A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người chiến sĩ Việt Minh một lòng với Thủ đô

 

QPTĐ-Mặc dù đã 77 năm trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội vẫn chưa phai nhoà trong tâm trí ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu.

Ông Nguyễn Tiến Hà xúc động kể lại những ngày hoạt động cách mạng.

Ở tuổi 95, mặc dù đi lại khó khăn, nhưng trí nhớ của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà, chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu khi xưa vẫn rất mẫn tiệp. Ánh mắt ông đầy vẻ tự hào khi kể cho chúng tôi nghe về những ngày tham gia giải phóng Thủ đô.

Ông Nguyễn Tiến Hà tên thật là Nguyễn Hữu Tự, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Người anh thứ hai của ông là Nguyễn Hữu Văn làm thư ký kiêm cận vệ cho Bác Hồ. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông đã kịp thi đỗ tú tài. Tuy nhiên, căm phẫn, đau xót trước cảnh áp bức, bóc lột dưới ách đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật, tạm gác lại việc học, ông tham gia vào Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (Một tổ chức của thanh niên Hà Nội trực thuộc Mặt trận Việt Minh đã ra đời vào cuối năm 1944. Tổ chức này đã tập hợp được đông đảo thanh niên, học sinh yêu nước trở thành lực lượng hùng hậu, nòng cốt, xung kích trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Hà Nội năm 1945). Khi đó, ông nhận nhiều nhiệm vụ, có lúc hoạt động công khai có lúc bán công khai, song nhiệm vụ chính của ông là làm giáo viên truyền bá chữ quốc ngữ. Với chiếc đèn dầu trong tay, ông đến trường “Công Ích” ở ngõ Chùa Liên Phái, Bạch Mai để dạy chữ cho người lao động, qua đó giác ngộ, động viên, tập hợp họ đi theo Việt Minh.

Theo ông Hà, nhiều hoạt động của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu khi đó rất sáng tạo, với mục đích đi sâu vào tầng lớp nhân dân lao động, vận động bà con hiểu và đi theo cách mạng. Cùng với đó, tuyên truyền bằng hình thức rải truyền đơn, kêu gọi mọi người đoàn kết dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, chống kẻ thù xâm lược. Có thể nói, thành công vang dội của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chính là việc xung kích phá cuộc mít tinh của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 17 tháng 8 năm 1945. Sự kiện đó trở thành cuộc biểu tình, tuần hành quảng đại của quần chúng nhân dân, ủng hộ Mặt trận Việt Minh, tạo tiền đề cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19 tháng 8 thành công ở Hà Nội.

Chẳng bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần nữa. Kháng chiến toàn quốc ngày 19/12/1946 bùng nổ, ông xung phong vào Quân đội. Trong trận đánh đầu tiên của mình, ông cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường, dũng cảm ở Ô Cầu Dền, Bạch Mai thuộc Liên khu II lúc bấy giờ (nay thuộc quận Hai Bà Trưng), góp phần giam chân địch trong suốt 60 ngày đêm khói lửa.

Đến tháng 2/1947, theo chủ trương của Bộ Tổng Tư lệnh, các chiến sĩ Liên khu II tạm thời được rút ra ngoài để bảo toàn lực lượng. Đến cuối năm 1948, ông được điều về vùng địch tạm chiếm vùng nội thành Hà Nội để tạo cơ sở nhằm đánh địch ngay trong sào huyệt của chúng với chức danh giáo sư dạy các môn Anh, Pháp, Toán. Qua hoạt động giảng dạy, ông đã khéo léo vận động, bồi dưỡng học sinh, nhân sĩ, tri thức đi theo kháng chiến. Khi vào địch vận, ông lấy bí danh là Nguyễn Tiến Hà, thực chất là gọi chệch của lời thề “Nguyện tiến về Hà Nội”.

Đến tháng 5/1950, ông không may bị địch bắt với một bí danh khác lúc đó là Trần Hữu Thỏa với nghề nghiệp giáo sư. Tại Sở Mật thám, nhiều lần ông bị hỏi cung, tra khảo, đánh đập bằng những đòn tra tấn tàn bạo nhưng không thể khuất phục được người trí thức cách mạng. Cuối tháng 12/1950, địch chuyển ông sang Nhà tù Hỏa Lò. May mắn được đồng đội, đồng chí thuốc thang, chăm sóc nên sức khỏe của ông dần hồi phục. Thời gian giam giữ ở đây, ông đã được anh em tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy rồi làm Bí thư Chi bộ của Nhà tù. Đến cuối năm 1952, ông được trả tự do sau gần 3 năm sống trong nhà tù thực dân. Ông tiếp tục tìm cách liên lạc với đơn vị, hoạt động bán công khai với chức danh giáo sư Trần Hữu Thỏa.

Sáng 10/10/1954, ông vinh dự được đứng trong đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Thủ đô, giữ trọn lời thề “Nguyện tiến về Hà Nội”. Trong những ngày đầu tiếp quản, do biết ngoại ngữ Anh, Pháp nên ông được giao phụ trách Trại hàng binh Âu, Phi. Ông Hà xúc động kể lại: “Cũng trong sáng hôm ấy, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cơ giới, pháo cao xạ… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Thủ đô. Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Trên đường vào nội thành Hà Nội, có rất nhiều người dân đứng hai bên đường vẫy tay chào đón”. 

Trải qua những năm tháng khó khăn kháng chiến và cho đến khi hòa bình lập lại, mặc dù bị nhiều lần địch giam giữ, tù đày nhưng ông Nguyễn Tiến Hà, người tri thức cách mạng vẫn một lòng son sắc nguyện đem hết tình cảm, tài năng, trí tuệ của mình phục vụ cho cách mạng, cho nền giáo dục nước nhà. Năm 2010, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Nhà giáo ưu tú.

Trần Đức-Kiều Vân
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ