A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hợp tác quốc phòng Anh-Đức có đe dọa an ninh Nga?

QPTĐ- Châu Âu bị đốt nóng không chỉ bởi xung đột ở Ukraine mà các chương trình hợp tác quân sự, quốc phòng giữa các thành viên khối NATO bao gồm Mỹ-Đức, Anh-Đức đang khiến Lục địa già nóng bỏng chẳng kém gì lò lửa Trung Đông: Israel-Hamas, Hezbollah; trên Dải Gaza, Biển Đỏ, Liban.

Hai bộ trưởng quốc phòng cho biết thỏa thuận mới giữa Đức và Anh sẽ tăng cường sức mạnh cho toàn bộ NATO. 

Ảnh: Internet

Trong chuyến thăm 4 quốc gia châu Âu: Pháp, Ba Lan, Estonia và Đức (24-25/7), Bộ trưởng Quốc phòng Anh J.Healey và người đồng cấp Đức B.Pistorius ký thỏa thuận giữa hai nước về hợp tác quân sự, quốc phòng, nhằm mục tiêu “tái thiết lập” quan hệ an ninh, quốc phòng với châu Âu. Bộ Quốc phòng Anh cho hay: Thỏa thuận bao gồm củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của Anh và Đức, củng cố an ninh châu Âu-Đại Tây Dương, nâng cao hiệu quả các hoạt động chung, đối mặt với những thách thức an ninh đang gia tăng như lĩnh vực mạng, hỗ trợ Ukraine.

“Những chuyến thăm lần này gửi một thông điệp rõ ràng rằng, an ninh châu Âu sẽ là ưu tiên quốc phòng và đối ngoại hàng đầu của Anh”-Bộ trưởng Anh J.Healey phát biểu với báo giới. Trong khi đó, Bộ trưởng Đức B.Pistorius xác nhận, Berlin và London sẽ củng cố ngành công nghiệp vũ khí trong nước bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với nhau trong việc phát triển, sản xuất, mua sắm vũ khí, đạn dược.

Theo đó, hai Bộ trưởng Quốc phòng Anh và Đức đồng ý với ý tưởng đề xuất của nhóm chuyên gia, hợp tác chế tạo, sản xuất tên lửa đạn đạo tầm ngắn có tầm bắn 3.200 km, có thể tấn công các “cơ sở hạt nhân của Nga đang đe dọa an ninh châu Âu”. Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm cho hay, Anh và Đức là hai quốc gia châu Âu, trụ cột khối quân sự NATO, chi ngân sách quốc phòng khá lớn. Anh (năm 2023) là 74,9 tỉ euro (81,1 tỉ USD), Đức 66,8 tỉ euro (72,4 tỉ USD).

Trước đó, tại Washington (10/7), Mỹ và Đức ra Tuyên bố chung về hợp tác quân sự, quốc phòng, trong đó Berlin cho phép Mỹ bố trí tên lửa tầm xa trên lãnh thổ Đức vào năm 2026. “Đức cần lực lượng và khả năng răn đe bên cạnh những gì chúng ta đã có, chẳng hạn như tên lửa hành trình và vũ khí thông thường tầm xa”-Thủ tướng Đức O.Schoz tuyên bố, “quyết định này hoàn toàn phù hợp với chiến lược an ninh của Chính phủ Đức”. 

Theo đó, hệ thống tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn xa hơn 2.500 km và tên lửa SM-6 tấn công mục tiêu xa 460 km, tên lửa siêu thanh đã bị cấm ở châu Âu theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Nga, Mỹ đã ký thời Chiến tranh Lạnh, bị Mỹ tuyên bố hủy bỏ năm 2019. “Vũ khí siêu vượt âm đang phát triển cũng sẽ đạt được ở Đức và sẽ có tầm bắn xa hơn đáng kể so với các vũ khí đặt trên đất liền hiện nay ở châu Âu”-Phát ngôn viên Nhà Trắng cho hay.

Trong tháng 7, Chính phủ Đức đã ký hai hiệp ước về quân sự, quốc phòng với đồng minh Mỹ và Anh, trong đó có cam kết phát triển công nghiệp quốc phòng, sản xuất, triển khai hệ thống tên lửa tấn công tầm xa, khiến Nga không thể ngồi yên.

Phản ứng tức thời ngay sau Tuyên bố chung Mỹ-Đức, Đại sứ Nga tại Mỹ A.Antonov (11/7) cảnh báo, kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa mới của Mỹ ở Đức làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang và có thể gây ra sự leo thang không thể kiểm soát. “Đây là kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung, tầm ngắn ở châu Âu. Những bước đi gây bất ổn cao như vậy đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc tế và ổn định chiến lược”. Trong khi Thủ tướng Đức O.Schoz ra điều kiện, để ngăn chặn Mỹ triển khai tên lửa ở Đức thì Nga phải dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga S.Ryabkov tuyên bố, Nga không loại trừ khả năng triển khai tên lửa hạt nhân để đáp trả việc Mỹ đặt tên lửa tầm xa ở Đức. Chuyên gia quân sự M.Valtersson bình luận, Nga có thể đáp trả bằng việc triển khai các tên lửa lưỡng dụng mới ở khu vực Kaliningrad và có thể ở cả Belarus hoặc bố trí thêm hệ thống tên lửa chiến lược tại các quân khu Moskva, Leningrad mới được tái lập; thậm chí là ở Nam châu Âu, tiến gần hơn đến Mỹ, nếu Nga đạt được thỏa thuận với một hay nhiều đồng minh Bắc Phi hoặc Caribe.

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cho rằng, Thủ tướng Đức O.Schoz đã “suy nghĩ một cách giản đơn” khi ra điều kiện cho Nga liên quan đến việc triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ. “Không có ai hỏi ông O.Schoz rằng, liệu người Đức có muốn triển khai những tên lửa đó hay không? Điều đó cho thấy, ông ấy không che giấu sự thật rằng, quyết định này là của Mỹ đưa ra”.

Tuần qua, một nhóm tàu chiến thuộc Hạm đội Baltic (Nga) đã cập cảng Havana (Cuba, từ 27-30/7). Đội tàu chiến Nga sẽ ghé cảng Venezuela, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela vừa kết thúc; Tổng thống N.Maduro tái cử nhiệm kỳ thứ 3, đang bị Mỹ và phương Tây phản đối, không công nhận kết quả bầu cử. Ông N.Maduro có tư tưởng độc lập dân tộc, thân Nga, chống Mỹ.

Trước đó (12-17/6), nhóm tàu khu trục Đô đốc Gorshkov và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan (Nga) đã đến thăm Cuba. Đây là các hoạt động thường niên của Hải quân Nga và Cuba kể từ năm 2013 nhưng  cũng là lời cảnh báo với Mỹ và phương Tây, khi Moskva đang kiếm tìm các đồng minh ngay tại sân sau của Mỹ.

Cùng thời gian này, từ ngày 27/7, một nhóm tàu chiến bao gồm tàu tuần dương, tàu khu trục thuộc Hạm đội Thái Bình Dương (Nga) đi qua biển Đỏ, eo biển Bab-el-Mandeb, tiến vào vịnh Aden. Nhóm tàu này đã có chuyến tuần tra dài ngày, kể từ 22/1, đến các cảng của Ấn Độ, Sri-Lanka, Iran, Qatar, Eritrea.

Ngày 30/7, Nga tập trận hải quân ở hầu hết các hạm đội với 300 tàu nổi, tàu ngầm, 50 máy bay, hơn 200 đơn vị thiết bị quân sự và 20.000 binh sĩ; đồng thời, tiếp tục cuộc tập trận tên lửa chiến thuật phi hạt nhân giai đoạn 3. Đây là cuộc tập trận, tổng kiểm tra lực lượng hải quân, hàng không vũ trụ Nga, đối ứng lại kế hoạch Đức và NATO chuẩn bị triển khai 800.000 quân và 200.000 phương tiện quân sự trên lãnh thổ Đức.

HÀ NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ