A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện công tác giáo dục và đào tạo

 

QPTĐ-Quán triệt, triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trong Quân đội giai đoạn 2011-2020” của Bộ Quốc phòng; Đề án “Nâng cao chất lượng GD-ĐT, nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Thủ đô”, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội  đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung, tổ chức, phương pháp dạy học; hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thao trường, bãi tập, giáo trình, tài liệu... nâng cao chất lượng toàn diện công tác GD-ĐT.

 

 

Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

 

Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý 


Hằng năm, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý với nhiều hình thức phù hợp, như cử đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội, đi thực tế ở các đơn vị, địa phương; tổ chức bồi dưỡng tại chức, tập huấn chuyên ngành; khuyến khích giáo viên tự học tập, nghiên cứu; đẩy mạnh hoạt động phương pháp tại khoa và tổ bộ môn bằng nhiều hình thức như thông qua, dự giờ, thỉnh giảng...Thông qua đó, nâng cao trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Đến nay, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của Nhà trường luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục đào tạo, có năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục, trình độ đạt chuẩn ngày càng được nâng cao; tỷ lệ giáo viên có trình độ đại học và sau đại học tăng theo từng năm; nếu năm 2011 giáo viên có trình độ thạc sĩ là 5,4%, đại học là 54,1%; đến năm 2020 giáo viên có trình độ thạc sĩ là 14,9 %, đại học là 78,7%. Hằng năm, Nhà trường tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý giỏi cấp cơ sở. Đến nay đã có 66 giáo viên dạy giỏi cấp khoa, 34 cán bộ quản lý giỏi cấp tiểu đoàn; 28 giáo viên dạy giỏi, 3 cán bộ quản lý giỏi cấp Nhà trường; 8 giáo viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng; 3 đồng chí đạt danh hiệu Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng.

 

 

Học viên Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trong giờ huấn luyện.


Bên cạnh đó, Nhà trường thường xuyên quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên, cán bộ quản lý; xây dựng chế độ, chính sách thu hút tuyển chọn những đồng chí có trình độ được đào tạo ngoài quân đội vào công tác giảng dạy các lĩnh vực chuyên môn tại trường; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục hưởng thụ chính sách nhà đất, chính sách bồi dưỡng cán bộ hàng năm; biểu dương, khen thưởng kịp thời tạo động lực phấn đấu cho cán bộ, giáo viên hăng say cống hiến, gắn bó yêu nghề. 

 

Đổi mới quản lý, điều hành và phương pháp dạy học


Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch GD-ĐT, trong đó tập trung đổi mới cơ chế chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, tăng cường phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện có hệ thống theo quy trình “huấn luyện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp; huấn luyện kỹ thuật trước, chiến thuật sau, ban ngày trước, ban đêm sau; cơ bản trước, ứng dụng sau...”. Lãnh đạo xây dựng kế hoạch, chương trình huấn luyện bảo đảm tính khoa học, sát với từng đối tượng và yêu cầu phát triển của LLVT Thủ đô trong tình hình mới. Từng bước điều chỉnh nội dung, chương trình, môn học theo hướng tăng thời gian học thực hành và thời gian học viên tự nghiên cứu, thảo luận, phát huy tính tích cực của người học. Thực hiện đúng, đủ nội dung, thời gian đào tạo cho các đối tượng; Kế hoạch huấn luyện tuần, tháng trước khi ban hành chính thức đều được các cơ quan, khoa, đơn vị nghiên cứu cho ý kiến để điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn của Nhà trường và bảo đảm tính khoa học, logic, không để chồng chéo nội dung, địa điểm huấn luyện. 


Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng, 100% bài giảng được thông qua, phê duyệt theo phân cấp, tập trung vào các đồng chí giáo viên mới, bài giảng mới đối tượng đào tạo mới, các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các đồng chí lãnh đạo chỉ huy trong và ngoài quân đội. Chú trọng áp dụng phương pháp dạy học tích cực cho các đối tượng học viên, lấy người học làm trung tâm, tăng thời gian tự học tập, nghiên cứu; tăng cường học tập ngoại khóa vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ.

 

Công tác tổ chức thi, kiểm tra kết thúc học phần, môn học, khóa học bảo đảm sự chặt chẽ, khách quan, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hạn chế tiêu cực và bệnh thành tích trong GD-ĐT. Hệ thống câu hỏi thi, đáp án của các học phần, môn học bám sát nội dung, chương trình đào tạo bảo đảm tính tổng hợp, vừa đáp ứng yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, vừa phát huy được tư duy độc lập, sáng tạo của người học làm cơ sở cho việc đánh giá, phân loại người học. Tập trung đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đưa hình thức thi trắc nghiệm, tự luận dạng “đề mở” vào tổ chức thi kết thúc một số môn học; đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập, gắn kết quả học tập với kết quả rèn luyện của học viên, đảm bảo khách quan, trung thực, phản ánh thực chất kết quả học tập, trình độ, tác phong công tác và rèn luyện kỷ luật của học viên. Bên cạnh đó, thường xuyên đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, trên cơ sở cụ thể hóa việc xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu nghiên cứu khoa học cho các cơ quan, đơn vị trong toàn trường.

 

Các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị đã tích cực, chủ động xác định nội dung, chỉ tiêu, đăng ký nghiên cứu đề tài, sáng kiến, tài liệu ngay từ đầu năm. Hằng năm, các đề tài, sáng kiến, giáo trình, tài liệu đăng ký đều được nghiệm thu ở các cấp theo đúng trình tự, kế hoạch, đạt kết quả tốt và được ứng dụng rất có hiệu quả trong Bộ Tư lệnh, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT. Từ năm 2011 đến nay, Nhà trường đã có 9 đề tài cấp cơ sở, nghiệm thu cấp Bộ Tổng Tham mưu 4 đề tài; 31 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiệm thu cấp Bộ Tổng Tham mưu 11 sáng kiến, cấp Bộ Quốc phòng 4 sáng kiến; viết mới 13 giáo trình; sửa 41 tài liệu phục vụ công tác GD-ĐT tại trường.

 

Đồng thời, làm tốt công tác liên kết đào tạo như phối hợp với Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình đào tạo cho các đối tượng Cao đẳng chỉ huy tham mưu lục quân; cao đẳng ngành quân sự cơ sở; liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học ngành quân sự cơ sở... Để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở của LLVT Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đảng ủy-Ban Giám hiệu Trường Quân sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên đổi mới nâng cao chất lượng toàn diện công tác GD-ĐT, xây dựng Nhà trường xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo dục quốc phòng-an ninh có chất lượng tốt, uy tín của Thành phố.


HỒNG THÁI


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ