu miền Nam, Hạm đội Phương Bắc, Hạm đội Biển Đen phóng hàng loạt tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, hủy diệt mục tiêu cách xa hàng chục ngàn km. Được biết, Quân đội Nga đã hoàn thành nhiệm vụ hiện đại hóa vũ khí chiếm 89% vào cuối năm 2021, sớm hơn lịch trình đặt ra. 

Cùng thời điểm, Mỹ và phương Tây ra sức cáo buộc Nga động binh thôn tính Ukraine thì chính phủ các nước này cũng vội vã rút các nhân viên ngoại giao, kêu gọi công dân rời Ukraine, khiến tình hình ở quốc gia này thêm bất ổn. 

Trong tháng qua, Mỹ và NATO đã viện trợ hơn 1.500 tấn vũ khí cho Kiev, có nhiều vũ khí hiện đại như chống tăng, chống hạm, tên lửa phòng không, đạn pháo.

Phát viểu tại Diễn đàn Munich (19/2), Tổng thống Ukraine V.Zelensky cảnh báo, Kiev có thể từ bỏ cam kết kéo dài gần 30 năm qua để trở thành quốc gia phi hạt nhân. “Giờ đây, chúng tôi vừa không có vũ khí, vừa không có an ninh”-Ông V.Zelensky trần tình. 

Đáp lại, thủ lĩnh phe ly khai miền Đông D.Pushilin, lãnh đạo Cộng hòa Donetsk (DPR) và ông L.Pasechnik, đứng đầu Cộng hòa Lugansk (LPR) tự xưng (ngày 19/2) ban bố lệnh tổng động viên. Đồng thời, bắt đầu cuộc di tản khoảng 500 ngàn đến 700 ngàn người dân nói tiếng Nga sang Nga, đề phòng xung đột do Quân đội Ukraine khởi xướng. 

Tình hình căng thẳng ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết, đã có gần 2.000 trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. 

Ngày 19/2, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), Trung tướng S.Zas đề xuất, đưa lực lượng này đến miền Đông Donbass ổn định tình hình. “Chúng tôi có thể điều động quân theo ý muốn. Nếu cần 3.000 hoặc 17.000 quân”. 

CSTO bao gồm 6 nước thuộc Liên Xô cũ do Nga dẫn đầu. Tháng 1 vừa qua, CSTO đưa binh sĩ gìn giữ hòa bình đến Kzakhstan dẹp bạo loạn và đã thành công.

MINH NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ