Giải quyết tốt việc khó để có “hạt giống đỏ”
Bài 1: Tích cực tháo gỡ khó khăn bất cập
Làm tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ không những trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội ngày càng hùng mạnh, mà còn tạo nguồn cán bộ kế cận cho địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, nhiệm vụ tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đã và đang có những khó khăn, bất cập nảy sinh từ thực tiễn, như: Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các vấn đề về sức khỏe, công tác đăng ký, quản lý nguồn trong độ tuổi nhập ngũ… đã trở thành “bài toán khó” cho các địa phương. Nhưng nhờ có cách làm sáng tạo, hiệu quả, phát huy vai trò trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những năm qua, thành phố Hà Nội luôn hoàn thành tốt công tác này
QPTĐ-Những năm qua, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương trong toàn Thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất. Song trên thực tế, quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết.
Xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm khám sơ tuyển cho công dân nhập ngũ.
Bài toán “khó” nảy sinh từ thực tiễn
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Hồng Chung, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS quận Hai Bà Trưng cho biết: “Khó khăn trong công tác tuyển quân của địa phương hiện nay là số lượng công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động đăng ký KT2 vắng mặt dài ngày, vì vậy, “nguồn ảo” rất lớn. Cùng với đó là tỷ lệ mắc các tật khúc xạ về mắt, thanh niên xăm trổ có hình ảnh phản cảm, rồi tăng huyết áp ngày càng nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ”. Còn theo đồng chí Trần Tuấn Thọ, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm cho biết: “Số thanh niên của xã phần lớn đi làm trong các khu công nghiệp hoặc làm việc ở các làng nghề truyền thống của địa phương. Khi đã có việc làm, thu nhập ổn định, nhất là số đã có tay nghề thì hầu hết thanh niên không muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự”.
Qua tìm hiểu chúng tôi thấy, ngoài những khó khăn trên, trong quản lý công dân vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở có nơi vẫn chưa chặt chẽ, ở cấp xã, phường chưa rà soát hết đối tượng. Hoặc theo Luật Nghĩa vụ quân sự quy định thì: “Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải đến cơ quan đã đăng ký nghĩa vụ quân sự làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự đến cơ sở giáo dục; sau khi thôi học phải làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự về nơi cư trú hoặc nơi làm việc mới. Người đứng đầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự và chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự”. Tuy nhiên, sau khi thôi học hoặc đã tốt nghiệp, số công dân này thường không trở lại và cũng không chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự về địa phương dẫn đến khó khăn trong công tác nắm nguồn. Hay tại Khoản 3, điều 17, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 ghi rõ: “Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu đi khỏi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 03 tháng trở lên phải đến nơi đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng…”. Lợi dụng quy định này, hằng năm cứ đến thời điểm địa phương tiến hành tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là nhiều công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đi khỏi địa phương, đăng ký vắng mặt, gây khó khăn cho việc thực hiện các khâu, bước trong quy trình tuyển quân. Cùng chung quan điểm, Thượng tá Phạm Hồng Chung cho biết thêm: “Vướng mắc, khó khăn trong khâu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, chúng tôi đều có biện pháp giải quyết tháo gỡ khó khăn, nhưng những vấn đề bất cập, vướng mắc về luật là rất khó giải quyết. Ví dụ như trong Thông tư liên tịch số16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định chỉ gọi công dân có sức khỏe loại 1, loại 2 và loại 3, không bị cận trên 1,5 diop. Vậy đương nhiên những công dân bị tật về mắt trên 1,5 là bị loại, mà số công dân ở các quận phần lớn bị cận rất nhiều, nên càng khó khăn trong khâu tuyển chọn”. Những vướng mắc, bất cập trên đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ của các địa phương.
“Bình cử” bí quyết tháo gỡ khó khăn
Phường Hàng Gai nằm ở khu phố cổ và phố cũ trung tâm quận Hoàn Kiếm, diện tích nhỏ hẹp chỉ có 0,09km2 với 5.569 nhân khẩu. Hàng năm, lưu lượng người cắt, nhập khẩu, nhất là khẩu ghép, rồi đăng ký tạm vắng (KT2, KT3) tăng mạnh, trong đó thanh niên ở độ tuổi sẵn sàng gọi nhập ngũ chiếm số lượng lớn. Năm 2022, phường Hàng Gai được giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi 5 công dân nhập ngũ (trong đó có 2 công dân tham gia nghĩa vụ Công an). Cũng như các năm trước đây, công tác tuyển quân của địa phương gặp nhiều khó khăn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngay trước khi vào sơ tuyển, khám tuyển, cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, Đảng ủy, UBND phường đã có nhiều cách làm sáng tạo tháo gỡ khó khăn, như: Chỉ đạo Hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) tổ chức họp mở rộng với các ban, ngành, đoàn thể, Bí thư chi bộ và tổ trưởng tổ dân phố, các khu dân cư để quán triệt và triển khai nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là tập huấn, phổ biến các văn bản của cấp trên, chỉ tiêu được giao, cũng như quy định xử lý vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Đồng chí Phan Văn Thuần, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường cho biết: “Sau hội nghị, để bảo đảm công bằng, dân chủ, chúng tôi căn cứ vào nguồn đăng ký tuổi 17, Ban CHQS phường tham mưu với Hội đồng NVQS để phân bổ chỉ tiêu về các tổ dân phố, địa bàn khu dân cư tiến hành bình xét giới thiệu công dân đi khám sơ tuyển trước một bước”. Các khu phố sẽ tổ chức hội nghị bình xét công dân trong độ tuổi nhập ngũ, các nội dung công khai bình xét, gồm: Danh sách công dân đủ tuổi từ 18 đến 27 tuổi; công dân đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học; công dân được tạm hoãn theo Luật Nghĩa vụ quân sự; công dân có trình độ văn hóa thấp; thuộc diện KT2; công dân vi phạm chính trị đạo đức theo Thông tư 50. Trong buổi bình xét, giới thiệu công dân tham gia nghĩa vụ quân sự có đầy đủ thành phần là chính quyền, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh, đại diện Hội đồng NVQS, gia đình và cả thanh niên đến tuổi nhập ngũ dự họp; từng trường hợp sẽ được giới thiệu bình xét công khai, bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan. Gia đình và thanh niên được lựa chọn, phát biểu cảm tưởng, đồng thời cam kết thực hiện nghiêm quy định sau khi trúng tuyển.
Đây cũng là chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản mà các địa phương tiến hành hiệu quả trong thời gian qua. Trong đó, cơ quan quân sự các cấp đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ thị, kế hoạch; thực hiện tốt công tác đăng ký NVQS lần đầu, theo dõi, đăng ký bổ sung công dân tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trở về địa phương, quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, xác định đúng các đối tượng tạm vắng, tạm trú và các đối tượng trong diện miễn thực hiện NVQS, miễn gọi hoặc tạm hoãn gọi nhập ngũ theo Điều 29, Điều 30, Điều 41 của Luật NVQS, góp phần nâng cao một bước chất lượng nguồn tuyển quân, đồng thời đảm bảo công bằng trong thực hiện NVQS.
Do đó, năm 2022 thành phố Hà Nội được giao tuyển chọn và gọi 4.370 công dân nhập ngũ, trong đó có hơn 870 công dân đi nghĩa vụ Công an. Mặc dù số lượng tuyển quân được giao cao hơn năm 2021, nhưng nhờ tích cực khắc phục những khó khăn, bất cập từ thực tiễn nảy sinh, tiến hành đồng bộ các giải pháp, các quận, huyện, thị xã đã bàn giao được 3.225 công dân đạt 92,1%, chưa bàn giao là 7,9% do bị F0 sau khi khỏi bệnh sẽ bàn giao đủ 100%; có 949 thanh niên viết đơn tình nguyện chiếm 29,4%. Trong đó, tỷ lệ công dân chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ của toàn thành phố Hà Nội đạt 100%; tỷ lệ công dân có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt 40%; tỷ lệ đảng viên đạt 0,12%. Các địa phương đã phát lệnh đến 100% công dân trúng tuyển nghĩa vụ, tỷ lệ dự phòng phù hợp, bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao.
(Còn tiếp)
NGUYỄN VĂN TUÂN