A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bất ngờ về một thế giới không có vũ khí hạt nhân?

 

QPTĐ-Năm 2022, thế giới bị đốt nóng bởi cuộc xung đột Ukraine diễn ra từ cuối tháng 2, kéo theo châu Âu rơi vào cuộc chiến cấm vận với Nga và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Gần đây, dư luận thế giới lại bị cuốn hút vào cuộc tuyên chiến hạt nhân giữa một bên là Mỹ, NATO, bên kia là Nga, đôi bên cáo buộc, răn đe sẽ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu đối phương “vượt qua lằn ranh đỏ”? 

Nga kêu gọi 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cam kết về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. (Ảnh: Internet)

Bất ngờ, tuần qua, Nga kêu gọi 4 quốc gia còn lại trong 5 cường quốc hạt nhân (Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp), đồng thời cũng là 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cần đưa ra những động thái phù hợp nhằm chứng minh cam kết về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. 

Theo đó (ngày 2/11), Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Moskva luôn tuân thủ một cách “nghiêm túc và nhất quán” các nguyên tắc bảo đảm cho một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không xảy ra. Nga lên tiếng kêu gọi các cường quốc hạt nhân khác cũng có “những động thái thực tế” nhằm thể hiện cam kết này. 

“Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, trong tình hình khó khăn và hỗn loạn hiện nay, bất chấp những hành động vô trách nhiệm nhằm phá hoại an ninh quốc gia của Nga, ưu tiên hàng đầu luôn luôn là ngăn chặn bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào giữa các cường quốc hạt nhân”-Tuyên bố của Nga nêu rõ và cho rằng, 4 quốc gia hạt nhân còn lại (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc) cần chia sẻ cam kết đã ký trong Tuyên bố chung (ngày 3/1) về việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân cũng như không chấp nhận một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.  

Thông báo của Moskva được đưa ra sau khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 (Nord Stream) của Nga đi qua biển Baltic sang châu Âu bị phá hoại có chủ đích và Hạm đội Biển Đen (Nga) đồn trú ở Vladivosok, khu vực bán đảo Crimea bị Ukraine tấn công. Tình báo Nga khẳng định, có đầy đủ bằng chứng cho thấy, chuyên gia Hải quân Anh đã nhúng tay vào 2 sự vụ trên. Tuy nhiên, Anh phủ nhận mọi cáo buộc.

Được biết, sau Mỹ, Anh là quốc gia thành viên NATO thể hiện sự nồng nhiệt cung cấp vũ khí, phương tiện chiến tranh, huấn luyện binh sĩ Ukraine, hậu thuẫn quân đội Kiev đáp trả lại Nga trong cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra. 

Năm ngoái, trong cuộc tập trận NATO và Ukraine trên Biển Đen, tàu chiến Anh đã đi vào vùng hải phận của Crimea như một động thái thách thức Moskva, khiến tàu chiến và máy bay tiêm kích Nga buộc phải có hành động cảnh báo. Sau đó là cuộc khẩu chiến pháp lý, thách thức giữa Anh, Mỹ, NATO và Nga. 

“Chúng ta cần từ bỏ những nỗ lực nguy hiểm để xâm phạm lợi ích sống còn của nhau, tránh những xung đột vũ trang trực tiếp có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc”-Tuyên bố của Nga, một lần nữa, nhấn mạnh. 

Mấy năm qua, Mỹ và Nga đã hủy bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Hiệp ước Bầu trời mở (OST) và chỉ còn New START-Hiệp ước duy nhất giữa hai nước về kiểm soát vũ khí hạt nhân, có hiệu lực đến năm 2026. 

Hiện, Nga và Mỹ là hai cường quốc vũ khí hạt nhân, mỗi nước sở hữu khoảng trên dưới 6.000 đầu đạn. Nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra, 10 quốc gia có vũ khí hạt nhân khởi động một phần nhỏ kho vũ khí, cũng đủ hủy diệt trái đất. 

Với Mỹ, không chỉ kiềm chế Nga, Nhà Trắng đã và đang có những động thái ráo riết yêu cầu ký hiệp ước về vũ khí hạt nhân với Trung Quốc. Theo phương Tây, Bắc Kinh đang sở hữu khoảng 300 đơn vị vũ khí hạt nhân và có thể tăng lên gấp đôi trong thập niên tới. Mỹ cũng tìm giải pháp mạnh với Triều Tiên, Iran về chương trình phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân. Tuần qua, Lầu Năm Góc tuyên bố, sẽ dùng phương án ngoại giao ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân nhưng để ngỏ khả năng sử dụng quân đội như giải pháp cuối cùng. 

Khối quân sự NATO do Mỹ cầm đầu, không giấu giếm khả năng sẽ triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan cũng như hai nước: Phần Lan, Thụy Điển, sắp ra nhập khối.

Từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, NATO tăng cường thêm 30.000-40.000 binh sĩ tại châu Âu, tăng gấp 7 lần quân số, vũ khí lực lượng phản ứng nhanh. 

Tại Ba Lan, Mỹ và NATO để lại 12.600 binh sĩ đồn trú sau cuộc tập trận Defender Europe 22 (tháng 5/2022) trên đất nước này, lập kỷ lục lớn nhất binh sĩ nước ngoài đồn trú dài ngày tại Ba Lan-trung tâm hậu cần của NATO hậu thuẫn chính quyền Kiev, vi phạm Hiệp ước Founding Act (1997) ký kết giữa Nga và NATO.

Phát biểu với báo chí, Tổng thống Mỹ J.Biden (2/11) cho biết: “Binh sĩ Mỹ sẽ ở lại Ba Lan trong quãng thời gian dài”. Đây được xem như cam kết của Ông chủ Nhà Trắng với người đồng cấp Ba Lan A.Duba trước việc Wasavaw kêu gọi Mỹ, NATO tăng cường binh sĩ ở vùng Baltic, đối phó với Nga. Ông A.Duba cho rằng, hiệp ước giữa NATO và Nga “đã chết”, “không còn giá trị” từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine (2/2022). 

Cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Tuần qua, quân đội Ukraine và binh sĩ vùng miền Đông Donbass, tỉnh Kherson đang tập trung cho trận chiến mới, có khả năng khốc liệt gấp nhiều lần. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Austin (3/11) nói với báo chí: “Tôi tin là Ukraine có thể giành lại lãnh thổ phía Tây sông Dnipro và Kherson”. 

Tổng thống Ukraine V.Zelensky kêu gọi binh sĩ chiến đấu đến cùng, giải phóng Crimea và các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, đồng thời cảnh báo, tuyên bố của Tổng thống Nga V.Putin về việc có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, không phải là lời nói đùa. 

Nga công khai học thuyết hạt nhân, tuyên bố 4 trường hợp được phép sử dụng. Một là, Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Hai là, khi có bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào sử dụng để chống lại Nga hoặc đồng minh của Nga. Ba là, một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Bốn là, xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường. 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ