A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ, EU tung đòn liên hoàn trừng phạt Nga

 

QPTĐ-Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã bước qua tuần thứ 7, vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine được xem là lớn nhất trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, gây chia rẽ sâu sắc trong quan hệ Nga và Mỹ, phương Tây. Tuần qua, sau Hội nghị G7, Mỹ và châu Âu tung hàng loạt đòn trừng phạt toàn diện lên Moskva. 

Mỹ áp lệnh trừng phạt nhằm vào ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank. (Ảnh: Internet)

“Các lệnh trừng phạt này sẽ xóa sổ những nỗ lực của Nga trong vòng mười lăm, hai mươi năm vừa đạt được”-Tổng thống Mỹ J.Biden tuyên bố. 

Theo đó (6/4), Mỹ áp lệnh trừng phạt nhằm vào 2 trong số các ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank và Alfabank, cấm toàn bộ hoạt động giao dịch, đóng băng tài sản và cấm công dân Mỹ làm ăn với 2 ngân hàng này. 

“Tổng cộng, chúng tôi đã chặn hoàn toàn hơn 2/3 lĩnh vực ngân hàng của Nga. Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, tài sản của 2 ngân hàng này khoảng 1,4 ngàn tỉ USD”-Một quan chức Mỹ cho biết. 
Cùng ngày, Mỹ áp lệnh đóng băng tài sản, cấm giao dịch với hàng loạt quan chức cấp cao Nga và thành viên gia đình họ, trong đó có Thủ tướng M.Mishustin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia D.Medvedev, các thành viên Hội đồng An ninh Nga, 2 con gái của Tổng thống Nga V.Putin, vợ và con gái của Ngoại trưởng S.Lavrov. 

Ngày 7/4, Tổng thống Mỹ J.Biden ký lệnh hành pháp cấm mọi hoạt động đầu tư mới của công dân Mỹ vào Nga nhằm “cô lập hơn nữa Nga khỏi kinh tế toàn cầu”, “làm giảm khả năng cạnh tranh toàn cầu của Nga”. 

Cùng ngày, Anh công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó bao gồm đóng băng tài sản ngân hàng Sberbank và Creditbank of Moskva; cấm các khoản đầu tư mới của công dân Anh vào Nga; cam kết ngừng nhập khẩu dầu mỏ, than đá của Nga vào cuối năm nay, tiếp đến là ngừng hẳn nhập khẩu khí đốt, sắt thép của Nga; bổ sung thêm 8 nhà tài phiệt Nga vào danh sách trừng phạt. 

Đây là gói trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay của Anh nhằm vào Nga-Ngoại trưởng Anh L.Truss cho biết. Australia cũng đưa 67 quan chức, doanh nghiệp Nga vào danh sách trừng phạt.

Ngày 5-6/4, các nước EU nhất loạt tuyên bố trục xuất 260 nhà ngoại giao Nga, trong đó Đức: 40, Pháp: 35, Italy: 30, Slovenia: 33, Romania: 10, Bồ Đào Nha: 10, Estonia: 14. Lithuania giáng cấp quan hệ, trục xuất Đại sứ Nga.

Cao ủy châu Âu về Chính sách đối ngoại và An ninh J.Borrell cho biết, sẽ trục xuất một số nhân viên phái đoàn thường trực Nga tại EU sau vụ thảm sát dân thường ở Bachu. Nga cáo buộc “tổ chức cực đoan hậu thuẫn Kiev dàn dựng”, hòng đổ lỗi cho Nga. Liên hợp quốc họp, với đa số phiếu thuận, loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền. Nga tuyên bố, chính thức rút khỏi tổ chức này.

Trước đó, Nga và Mỹ, phương Tây bất đồng sâu sắc sau sự kiện Crimea năm 2014, hai bên áp hàng loạt lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau, hàng trăm quan chức, nhân viên ngoại giao bị trục xuất. 

Từ tháng 3 vừa qua, 2 hệ thống thanh toán thẻ quốc tế Visa và Master Card đã ngừng hoạt động tại Nga và các ngân hàng lớn của Nga cũng bị mất quyền truy cập vào hệ thống tin nhắn Ngân hàng toàn cầu SWIFT. Mỹ, châu Âu loại Nga khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD, Euro, bảng Anh. Các lệnh trừng phạt đã cắt Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và phong tỏa gần một nửa dự trữ vàng, ngoại hối của Moskva, trị giá khoảng 606,5 tỉ USD.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu U.Leyen (8/4) đến Kiev, cam kết đẩy nhanh việc kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU). 

Thủ tướng Anh B.Johnson (9/4) thăm Kiev, hứa hỗ trợ 500 triệu USD, cung cấp hệ thống tên lửa chống hạm mới và 120 xe bọc thép cho Ukraine. Tuần trước, London cung cấp cho Kiev 800 tên lửa chống tăng NLAW, máy bay không người lái cảm tử, hệ thống tên lửa phòng không Starstreak; chưa kể 4.000 tên lửa chống tăng hạng nhẹ đã cấp dịp đầu tháng 3. 

Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken tuyên bố, “với mỗi xe tăng Nga ở Ukraine, chúng ta sẽ cung cấp 10 tên lửa chống tăng Javenlin cho quân đội Kiev chống lại các xe tăng này”. Dưới thời Tổng thống J.Biden (từ 1/2021), Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine 2,4 tỉ USD, trong đó có 1,7 tỉ USD (kể từ 24/2) bao gồm tên lửa dẫn đường bằng laser, máy bay không người lái (chiến thuật Swich blade và Purma), hệ thống máy bay không người lái đối kháng, xe bọc thép, súng máy, đạn dược, thiết bị nhìn đêm, hệ thống thông tin liên lạc. 

Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg khẳng định, các đồng minh tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine. NATO hứa cấp vài trăm xe tăng T-72 Liên Xô trong kho vũ khí của Ba Lan, Séc, Hungaria, Bulgaria cho Kiev. NATO điều 4 nhóm tác chiến mới đến Bulgaria, Hungaria, Romania, Slovakia, củng cố sườn phía Đông. 

Đáp trả các hành động của Mỹ và EU, NATO; Người Phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov (6/4) tuyên bố: “Trục xuất các nhà ngoại giao là một quyết định gần như đóng sập cánh cửa quan hệ ngoại giao. Nga sẽ đáp trả tương xứng”. Đồng thời cảnh báo, Ba Lan mở cửa cho Mỹ đặt vũ khí hạt nhân ở nước này là hành vi khiêu khích, Nga sẽ đáp trả, bao gồm cả phương án thay đổi chiến lược về vũ khí hạt nhân; không loại trừ việc Nga cắt đứt quan hệ ngoại giao với phương Tây.

Tại Điện Kremlin (ngày 9/4) Tổng thống Nga V.Putin giao nhiệm vụ cho Thượng tướng A.Dvornikov làm chỉ huy mới chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tướng A.Dvornikov, 60 tuổi, Tư lệnh Quân khu phía Nam (Nga), từng chỉ huy chiến dịch quân sự Nga ở Syria. Dự báo, miền Đông Ukraine sẽ trở thành mặt trận khốc liệt trong kế hoạch giải phóng vùng Donbass, thành phố Mariupol, biển Azov, nối liền với Crimea. Có thể Nga sẽ công bố hoàn thành giai đoạn đầu cuộc chiến “phi quân sự hóa, phi hạt nhân hóa” Ukraine vào dịp Chiến thắng phát xít 9/5 tới. 

Giám đốc Tình báo đối ngoại Nga S.Naryshkin cho rằng, thành công của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine “sẽ đặt nền móng cho một cấu trúc trật tự thế giới đa cực mới, nơi mà mọi quốc gia, dù bạn hay thù, đều sẽ được hưởng lợi trong tương lai”. 

MINH NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ