Mỹ rút quân, Taliban tràn ngập lãnh thổ Afghanistan
QPTĐ-Sau tuyên bố của Tổng thống thống Mỹ J.Biden (14/7) sẽ rút hết binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11-9 tới, tình hình quân sự, chính trị ở đất nước Trung- Nam Á này có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Taliban tuyên bố kiểm soát 90% đường biên giới của Afghanistan. (Ảnh: Internet)
Nếu như tuần đầu tháng 7, lực lượng Taliban kiểm soát 50% lãnh thổ thì tuần giữa tháng 7 con số này là 85% và sau đó là 90%, bao gồm hầu hết khu vực nông thôn, vùng núi và biên giới. Lực lượng quân đội Chính phủ chỉ còn kiểm soát thủ đô Kabul, một số thành phố, trung tâm chính trị, kinh tế.
Đó cũng là kết quả không mong muốn của Mỹ trong cuộc xung đột, tranh chấp lãnh thổ Afghanistan kéo dài nhiều thập kỷ qua tại quốc gia này sau khi đã Mỹ chính thức rút 90% binh sĩ và khí tài quân sự khỏi Afghanistan trong tháng 7. Hiện, phái đoàn của Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đã ngồi vào bàn đàm phán ở Doha, Qatar kỳ vọng đạt được một thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp.
Cùng thời điểm binh sĩ Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan, Taliban cử phái đoàn cấp cao đến Nga và Trung Quốc, chuyển đi những thông điệp mới.
Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ G.W.Bush “Nước Mỹ bị tấn công” ngày 11/9/2001, Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, kéo theo lực lượng NATO tham chiến ở Iraq, Afghanistan, Syria.
Mỹ đã huy động hàng trăm ngàn binh sĩ ồ ạt tấn công Iraq với cáo buộc Tổng thống Iraq S.Husein “tài trợ khủng bố”, “sản xuất vũ khí hóa học giết người hàng loạt”. Mỹ đổ quân vào Afghanistan tìm diệt thủ lĩnh Al-Qaeda, trùm khủng bố quốc tế O.bin Laden. Ở thời kỳ cao điểm, tại Afghanistan có hơn 100 ngàn binh Mỹ và NATO, đứng đầu là Anh, tham chiến chống quân nổi dậy Taliban. Lực lượng Taliban bị Liên hợp quốc đưa vào danh sách phiến quân khủng bố.
Mỹ và NATO đã đạt được những mục tiêu trước mắt, đánh đổ chính quyền độc tài, hà khắc do Taliban đứng đầu, thành lập một chính phủ mới thân Mỹ và phương Tây điều hành đất nước nhưng cuộc xung đột sắc tộc, phe phái và tinh thần chống người ngoại quốc xâm lược Afghanistan chưa bao giờ lắng dịu.
Hai mươi năm (2001-2021), Mỹ và NATO đổ quân vào Afghanistan đã để lại một chiến trường tàn khốc, thành phố làng mạc bị tàn phá, hàng triệu thường dân bị sát hại, quân chính phủ tổn thất không dưới 60.000 binh sĩ, Taliban mất khoảng 51.000 tay súng. Liên hợp quốc dự kiến phải huy động 15-20 tỉ USD để khôi phục kinh tế, đời sống của người dân sau chiến tranh.
Về phía Mỹ, 2.500 quân nhân thiệt mạng cùng 450 binh sĩ Anh và 650 lính NATO, số binh sĩ bị thương gấp hơn 10 lần số tử nạn. Ngân sách Mỹ chi cho cuộc chiến này là 2.000 tỉ USD (một báo cáo khác là 6.000 tỉ USD) và NATO chi 825 tỉ USD. Đây được xem là cuộc chiến đẫm máu, lâu dài nhất, đắt giá nhất của Mỹ-NATO ở nước ngoài, cả về chi phí tiền của và nhân mạng. Cuộc chiến ở Afghanistan có tác động lớn đến các cuộc bầu cử Tổng thổng Mỹ.
Tháng 2/2020, tại Doha (Qatar), Mỹ và Taliban ký thỏa thuận hòa bình, mang tính lịch sử, mở ra một hướng mới kiếm tìm hòa bình cho đất nước này.
Mỹ cam kết giảm số lượng binh sĩ tại quốc gia này từ 13.000 xuống còn 8.600 trong vòng 135 ngày và tiến tới rút hết binh sĩ, khí tài về nước trước ngày 1/5/2021, tùy theo mức độ cam kết ngừng bắn của Taliban. Mỹ khẳng định, thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình lâu dài ở Afghanistan mà không có sự hiện diện của phiến quân Al-Qaeda và Hồi giáo IS cũng như bất kỳ nhóm khủng bố nào khác. Tiếp theo đó, các thành phần trong xã hội Afghanistan bao gồm chính phủ nước này sẽ tiến hành đối thoại với Taliban để tiến hành hòa giải, hòa hợp dân tộc.
Đến thời điểm này, ở Afghanistan còn khoảng 3.500 binh sĩ Mỹ, 7.000 lính NATO và 18.000 nhà thầu quân sự quốc tế, sẽ phải rời đi. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì một số lượng nhất định cố vấn, chuyên gia kỹ thuật ở hàng chục căn cứ để giúp Chính phủ, quân đội Afghanistan duy trì các hoạt động (ví dụ như hàng không).
Trao đổi với người đồng cấp Afghanistan A.Ghani, Tổng thống J.Biden nói: “Người Afghanistan sẽ phải quyết định tương lai của họ, những gì họ muốn”. Trong khi ông A.Ghani cho rằng, công việc của chúng tôi bây giờ là “giải quyết hậu quả” sau khi Mỹ rút quân. Hiện, Chính phủ Kabul có trong tay khoảng 30.000 cảnh sát và 30-40 ngàn binh sĩ nhưng họ luôn thất thế trước khoảng 20 ngàn tay súng Taliban.
Afghanistan là quốc gia Hồi giáo châu Á, đa sắc tộc, có 30 triệu dân, có đường biên giới chung với Iran, Pakistan; phía Nam giáp với nước cộng hòa SNG. Hơn nửa thế kỷ qua, đất nước này chưa ngày nào im tiếng súng.
Vào dịp 3/2021, Nga chủ động mở cuộc họp “Bộ ba mở rộng” bao gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, có mời đại diện Pakistan, Taliban, Chính phủ Kabul đến Moskva để bàn về khu định cư Afghanistan. Nga quan ngại, khi Mỹ rút đi, xung đột nổ ra dữ dội, lãnh thổ nước láng giềng Tajikistan sẽ là nơi binh sĩ hai bên tràn sang lánh nạn. Ở đó, Nga có một căn cứ quân sự. Và điều lo lắng đó đã xảy ra, hàng ngàn binh sĩ quân Chính phủ Kabul bị Taliban truy quét, đã dạt sang quốc gia này.
Ngày 8/7, Moskva đón một phái đoàn Taliban gồm 4 người do ông M.S.Shaheen dẫn đầu đến Moskav, gặp gỡ Đặc phái viên Nga tại Aghanistan Z.Kabulov, trao đổi về xung đột bùng phát ở khu vực miền Bắc do quân chính phủ kiểm soát và yêu cầu Taliban ngăn cản bạo lực lây lan ra ngoài biên giới nước này. Taliban cam kết, không cho phép quân đội nước ngoài đặt căn cứ trên lãnh thổ Afghanistan. Hiện, Nga, Uzbekistan và Tajikistan đang tích cực chuẩn bị cho cuộc tập trận chung khu vực biên giới với Afghanistan dự kiến từ 5-10/8.
Ngày 28/7, tại thành phố Thiên Tân, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp phái đoàn Taliban bao gồm 9 thành viên do Phó thủ lĩnh M.A.Baradar dẫn đầu, đàm phán về tương lai Afghanistan thời kỳ hậu Mỹ. Được biết, Bắc Kinh giao tiếp với cả Chính phủ Kabul và Taliban, hòng lấp khoảng trống quyền lực ở quốc gia này. Dường như chính quyền Bắc Kinh không can thiệp quân sự, tận dụng Taliban để kiềm chế các lực lượng khủng bố khác ở đất nước này, kỳ vọng hợp tác kinh tế, đầu tư, mở rộng chiến lược Vành đai-Con đường kéo dài từ Pakistan sang Afghanistan. Trung Quốc cũng chú ý đến nguồn tài nguyên của Afghanstan, trong đó có kho đất hiếm trị giá hàng ngàn tỉ USD của chính quyền Kabul.
NHẬT MINH