A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc ghi lời Bác tích cực tri ân

QPTĐ-Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt với thương binh, liệt sĩ-những người hy sinh tính mạng hay một phần thân thể cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Nhằm động viên các gia đình có người đã hy sinh, ngày 2/10/1945, Bác Hồ đến Nhà thờ Lớn (Hà Nội) làm lễ cầu hồn cho các chiến sĩ hy sinh ở miền Nam. Và Người cho rằng cần phải có Ngày Thương binh-Liệt sĩ để  “tưởng nhớ những người con đã để lại một phần thân thể hoặc bỏ mình trong khi làm nhiệm vụ vinh quang, đem xương máu đắp thành bức tường đồng, thành con đê vững chắc để ngăn chặn giặc ngoại xâm”. Với ý nghĩa ấy, tháng 6/1947, Bác đã chỉ thị chọn 1 ngày trong năm làm ngày “Ngày Thương binh”. Thực hiện chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27/7/1947 là “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm, tặng quà tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (7-2024).

Ngày 17/7/1947, cách đây 78 năm, trong thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, đầu thư Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh”. Người giải thích: “Thương binh là người đã hi sinh gia đình, hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Nói về ý nghĩa cao cả của ngày 27/7, Bác viết đó là “Một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Cuối thư, Bác vận động đồng bào nhường cơm, sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Bác đã xung phong đóng góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Bác và của tất cả nhân viên Phủ Chủ tịch. 

Sau này, trên cương vị là Chủ tịch nước, mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng cứ đến ngày 27/7 hàng năm, “Ngày thương binh, liệt sĩ” Bác đều gửi thư tới thăm hỏi, động viên các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ. Những bức thư của Người đều chân thành, giản dị, đó là những lời chia sẻ, động viên, an ủi, lời kêu gọi rất mộc mạc, nhưng cụ thể, thiết thực. Đọc những bức thư đó, dường như ai cũng cảm nhận được tình cảm của Bác, điển hình như khi được tin con trai Bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ hy sinh, trong thư chia buồn, Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”. Đây chính là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” một đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, truyền thống đó đã và đang được Đảng, Bác Hồ, dân tộc ta gìn giữ, phát huy.

Khắc ghi lời Bác và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh và các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là cấp ủy, người đứng đầu các cấp về thực hiện công tác chính sách hậu phương quân đội và hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, hướng dẫn, giải đáp các chế độ, chính sách để mọi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và đối tượng chính sách hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chế độ, chính sách mới ban hành. Triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hậu phương quân đội, chăm sóc cán bộ quân đội đã nghỉ hưu; hỗ trợ gia đình quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chức có hiệu quả các hoạt động: “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”; đẩy mạnh chương trình xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, các hoạt động kết nghĩa, đỡ đầu, chăm sóc đối với người có công, giải quyết việc làm cho con thương binh nặng. Cụ thể, Bộ Tư lệnh đã tích cực, chủ động tham mưu với Thành phố tặng 1.245 sổ tiết kiệm, tu sửa nâng cấp 34 công trình ghi công; tu sửa, nâng cấp 139 nhà; tổ chức 1.060 ngày công  tu sửa  92 km đường giao thông, nạo vét kênh mương nội đồng, tu sửa 35 phòng học và nhà văn hóa; tổ chức nói chuyện 152 buổi thời sự cho 22.800 lượt người; tặng quà tập thể, cá nhân tổng số 120.551 suất, trị giá gần 200 tỷ đồng; giải quyết thủ tục truy lĩnh tiền trợ cấp thương tật cho 10 trường hợp, số tiền hơn 400 tỷ đồng; xét duyệt, thực hiện chi trả theo Quyết định số 290, 142, 62, 49 của Thủ tướng Chính phủ cho hơn 10 nghìn đối tượng, số tiền hàng trăm tỷ đồng. Phối hợp với các bệnh viện trong và ngoài quân đội tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho 13.385 lượt đối tượng chính sách với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng; giải mã 75 trường hợp; trích lục thông tin liệt sĩ cho 69 thân nhân; đính chính hồ sơ thương binh, bệnh binh cho 52 đối tượng..., góp phần tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa chính trị, xã hội lan tỏa sâu rộng, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với chế độ, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tùng Chi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội