A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực tìm kiếm, uy tập hài cốt liệt sĩ

 

QPTĐ-Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Hoài Đức đã quan tâm, nỗ lực thực hiện Đề án Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Đề án 1237) và Đề án Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150). Đây là những việc làm có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. Đó cũng là trách nhiệm của những thế hệ đi sau đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

UBND huyện Hoài Đức khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các đề án. 

Trải qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, huyện Hoài Đức có hàng chục vạn người con lên đường bảo vệ Tổ quốc, tham gia thanh niên xung phong, trong đó có 2.924 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, nhiều liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt, còn thiếu nhiều thông tin. Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Xác định được những khó khăn và để tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập, cũng như thực hiện Đề án Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, thời gian qua, UBND huyện Hoài Đức đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên. Đồng thời, chỉ đạo Ban CHQS huyện bám sát cơ quan cấp trên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể chính trị-xã hội của huyện. Đặc biệt, Ban CHQS huyện kịp thời tham mưu với UBND huyện ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai kịp thời các chủ trương, giải pháp thực hiện tạo sự thống nhất cao”. 

Trong quá trình thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ,  cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp của huyện đã quan tâm, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, thống nhất công tác xác minh thông tin, kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Thượng tá Nguyễn Quốc Chương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Hoài Đức chia sẻ: “Ban CHQS huyện phối hợp với Hội Cựu chiến binh huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và triển khai đến cơ sở thực hiện chặt chẽ. Cùng với đó, chúng tôi còn phối hợp tổ chức tiếp nhận, rà soát thông tin, danh sách liệt sĩ theo địa bàn nơi hy sinh, an táng ban đầu của 393 liệt sĩ do các địa phương, đơn vị khác chuyển đến và báo cáo đúng quy định; giới thiệu 3 trường hợp đi giám định gen theo đúng quy định của Đề án 150 về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”. 

Đặc biệt trên địa bàn huyện có ông Nguyễn Tiến Xuân, thôn An Trai, xã Vân Canh nghe mục nhắn tìm đồng đội trên Đài tiếng nói Việt Nam và đã gửi thư cung cấp được trên 20 nghìn thông tin về liệt sĩ, có trên 400 gia đình tìm được mộ liệt sĩ. Nhiều địa phương đã kết luận được tổng số liệt sĩ chôn cất ban đầu trên địa bàn; số hài cốt liệt sĩ đã tìm kiếm, quy tập hoặc chưa tìm kiếm, quy tập; khu vực, vị trí có thông tin mộ liệt sĩ. Ông Nguyễn Đình Huyên, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Yên tâm sự: “Thời gian đầu khi thành lập nghĩa trang liệt sĩ xã, thì Lại Yên quy tập và xây dựng 16 phần mộ liệt sĩ. Và tới nay, tổng số liệt sĩ đang có bia mộ và được thờ cúng tại nghĩa trang của xã là 170 mộ. Trong đó có 3 mộ chưa xác định được thông tin, 72 mộ có hài cốt (chiếm 42%); 98 mộ không có hài cốt (chiếm 58%). Chính vì vậy, ngay sau khi được UBND huyện và Ban CHQS huyện triển khai và chỉ đạo, hướng dẫn, chúng tôi đã phân công cán bộ chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức tuyên truyền rộng rãi về chủ trương của Nhà nước để nhân dân hiểu rõ. Đồng thời phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và cán bộ thôn tiến hành phát phiếu cung cấp thông tin liệt sĩ đến từng hộ gia đình và trong 60 ngày từ ngày 10/8-20/8/2018, chúng tôi đã thực hiện xong việc phát và lấy phiếu toàn xã với tổng số phiếu thu thập là 982 phiếu”. 

Hiện nay, trong 14 nghĩa trang liệt sĩ các xã, thị trấn thuộc huyện Hoài Đức và 1 nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hà Nội tại quận Bắc Từ Liêm có tổng số 2.725 mộ liệt sĩ. Trong đó, mộ liệt sĩ có hài cốt 1.376 liệt sĩ và không có hài cốt là 1.312. Số mộ chưa xác định được thông tin là 87. Qua khảo sát, tổ chức tìm kiếm, quy tập từ năm 2013 đến nay, tổng số mộ (hài cốt) liệt sĩ đã tìm kiếm quy tập trên địa bàn là 474 hài cốt liệt sĩ, huyện đã đưa vào nghĩa trang liệt sĩ địa phương là 437 hài cốt liệt sĩ, đưa về gia đình quản lý, chăm sóc 37 mộ.  

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn gặp không ít khó khăn. Liệt sĩ hy sinh, chôn cất ban đầu trên địa bàn huyện chủ yếu là liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; phần lớn các cựu chiến binh tham gia chiến đấu qua các thời kỳ đã từ trần. Những nhân chứng lịch sử tuổi đã cao, sức khỏe yếu, trí nhớ giảm, dẫn đến việc cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ hy sinh, chôn cất ban đầu còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác. Lực lượng cán bộ làm công tác chính sách, công tác thương binh, liệt sĩ không ổn định, trẻ tuổi, kinh nghiệm chưa nhiều.

Bằng tinh thần trách nhiệm, sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, cấp ủy, chính quyền, LLVT huyện Hoài Đức đã và đang nỗ lực vượt khó, phấn đấu thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tìm kiếm quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ, xác định đây là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng, công tác quan trọng hàng đầu trong chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương.

Hữu Thu
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ