A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châu Âu ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng

 

QPTĐ-Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tiệm cận ngày thứ 100 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, kể từ ngày 24/2, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi phát xít hóa”, “phi hạt nhân hóa” chính quyền Kiev. 

Chưa nói đến thương vong về người và thiệt hại tài sản, kinh tế của đôi bên tham chiến, mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Nga và Mỹ, phương Tây vốn đã tồn tại nhiều thập kỷ qua lại bùng phát đến điểm đỉnh, cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến sự khu vực, thậm chí Thế chiến III? 

Châu Âu đối diện với khủng hoảng năng lượng toàn diện. (Ảnh: Internet)

Điều hiển hiện, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm mạnh sau đại dịch Covid-19, lạm phát tăng cao, châu Âu đang phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng và nhiều quốc gia có nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm, tức là hàng tỉ người lâm vào nạn đói. Nga và Ukraine đang chiếm 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu, trong khi Ukraine xuất khẩu sản lượng lớn ngô, dầu hướng dương nhưng bị gián đoạn do cấm vận hoặc bị phong tỏa giao thương hàng hóa. 

Tuần qua, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất gói cấm vận dầu thô và các sản phẩm hóa dầu của Nga trong gói trừng phạt thứ 6 của phương Tây nhằm vào Moskva. Châu Âu đang thể hiện vai trò tích cực, đồng minh tin cậy của Mỹ trong cuộc chiến cấm vận chống Nga, đồng thời giúp đỡ Ukraine vũ khí đáp trả lại Moskva.

Theo Chủ tịch EC U.Leyen, lệnh cấm vận dầu đối với Nga sẽ có hiệu lực sau 6 tháng và lệnh cấm vận các sản phẩm hóa dầu sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Động thái này của EC cũng giống như hành động cấm vận xuất khẩu dầu của Mỹ nhằm vào Iran, Venezuela-hai cường quốc dầu mỏ.  

Đây là một đòn mạnh của châu Âu đánh vào ngành kinh tế xương sống Nga nhưng cũng là khó khăn cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bởi 40% nguồn năng lượng của khối là nhập khẩu từ Nga. 

Sau khi đưa ra chính sách hỗ trợ, EU vẫn bị sự phản đối quyết liệt từ Hungaria. Hiện, Hungaria đang khai thác 65% lượng dầu chuyển từ Nga, theo đường ống dẫn dầu Druzhba do nước này kiểm soát, dài gần 1.500 km từ Nga qua Ukraine đến Hungaria-thành viên EU và NATO. Thủ tướng Hungaria Orban cho rằng, cấm vận dầu Nga “giống như thả một quả bom hạt nhân vào nền kinh tế” Hungaria. Budapest có thể cân nhắc cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển nhưng không cấm nhập khẩu qua các đường ống. Vì thế, EU chưa đạt được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên. 

Mấy tháng qua, những tuyên bố trừng phạt kinh tế Nga của EU đã khiến giá dầu toàn cầu tăng lên hơn 100 USD/thùng. Đã xảy ra bất đồng giữa Nga và các nước châu Âu trong việc cung cấp dầu mỏ, khí đốt khiến Moskva cắt hợp đồng với 3 nước: Hungaria, Ba Lan và Phần Lan. Lithuania tự cắt hợp đồng năng lượng với Nga. 

Hiện, Nga là một trong ba nước có sản lượng khai thác dầu mỏ đứng đầu thế giới (bao gồm Mỹ, Arab Saudi) với khoảng 10,5 triệu thùng/ngày, xuất khẩu 7 triệu thùng/ngày, trong đó có 3,5-4 triệu thùng dầu thô sang châu Âu và 1/4 sản phẩm hóa dầu khác. Ngân sách Nga phụ thuộc gần 40% từ dầu khí. 

Ứng phó với các biện pháp cấm vận của EU, Phó Thủ tướng Nga A.Novak cảnh báo, “châu Âu sẽ phải tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế khác với giá đắt đỏ hơn nhiều nếu tiến hành loại bỏ dầu Nga” vốn chiếm 1/4 lượng nhập khẩu của khối này. Nga sẵn sàng chuyển bất kỳ nguồn cung nào mà các nước châu Âu từ chối sang khu vực khác như châu Á. Ngoại trưởng Nga S.Lavrov tuyên bố: “Hãy để cho phương Tây phải trả nhiều hơn so với con số họ từng trả cho Liên bang Nga và hãy giải thích cho người dân hiểu vì sao họ ngày càng nghèo hơn”. Trước đó, Tổng thống Nga V.Putin cảnh báo, châu Âu “tự sát về kinh tế” nếu áp lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga.

Đối phó với Mỹ và châu Âu áp lệnh phong tỏa tài chính, dừng giao dịch ngân hàng với Nga, cấm Nga tiếp cận với đồng USD, Euro; Tổng thống V.Putin ban hành đạo luật yêu cầu các khách hàng nước ngoài “không thân thiện” phải thanh toán mua dầu khí bằng đồng nội tệ ruble, bất chấp các hợp đồng mua khí đốt đã được thỏa thuận bằng đồng Euro hoặc USD. Đây là biện pháp đáp trả có ý nghĩa chính trị, ngoại giao đanh thép nhưng cũng là đòn kinh tế hiệu quả, khiến đồng ruble Nga mạnh lên bất ngờ, cao nhất trong hai thập kỷ qua so với đồng USD, euro.

Mặc dù phản đối yêu cầu bắt buộc của Nga song EU vẫn bật đèn xanh cho các công ty năng lượng mua khí đốt của Gazprom Nga bằng đồng ruble. Đã có một nửa trong số 54 khách hàng của Gazprom mở tài khoản thanh toán bằng đồng ruble. Nga đã tìm kiếm thị trường mới ở châu Á, trong đó có 2 khách hàng lớn-quốc gia 1,3 tỉ dân là Trung Quốc, Ấn Độ. 

Từ năm 2021, Nga khai thác 10,5 triệu thùng dầu thô/ngày, chiếm 14% nguồn cung toàn cầu, xuất khẩu 4,7 triệu thùng/ngày, trong đó Trung Quốc nhập khẩu 1,6 triệu thùng/ngày, EU nhập 2,4 triệu thùng mỗi ngày. Những nước nhập khẩu nhiều dầu của Nga như Đức, Hungaria, Bulgaria, theo lệnh của EU, giảm dần nguồn cung từ Nga thì Trung Quốc lại tranh thủ cơ hội, tăng lượng nhập dầu giá rẻ. Tiếp đến là Ấn Độ, đang hưởng lợi giảm giá khoảng 20% đối với dầu Brent-một kỷ lục khuyến mại hấp dẫn từ Nga. New Dehli phải nhập khẩu 80-85% dầu thô.

Mỹ và châu Âu kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng nguồn cung dầu khí, bù lại thiếu hụt nguồn cung do trừng phạt Nga. Cơ quan EIA Mỹ cho rằng, nước này chỉ có khả năng tăng lên 0,8 triệu thùng dầu/ngày, kể cả mở kho dự trữ xuất bán 180 triệu thùng dầu vẫn chưa đủ sức hạ nhiệt giá dầu. Mỹ đã bất lực trong việc gây sức ép buộc các nước vùng Vịnh tăng sản lượng khai thác dầu.  

Tổ chức OPEC+ do Arab Saudi và Nga dẫn đầu, trong đó có Iraq, UAE, Kuwait, Arab Saudi tỏ ra thờ ơ với đề nghị của Mỹ, không bơm thêm dầu ra thị trường và cảnh báo, EU không thể thay thế dầu Nga? Tổng Thư ký OPEC+ M.Barkindo cho biết, không có nguồn dự phòng nào trên thế giới để bù đắp cho lệnh cấm vận hoàn toàn đối với 7 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Nga.

Châu Âu đang đứng trước ngưỡng cửa thiếu năng lượng khi mùa Đông đến. Nếu không có OPEC, người dân châu Âu sẽ phải nhận tin xấu về giá xăng dầu, vận tải tăng vọt, lạm phát sẽ tiếp tục phi mã.

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ