A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những bài hát hay ca ngợi Đảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên

QPTĐ-Những ngày này, Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ, hoa, pa nô, áp phích tuyên truyền chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025). Trên các làn sóng phát thanh và truyền hình, những ca khúc ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi lại vang lên rộn rã. Trong số đó có nhiều ca khúc bất hủ của Nhạc sĩ (NS) Phạm Tuyên như: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”; “Màu cờ tôi yêu” và “Đảng đã cho ta một mùa xuân”…

Nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn đọc sách báo mỗi ngày. 
Ảnh: Gia đình cung cấp

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh vào đúng mùa Xuân năm 1930, cùng “năm sinh” với Đảng. Đón chào xuân Ất Tỵ 2025, NS Phạm Tuyên tròn 95 năm tuổi đời và 75 năm tuổi Đảng. 95 năm kể từ khi có Đảng, mỗi mùa Xuân có Đảng là một mùa hạnh phúc, an vui. Đảng ta đã trở thành niềm tin, niềm tự hào dân tộc. Những sáng tác về Đảng của NS Phạm Tuyên đã nói hộ suy nghĩ, cảm xúc của chúng ta vững niềm tin vào Đảng, hy vọng vào một mùa Xuân mới, một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác ca ngợi Đảng của ông, chúng tôi được biết: Ca khúc “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” được ông viết năm 1959 khi ông bắt gặp một bài thơ của Aragon qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu. Nhạc sĩ đã tìm thấy sự đồng cảm, tâm trạng của một người trí thức đi theo cách mạng, đứng trước vận mệnh của đất nước, muốn khẳng định một con đường.

“Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Trước như tuổi thơ tôi nào biết đường/ Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/ Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông…” NS Phạm Tuyên từng chia sẻ: Tôi thích nhất câu “Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà” không chung chung, mà chính là lòng yêu nước dâng trào của mỗi người công dân. Lúc đó tôi còn là một đảng viên rất trẻ, tôi đã viết bài hát này với tâm trạng như thế”.

Gia tài lớn nhất của NS Phạm Tuyên là tập nhạc gần 700 bài hát được ông sáng tác từ năm 1949. 
Ảnh: Gia đình cung cấp

Sau ca khúc “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, năm 1960 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, ông viết ca khúc “Đảng đã cho ta một mùa xuân” thật tươi tắn, trẻ trung và trong sáng. “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng, một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi…”. Nhạc sĩ chia sẻ: Cảm hứng từ một câu thơ của một nhà thơ cộng sản Pháp là Pônvayăng Cuturiê  “Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại” cái cụm từ “Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân” ấy thật là thú vị. Sau khi ra đời bài hát này được phổ biến rộng rãi trong tuổi trẻ, đặc biệt là tuổi trẻ ở miền Nam sau ngày giải phóng. Bài hát đã đáp ứng được cái ước vọng muốn vươn tới của tuổi trẻ để thực hiện lý tưởng cao đẹp của Đảng.”

Bài hát được viết theo nhịp valse ¾ trong sáng, trẻ trung, dễ hát, dễ nhớ nhưng vẫn có chiều sâu về tư tưởng. Trong bài hát, NS Phạm Tuyên đã vẽ ra hai thái cực khác nhau của nhân dân ta giữa hai giai đoạn trước và sau khi có Đảng để nâng tầm cảm xúc của người hát và thính giả nhằm tôn vinh những giá trị tinh thần và vật chất do Đảng ta đem lại. Bài hát có một lời kết như một lời chúc mừng đầy hi vọng: "Bạn ơi mùa xuân khắp nơi tươi đẹp quá/ Khi lý tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta”. Chúng ta cảm nhận được sự phấn khởi, niềm tin yêu dạt dào với Đảng, với cuộc sống có Đảng lãnh đạo.

Còn với ca khúc “Màu cờ tôi yêu” phổ thơ Diệp Minh Tuyền được ông viết năm 1979, khi ông vào Thành phố Hồ Chí Minh, lúc này đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Ca khúc được đông đảo các bạn trẻ yêu thích và cứ mỗi khi hát về Đảng, đặc biệt là những lúc khó khăn, lời ca lại vang lên đằm thắm. “Hồng như màu của bình minh/ Đỏ như màu máu của mình tim ơi/ Búa liềm vàng rực giữa trời/ Là niềm hy vọng chói ngời tim ta... Cờ bay màu của niềm tin/ Đỏ như lời hứa của mình em ơi/ Suốt đời lòng dặn giữ lời/ Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau...”. Trong gian khó, Đảng ta vẫn vững tay chèo lái, luôn bên ta trên mỗi chặng đường. Lời bài hát dù không có từ nào về Đảng nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được sức mạnh của ý Đảng- lòng dân và khối đại đoàn kết dân tộc. “Trong đêm tối, lúc mưa sa, màu cờ đỏ vẫn chói lòa hồn tôi” và “thênh thang trên bước đường đời, ôi màu cờ ấy là lời giục tôi”.

Mừng sinh nhật NS Phạm Tuyên 90 tuổi tại nhà riêng (năm 2020).
 Ảnh: Gia đình cung cấp

NS Phạm Tuyên sinh ra tại Hà Nội, quê gốc ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là sĩ quan Quân đội nhân dân, là thầy giáo dạy văn học và âm nhạc ở các trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, trường Thiếu sinh quân Việt Nam và khu học xá Trung ương. Năm 1958 ông về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, làm Trưởng ban Biên tập âm nhạc, Trưởng đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó ông chuyển sang làm Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam; Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội từ năm 1996 đến năm 2015. Thời kỳ này chính là lúc ông có điều kiện để phát huy được khả năng âm nhạc trên nhiều lĩnh vực của mình cả về lý luận lẫn sáng tác. Trong gia tài sáng tác của ông có nhiều ca khúc gắn liền với mốc son lịch sử của dân tộc như: “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Như có Bác trong ngày đại thắng”… mỗi tác phẩm là một câu chuyện lịch sử được nhạc sĩ kể lại bằng âm nhạc. Đặc biệt, NS Phạm Tuyên còn có khoảng 200 bài hát cho thiếu nhi đủ lứa tuổi, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao danh hiệu "Nhạc sĩ có nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi được phổ biến nhất". Phong cách âm nhạc của NS Phạm Tuyên luôn tươi sáng, khúc chiết, cảm xúc, dễ thuộc, dễ hát, nhưng vẫn có chiều sâu về tư tưởng, được ghi nhận qua nhiều ca khúc đi cùng năm tháng mà nhiều thế hệ yêu thích.

Phúc Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ